Người nghèo ở Ba Bể làm giàu từ vốn vay chính sách

23/03/2020
(VBSP News) Huyện Ba Bể (Bắc Kạn) là 1 trong 8 huyện thuộc 6 tỉnh của cả nước được công nhận thoát nghèo trong giai đoạn 2018 - 2020. Câu chuyện giảm nghèo thành công ở vùng núi cao Việt Bắc này đang tạo sức lan tỏa mạnh mẽ với nhiều địa phương trong cuộc hành trình vì an sinh và công bằng xã hội.
Hộ nghèo ở huyện Ba Bể vay vốn chính sách đầu tư chăn nuôi theo mô hình trang trại

Hộ nghèo ở huyện Ba Bể vay vốn chính sách đầu tư chăn nuôi theo mô hình trang trại

Bí thư Huyện ủy Ba Bể Hà Sĩ Huân cho biết, địa phương vốn có nhiều diện tích đồi núi chia cắt bởi sông suối và trình độ dân trí thấp, sản xuất canh tác lạc hậu nên ngay từ cuối năm 2008 đã được xếp vào danh sách huyện nghèo nhất nước theo Nghị quyết 30a của Chính phủ.
Để giảm nghèo nhanh và bền vững, những năm qua, Đảng bộ và chính quyền huyện đã thực hiện nhiều biện pháp nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và tập trung huy động nguồn lực, lồng ghép các chương trình dự án lên tới nhiều tỷ đồng như nguồn vốn của các chương trình 135, 30a, chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, chương trình cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, nguồn tài trợ từ các doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế…
Từ năm 2015 đến nay, đã có hơn 20 nghìn lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn huyện được tiếp cận thuận lợi với 12 chương trình tín dụng của NHCSXH với tổng số tiền hơn 600 tỷ đồng. Nguồn vốn chính sách đã góp phần quan trọng, hỗ trợ đồng bào DTTS ở tất cả 15 xã trên vùng núi cao phát triển.
Đặc biệt chú trọng xây dựng thương hiệu sản phẩm kinh tế đảm bảo chất lượng và hình thành nhiều vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa đạt hiệu quả kinh tế cao như: mướp đắng rừng, bí xanh thơm với 17ha ở xã Địa Linh, hồng không hạt quy mô 7ha ở xã Cao Trí, Quảng Khê; mô hình hợp tác xã trồng, chè sạch theo tiêu chuẩn Việt Gap 12ha ở 2 xã Mỹ Phương, Yến Dương… Nhờ sử dụng đồng vốn đúng mục đích, đạt hiệu quả, đời sống của người dân các làng quê quanh khu vực hồ Ba Bể đã có những thay đổi rõ nét. Đến hết năm 2019, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện giảm từ 30,8% (năm 2016) xuống còn 25,2%. Cùng với đó, hàng nghìn hộ đồng bào DTTS nghèo xóa bỏ cảnh nhà ở tạm bợ dột nát, dựng xây được căn nhà kiên cố để an cư lạc nghiệp.
Trên thực tế, NHCSXH đã góp công sức quan trọng để vùng sơn cước Ba Bể triển khai thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo bền vững, xây dựng NTM. Đồng vốn ưu đãi đã đáp ứng kịp thời nhu cầu SXKD của đại bộ phận hộ nghèo và hộ đồng bào DTTS.
Nét nổi bật trong hoạt động của NHCSXH huyện Ba Bể thời gian qua là đã phủ kín toàn địa bàn từ thôn ven đường đến xóm bản trong vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, đạt 100% khu vực dân cư có đầu mối giao dịch trực tiếp với ngân hàng. Người nghèo và các đối tượng chính sách khác được tiếp cận nhanh chóng hơn, thuận lợi hơn các chương trình tín dụng ưu đãi của Đảng và Nhà nước. Đơn cử như gia đình bà Nông Thị Hòa ở thôn Nà Mon, xã Quảng Khê đã sử dụng vốn vay ưu đãi đầu tư trồng 5 sào chè sạch, chăn nuôi 3 con trâu sinh sản để hàng năm thu lãi đến hàng trăm triệu đồng.
