Đắk Pơ ưu tiên nguồn vốn cho thành viên Hợp tác xã
HTX nông nghiệp và dịch vụ An Thành, xã An Thành, huyện Đắk Pơ được thành lập vào tháng 8/2019. Với phương châm lấy lợi ích của thành viên làm gốc, sự phát triển của từng thành viên là nền tảng cho sự phát triển của HTX, HTX nông nghiệp và dịch vụ An Thành đã xây dựng mô hình “mua chung - bán chung” nhằm hỗ trợ thành viên lựa chọn giống cây trồng, vật nuôi phù hợp, liên kết tạo đầu ra ổn định cho nông sản địa phương, áp dụng quy trình kỹ thuật mới trong sản xuất để nâng cao hiệu quả kinh tế, góp phần giải quyết việc làm cho thành viên và bà con nông dân.
Là thành viên của HTX, ông Nguyễn Văn Minh, thôn 5, xã An Thành đang thực hiện chuyển đổi hầu hết diện tích trồng mía sang trồng nhãn Hương Chi, kết hợp mô hình chăn nuôi hươu sao, nuôi cá, nuôi bò sinh sản. Mô hình này phát triển tốt, mỗi năm gia đình ông Minh đạt lợi nhuận hàng trăm triệu đồng.
Ông Minh chia sẻ: “Bên cạnh vốn tích lũy thì tôi cũng phải vay vốn của NHCSXH để đầu tư chăm sóc cho cây trồng vật nuôi đạt hiệu quả hơn. Hiện tôi vẫn còn 5 - 6 sào đất trống nên rất muốn vay thêm vốn ngân hàng để mở rộng diện tích cây trồng”.
Trong những tháng đầu năm 2020, đã có 16/18 thành viên của HTX được NHCSXH huyện Đắk Pơ cho vay tối đa 50 triệu đồng/hộ. Nhờ vốn vay, nhiều bà con đã đầu tư vào mô hình chăn nuôi bò, chuyển đổi từ cây mía sang các loại cây ăn quả có hiệu quả kinh tế cao hơn.
Anh Huỳnh Hữu Nghị - Giám đốc HTX cho biết: “Trở ngại lớn nhất của HTX là không có tài sản thế chấp đảm bảo để vay vốn ngân hàng. Hiện nay, riêng vốn điều lệ 100 triệu đồng, thành viên đóng góp cũng đã khó khăn rồi. Trong bối cảnh này, NHCSXH tạo điều kiện cho từng thành viên vay vốn chính là góp phần gỡ khó về vốn cho thành viên và cho HTX. Gia đình tôi cũng được NHCSXH cho vay vốn để đầu tư phát triển sản xuất”.
Bà Nguyễn Thị Thanh Thảo - Giám đốc NHCSXH huyện Đắk Pơ cho biết: “Hiện nay có 16 thành viên của HTX được vay tín chấp với tổng số vốn 530 triệu đồng. Đến nay nguồn vốn vay đã được bà con đầu tư vào sản xuất khá hiệu quả”.
Bà Thảo cũng thông tin, để tháo gỡ trong SXKD, một số thành viên có nguyện vọng tăng mức vay lên 100 triệu đồng. Về phía NHCSXH vẫn đáp ứng được nguồn vốn nhưng hộ vay phải thực hiện đảm bảo tiền vay theo quy định.
Được biết, ngoài thành viên HTX, 6 tháng đầu năm 2020 còn có 9 thành viên HTX An Bình (TX An Khê) vay tổng cộng 306 triệu đồng; 2 thành viên HTX nông nghiệp và Dịch vụ Tú An (TX An Khê) vay tổng cộng 80 triệu đồng.
Các tin bài khác
- » Tín dụng chính sách bao phủ 100% các ấp, phường ở thành phố Hồ Chí Minh
- » Chỉ thị “bốn mươi” đã đi vào cuộc sống và có sức lan tỏa
- » Núi rừng Quảng Ngãi vang động
- » Đổi thay ở vùng cao Bắc Kạn
- » Dấu ấn tín dụng chính sách ở Nghệ An
- » Đưa tín dụng chính sách xã hội đến người nghèo đô thị
- » Người Tổ trưởng tận tâm với công việc
- » Những nỗ lực giảm nghèo ở Lâm Bình
- » Người nghèo vùng biên thoát nghèo từ đồng vốn nhỏ
- » NHCSXH TP Đà Nẵng kiên trì, năng động giúp dân giảm nghèo