Đánh giá tác động của Covid-19 đến tín dụng chính sách xã hội

25/03/2020
(VBSP News) Ngày 18/3, NHCSXH TP Hà Nội có báo cáo số 546/NHCS-KHNV, về tác động, ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 đến tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn thành phố.
NHCSXH thành phố giải ngân cho vay hộ nghèo và các ĐTCS ở Điểm giao dịch xã, phường

NHCSXH thành phố giải ngân cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác ở Điểm giao dịch xã, phường

Theo đó, đối tượng vay vốn của ngân hàng là các đối tượng dễ bị tổn thương gồm hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác với mô hình kinh doanh hộ cá thể nên rất dễ gặp rủi ro và tổn thất trước những biến động về tình hình dịch bệnh như hiện nay. Nhiều hộ gia đình vay vốn để chăn nuôi hoặc để kinh doanh ngành nghề dịch vụ, buôn bán nhỏ đang gặp rất nhiều khó khăn, có trường hợp phải tạm dừng chăn nuôi, tạm dừng kinh doanh và không có nguồn thu, nhiều lao động tạm thời không có việc làm; các làng nghề và lĩnh vực sản xuất gặp khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm, phải thu hẹp lại quy mô sản xuất, cắt giảm lao động…
Thực hiện chỉ đạo của Trung ương và thành phố Hà Nội, NHCSXH thành phố đã chỉ đạo NHCSXH các quận, huyện chủ động phối hợp với chính quyền địa phương, tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác các cấp tiến hành rà soát, nắm bắt tình hình hộ vay vốn tín dụng chính sách bị ảnh hưởng do dịch bệnh. Kết quả cho thấy, nhóm ngành nghề vay vốn bị ảnh hưởng nhiều nhất là ngành chăn nuôi, buôn bán nhỏ và kinh doanh dịch vụ với tổng dư nợ là 2.384 tỷ đồng, chiếm 28%/tổng dư nợ, trong đó, 30.400 khách hàng vay vốn từ nguồn vốn nhận ủy thác tại địa phương bị ảnh hưởng với dư nợ là 1.168 tỷ đồng (hiện nay, dư nợ bình quân là 38 triệu đồng/khách hàng).
Trên cơ sở mức độ ảnh hưởng và tình hình thực tế của khách hàng, NHCSXH đã chủ động phối hợp với chính quyền địa phương và các tổ chức chính trị - xã hội triển khai đồng bộ các giải pháp phù hợp nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng như: Cơ cấu lại thời hạn trả nợ, gia hạn nợ, lập hồ sơ xử lý rủi ro (khoanh nợ, xóa nợ) và xem xét cho vay bổ sung đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác để khôi phục SXKD khi dịch bệnh được khống chế. Tổng nhu cầu vốn để thực hiện cho vay bổ sung đối với những đối tượng này dự kiến khoảng 1.000 tỷ đồng (dự kiến cho vay bổ sung khoảng 25 nghìn hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, mức cho vay bổ sung bình quân là khoảng 40 triệu đồng/khách hàng).
Kết quả rà soát cho thấy, do ảnh hưởng của dịch bệnh, nhiều hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác vay vốn sẽ gặp khó khăn trả nợ khi đến hạn mà phải thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn như: Cơ cấu lại thời hạn trả nợ, gia hạn nợ, xử lý rủi ro… dẫn đến nguồn vốn thu hồi để cho vay quay vòng lại trong năm 2020 bị thu hẹp. Trong khi đó, nhu cầu vay vốn để tái sản xuất và phát triển SXKD, giải quyết việc làm trên địa bàn thành phố là rất lớn.
Như vậy, trong tình hình thực tế, nguồn vốn thu hồi để cho vay quay vòng giảm so với kế hoạch dự kiến, nguồn vốn bổ sung mới trong năm 2020 mới chỉ đáp ứng được một phần nhu cầu vay của hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Mặt khác, mức cho vay tối đa của chương trình cho vay giải quyết việc làm được Chính phủ nâng từ 50 triệu đồng/lao động lên 100 triệu đồng/lao động thì cần thiết phải tiếp tục bổ sung thêm nguồn vốn để cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách năm 2020 đáp ứng nhu cầu vay vốn của nhân dân trên địa bàn, góp phần thực hiện hoàn thành các mục tiêu về giảm nghèo nhanh và bền vững, giải quyết việc làm, xây dựng NTM và bảo đảm an sinh xã hội trong năm 2020 - năm về đích thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố Hà Nội cũng như năm về đích thực hiện chương trình quốc gia về xây dựng NTM và giảm nghèo giai đoạn 2016 - 2020.
Căn cứ kết quả thực hiện các chương trình tín dụng chính sách và ảnh hưởng của dịch bệnh, nhất là dịch bệnh Covid-19 đến tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn thành phố, đề nghị UBND thành phố quan tâm, xem xét bố trí khoảng 800 tỷ đồng ủy thác qua NHCSXH thành phố để bổ sung nguồn cho vay trong năm 2020. Trong đó, bổ sung 300 tỷ đồng cho vay thực hiện Chương trình số 02-CTr/TU của Thành ủy về “Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2016 - 2020”; bổ sung 500 tỷ đồng cho vay giải quyết việc làm đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn thành phố để hỗ trợ khắc phục ảnh hưởng của dịch bệnh, thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, tạo việc làm và bảo đảm an sinh xã hội của thành phố năm 2020.

Quốc Bảo

Các tin bài khác