Núi rừng Quảng Ngãi vang động
Tiêu biểu ở huyện miền núi Sơn Hà có hơn 70% dân số là đồng bào Hrê, cuộc sống tuy được nâng cao qua từng năm nhưng vẫn còn nhiều khó khăn, thiếu thốn. Bí thư huyện ủy Sơn Hà Võ Tấn Lãm cho biết: Cùng việc tiến hành phát triển ngành nông, lâm nghiệp phù hợp với từng vùng theo hướng sản xuất hàng hóa, Sơn Hà đã nâng cao năng lực chỉ đạo của các cơ sở Đảng, chính quyền, hội, đoàn thể đối với công tác tín dụng chính sách.
Đặc biệt, sau khi triển khai thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, huyện đã tập trung huy động các nguồn lực tài chính, tăng thêm vốn ngân sách địa phương ủy thác sang NHCSXH để cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Tính đến 31/5/2020, tổng nguồn vốn tín dụng chính sách trên địa bàn đạt trên 300 tỷ đồng. Các hộ đồng bào DTTS vay được vốn ưu đãi thuận lợi, kịp thời vào vụ sản xuất thâm canh đồng ruộng, phát triển chăn nuôi theo mô hình trang trại tạo ra các mặt hàng nông sản có giá trị kinh tế cao, mở ra hướng tiêu thụ hàng hóa bền vững, tăng nguồn thu nhập cho gia đình. Hiện, Sơn Hà có tỷ lệ hộ nghèo thấp nhất tỉnh và thoát khỏi danh sách huyện nghèo theo Nghị quyết 30a.
Cùng với Sơn Hà, huyện Minh Long luôn xem nguồn vốn ưu đãi làm chủ lực để tập trung thực hiện có hiệu quả các Chương trình giảm nghèo bền vững, xây dựng NTM, phát triển kinh tế - xã hội. Nhờ được tiếp cận đầy đủ, kịp thời nguồn vốn của các chương trình cho vay hộ nghèo, vốn dự án phát triển lâm nghiệp, toàn huyện mỗi năm trồng thêm 2.580ha keo nguyên liệu, nâng diện tích rừng sản xuất, rừng phòng hộ lên 58.000ha.
Gia đình anh Phạm Văn Chương và chị Đinh Thị Sóc, dân tộc Ca Dong ở thôn Diệp Hạ, xã Thanh An được vay 35 triệu đồng của NHCSXH huyện Minh Long cải tạo đất đồi, mua giống cây, phân bón chọn lọc về để trồng rừng nguyên liệu giấy. Hiện, vợ chồng anh chị sở hữu 5ha keo, trừ chi phí, bình quân thu nhập của gia đình đạt 50 - 70 triệu đồng/năm. Chị Đinh Thị Sóc chia sẻ: “Hồi trước đồng bào dân tộc chỉ biết trồng lúa, trồng mỳ. Từ khi được NHCSXH cho vay vốn ưu đãi để phát triển nghề trồng rừng và nuôi con học đại học, cuộc sống gia đình ngày càng sung túc”.
Đối với huyện Ba Tơ, khắp làng quê, núi rừng đã có sự thay đổi rõ rệt trên nhiều lĩnh vực; trong đó, sự chỉ đạo và triển khai thực hiện công tác tín dụng chính sách đã đạt được kết quả cao, góp phần giúp người dân thoát nghèo nhanh, bền vững, cải thiện đời sống.
Những năm qua, NHCSXH huyện Ba Tơ đã phối hợp chặt chẽ với các cấp chính quyền, hội, đoàn thể, ban ngành địa phương làm tốt việc tuyên truyền, vận động đồng bào DTTS sử dụng vốn vay ưu đãi đúng mục đích đạt hiệu, làm động lực chính đưa tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện xuống dưới 30%. Điển hình, gia đình ông Phạm Văn Trung ở thôn Lãng Teng, xã Ba Thanh trước đây là hộ nghèo, thiếu vốn sản xuất. Năm 2014, ông Trung vay vốn NHCSXH để chuyển đổi canh tác khu ruộng trồng lúa năng suất thấp sang trồng đậu phộng, rau xanh. Sau một thời gian, rau màu tươi tốt, thu nhập của gia đình ông đạt 100 triệu đồng/năm. Vừa qua, ông trả hết nợ vay ngân hàng, lại tích lũy vốn liếng mua cặp trâu sinh sản và xây chuồng trại kiên cố, nuôi heo thịt, heo nái, mở thêm đất trồng rau củ quả tươi tốt quanh năm.
Phát huy kết quả đạt được, NHCSXH tỉnh nói chung và 6 huyện miền núi nói riêng tiếp tục thực hiện tốt Chỉ thị số 40-CT/TW, tập trung huy động nguồn vốn, ưu tiên cho hộ nghèo và gia đình đồng bào DTTS vay vốn ưu đãi đầu tư vào sản xuất. Tăng cường mối quan hệ với các ban ngành, chính quyền, hội, đoàn thể trên địa bàn đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức về sử dụng quản lý vốn vay, tạo điều kiện để người dân chủ động về vốn liếng đầu tư phát triển kinh tế, vươn lên giảm nghèo bền vững, góp sức chung lòng cho núi rừng chuyển động, âm vang.
Hoàng Thủy
Các tin bài khác
- » Tín dụng chính sách bao phủ 100% các ấp, phường ở thành phố Hồ Chí Minh
- » Chỉ thị “bốn mươi” đã đi vào cuộc sống và có sức lan tỏa
- » Đổi thay ở vùng cao Bắc Kạn
- » Dấu ấn tín dụng chính sách ở Nghệ An
- » Đưa tín dụng chính sách xã hội đến người nghèo đô thị
- » Người Tổ trưởng tận tâm với công việc
- » Những nỗ lực giảm nghèo ở Lâm Bình
- » Người nghèo vùng biên thoát nghèo từ đồng vốn nhỏ
- » NHCSXH TP Đà Nẵng kiên trì, năng động giúp dân giảm nghèo
- » Tổng kết khóa đào tạo tiểu giáo viên trực tuyến lần thứ 3 năm 2020