Đoàn công tác Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội làm việc với UBND tỉnh Hà Nam
Theo báo cáo của tỉnh Hà Nam, trong năm 2015 và giai đoạn 2016 - 2020, công tác giảm nghèo trên địa bàn tỉnh Hà Nam đã đạt được nhiều kết quả tích cực, các nguồn lực từ ngân sách Nhà nước, vận động xã hội hóa và lồng ghép từ các chính sách dạy nghề, xây dựng nông thôn mới, các chính sách giảm nghèo được thực hiện đồng bộ trên địa bàn tỉnh. Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm xuống 2,20%; tỷ lệ hộ cận nghèo còn 3,60%. Tổng kinh phí bố trí để thực hiện các dự án thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020 là trên 13 nghìn tỷ đồng. Việc thực hiện chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19, tỉnh Hà Nam đã triển khai đồng bộ, quyết liệt, thận trọng và trách nhiệm, đảm bảo nguyên tắc công khai, minh bạch, đúng đối tượng. Tỷ lệ bao phủ BHYT tính đến tháng 6/2020 là 87,5%.
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Bùi Sỹ Lợi - Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội đánh giá cao sự chủ động của tỉnh Hà Nam đã huy động cả hệ thống chính trị và toàn xã hội thực hiện công tác giảm nghèo. Đồng chí cũng ghi nhận, đánh giá cao hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách xã hội đã được triển khai đồng bộ, đóng góp tích cực, giúp người dân giảm nghèo bền vững. Vốn tín dụng chính sách xã hội đã được đầu tư đến 100% đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách đủ điều kiện và có nhu cầu vay vốn. Tín dụng chính sách xã hội do NHCSXH thực hiện là một giải pháp sáng tạo, có tính nhân văn sâu sắc, là một trụ cột quan trọng trong chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, góp phần quan trọng thực hiện có hiệu quả các chủ trương chính sách mà Đảng và Nhà nước đã đề ra.
Trong năm 2015 và giai đoạn 2016 - 2020, toàn tỉnh đã có trên 113.800 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn từ NHCSXH, với doanh số cho vay đạt trên 3.460 tỷ đồng; góp phần giúp trên 4.400 hộ vượt qua ngưỡng nghèo; thu hút, tạo việc làm cho trên 7.200 lao động; trên 3.400 HSSV có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; xây dựng trên 102.500 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; Xây mới 560 căn nhà ở cho hộ nghèo, gần 180 căn nhà cho người có công với Cách mạng, người lao động trong và ngoài khu công nghiệp, cán bộ, công nhân viên, người lao động có thu nhập thấp tại khu vực đô thị, góp phần đưa tốc độ tăng trưởng hàng năm của tỉnh bình quân đạt trên 10%/năm, các nguồn lực huy động phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội ngày càng được tăng cường.
Đồng chí Bùi Sỹ Lợi đề nghị tỉnh Hà Nam cần tổng kết, đánh giá chương trình mục tiêu về giảm nghèo để xác định nguyên nhân, thực trạng, tìm giải pháp để xây dựng kế hoạch, đề án cụ thể tập trung chỉ đạo và huy động các nguồn lực tháo gỡ khó khăn kịp thời; Tập trung tạo việc làm tăng thu nhập cho người lao động; Quan tâm phát triển nguồn nhân lực; Tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội, cân đối nguồn ngân sách địa phương để tăng ủy thác sang NHCSXH tỉnh bổ sung nguồn vốn cho vay đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn toàn tỉnh, kết hợp chặt chẽ tín dụng chính sách với các đề án phát triển kinh tế - xã hội, hoạt động khuyến nông lâm ngư, chuyển giao công nghệ và tạo sinh kế đời sống cho người dân.
PV
Các tin bài khác
- » Tín dụng chính sách xã hội giúp người nghèo tự tin hòa nhập
- » Đắk Pơ ưu tiên nguồn vốn cho thành viên Hợp tác xã
- » Tín dụng chính sách bao phủ 100% các ấp, phường ở thành phố Hồ Chí Minh
- » Chỉ thị “bốn mươi” đã đi vào cuộc sống và có sức lan tỏa
- » Núi rừng Quảng Ngãi vang động
- » Đổi thay ở vùng cao Bắc Kạn
- » Dấu ấn tín dụng chính sách ở Nghệ An
- » Đưa tín dụng chính sách xã hội đến người nghèo đô thị
- » Người Tổ trưởng tận tâm với công việc
- » Những nỗ lực giảm nghèo ở Lâm Bình