Còn đối với gia đình ông Dương Văn Phong ở xã Cao Trĩ sử dụng vốn vay ưu đãi để nuôi trâu sinh sản và chăm sóc đàn gà đồi. Số tiền bán các loại con vật nuôi này đã giúp gia đình ông Phong thoát cảnh nghèo khó, trả hết nợ vay cho ngân hàng. “Bước sang năm mới 2020, gia đình tôi vừa được vay tiếp 100 triệu đồng chương trình cho vay hộ mới thoát nghèo để mở rộng cơ sở chăn nuôi theo mô hình trang trại”, ông Phong phấn khởi nói.
Cùng với việc phủ sóng tín dụng chính sách khắp địa bàn rộng lớn, NHCSXH huyện Ba Bể đã đẩy mạnh cho vay ủy thác thông qua các tổ chức hội, đoàn thể nên đã chuyển tải kịp thời, đầy đủ nguồn vốn đến đúng đối tượng thụ hưởng. Điển hình về Hội Cựu Chiến binh các cấp luôn tích cực tuyên truyền nâng cao nhận thức trách nhiệm của cán bộ, hội viên. Hầu hết Chủ tịch hội cơ sở tham gia thành viên Ban giảm nghèo cấp xã.
Hội còn phối hợp nhịp nhàng với NHCSXH và chính quyền trên địa bàn tiến hành khảo sát, nắm bắt nhu cầu vay vốn của hội viên nghèo; củng cố nâng cao chất lượng hoạt động của mạng lưới Tổ tiết kiệm và vay vốn. Hướng dẫn, đôn đốc Tổ tiết kiệm và vay vốn do hội quản lý thực hiện đầy đủ, nghiêm túc công tác ủy thác vay vốn với NHCSXH; tổ chức họp định kỳ tiến hành bình xét công khai, dân chủ với các gia đình có đủ điều kiện, có nhu cầu vay vốn chính sách; đôn đốc, kiểm tra việc nộp lãi, trả nợ, tham gia gửi tiền tiết kiệm của hộ vay vốn.
Tính đến nay nguồn vay ủy thác qua Hội Cựu Chiến binh đạt 44,5 tỷ đồng, chiếm 19,4%/tổng dư nợ với 927 hộ vay vốn. Hầu hết Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn là hội viên CCB đã thể hiện rõ sự nhiệt tình, trách nhiệm và biết cách quản lý điều hành, hướng dẫn thành viên trong tổ sử dụng vốn vay đúng mục đích, đạt hiệu quả kinh tế.
5 năm qua, mạng lưới Tổ tiết kiệm và vay vốn do Hội Cựu Chiến binh huyện Ba Bể quản lý đã không để xảy ra trình trạng chậm trả nợ, nộp lãi, góp phần giúp hội đạt thành tích dẫn đầu về nâng cao chất lượng tín dụng trong 4 tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác vay vốn ưu đãi.
Nhiều hội viên đã sử dụng vốn vay để phát triển xây dựng mô hình vườn đồi, vườn rừng, trại chăn nuôi gia súc, gia cầm đạt năng suất, thu nhập tăng, đời sống cải thiện. Tiêu biểu có CCB Trần Văn Vụ ở xã Hà Hiện đã mạnh dạn vay vốn ưu đãi tới 3 lần tổng cộng hơn 100 triệu đồng để xây dựng mô hình kinh tế VACR (vườn, ao, chuồng, rừng). “Hồi đầu gia đình tôi vay vốn để đầu tư nuôi trâu sinh sản đến khi có thu nhập, trả nợ gốc, được NHCSXH giải quyết vay tiếp để làm chuồng trại nuôi lợn giống, vịt đẻ trứng kết hợp với trồng đỗ tương ở đồi dốc. Đón xuân Canh Tý, mọi người trong gia đình rất vui bởi có nguồn thu nhập ổn định, khấm khá, lại làm mới ngôi nhà 4 gian thoáng đãng”, ông Vụ chia sẻ.
Tương tự, hội viên CCB Hà Đăng Biết ở xã Yên Dương đã vay vốn của NHCSXH huyện Ba Bể trồng đến 2ha chuối tiêu hồng, nuôi hẳn 1 đàn trâu 6 con đạt thu nhập hơn 200 triệu đồng/năm.
Với những cách làm thiết thực, đồng bộ, hoạt động của NHCSXH trên địa bàn huyện Ba Bể đã thực sự tạo sự đồng thuận từ lãnh đạo các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể địa phương đến phía người dân, đặc biệt là người nghèo, hộ nghèo, hộ đồng bào DTTS, tạo động lực giúp họ vươn lên thoát nghèo, chủ động hơn trong việc tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản cũng như tiếp cận chính sách tín dụng ưu đãi của Nhà nước và cộng đồng. Thời gian tới, NHCSXH huyện Ba Bể tiếp tục triển khai thực hiện tốt việc huy động nguồn lực, kịp thời hỗ trợ người nghèo, đảm bảo dân chủ, công khai, đúng đối tượng, gắn kết công tác tín dụng ưu đãi với chương trình giảm nghèo bền vững, xây dựng NTM.

Đông Dư

Các tin bài khác