Góp phần đầy lùi tín dụng phi chính thức ở vùng nông thôn

23/03/2020
(VBSP News) Tín dụng phi chính thức đã hoành hành ở vùng nông thôn, đẩy cuộc sống của nhiều gia đình vào cảnh khó khăn, nợ nần chồng chất, làm mãi vẫn không đủ trả nợ... Làm thế nào để đẩy lùi? đây là vấn đề trăn trở và rất cần sự vào cuộc một cách quyết liệt của các cấp, các ngành để giúp người dân nhận thức đầy đủ và không tạo cho tín dụng phi chính thức có cơ hội len lỏi, làm ảnh hưởng đến cuộc sống của bà con.
Nhờ được vay vốn chính sách, nhiều hộ nghèo trên địa bàn huyện Krông Pa có điều kiện phát triển chăn nuôi, cải thiện đời sống

Nhờ được vay vốn chính sách, nhiều hộ nghèo trên địa bàn huyện Krông Pa có điều kiện phát triển chăn nuôi, cải thiện đời sống

Ngoài việc tăng cường tuyên truyền, thời gian qua nguồn vốn vay của NHCSXH đã và đang giúp nhiều hộ thoát được vòng vây của tín dụng phi chính thức và từng bước ổn định cuộc sống.
Nhà nghèo, vợ con lại thường xuyên đau ốm, một mình ông Nay Chruy ở buôn Mláh, xã Phú Cần, huyện Krông Pa (Gia Lai) phải gồng gánh để lo cho gia đình. Cuộc sống bí bách nên nhiều lần ông Chruy phải tìm đến tín dụng phi chính thức để có tiền lo thuốc thang cho vợ con. Ông Chruy cho biết, cứ 1 triệu đồng, mỗi tháng ông phải trả lãi 50 nghìn đồng, tương đương lãi suất là 5%/tháng và 60%/năm. Bấy giờ ông vay 20 triệu đồng, mỗi tháng tiền lãi là 1 triệu đồng.
Bình thường khi chưa vay tiền nặng lãi, gia đình đã khó khăn, làm không đủ ăn, thử hỏi lấy đâu mà trả lãi hàng tháng. Từ đó, nợ nần chồng chất, lãi mẹ đẻ lãi con. Gia đình ông Chruy có nguy cơ phải bán hoặc gán đất cho chủ nợ.
Trong lúc bế tắc, ông Chruy được NHCSXH huyện Krông Pa cho vay lúc đầu 10 triệu đồng rồi 20 triệu đồng, nay là 50 triệu đồng để SXKD. Vốn là người chịu thương, chịu khó, biết tiết kiệm, đến nay ông Chruy đã giải quyết được nợ vay bên ngoài.
Ông Nay Chruy ở buôn Mláh, xã Phú Cần, huyện Krông Pa cho biết: “Vợ con đau bệnh nên đi vay ngoài nhưng lãi tính cao quá. Lãi suất cao không đủ trả nợ, làm gì cũng không đủ trả nợ bên ngoài, không đủ ăn. Sau khi NHCSXH cho vay đi mua bò, từ đó hàng năm có cái trả dần dần bên ngoài”.
Rất nhiều trường hợp khác như ông Nay Chruy, cũng nhờ nguồn vốn vay ưu đãi đầu tư phát triển sản xuất, biết tích lũy để trả nợ nên đã thoát ra được vòng vây của tín dụng đen. Trường hợp của chị Nay Hdjunh ở buôn Kơ Jing, xã Ia Dréh là một ví dụ. Không có đất đai, ruộng vườn nên trước đây cả nhà chỉ sống bằng việc đi làm thuê, bữa đói, bữa no, nhiều lần chị cũng có ý định tìm vay tiền nặng lãi bên ngoài. Thế nhưng, may mắn là từ năm 2016, nhờ vay được 20 triệu đồng của NHCSXH, chị Hdjunh đã mua bò, thuê đất để trồng mì. Tuy vẫn đang thuộc diện hộ cận nghèo nhưng so với trước đây, hiện tại cuộc sống của gia đình chị đã ổn định hơn nhiều.
Chị Nay Hdjunh ở buôn Kơ Jing, xã Ia Dréh, huyện Krông Pa cho hay: “Trước đây gia đình rất khó khăn, cả gia đình đi làm thuê có đồng nào ăn đồng nấy. Từ khi vay vốn, gia đình thuê rẫy, cứ trả dần dần, sau đó thuê rẫy, mua bò. Bây giờ thì gia đình đã ổn định rồi. Cảm ơn Nhà nước cho gia đình mình vay tiền”.
Tính chung trong vòng 5 năm qua, thông qua nguồn vốn tín dụng chính sách, đã có 1.500 hộ trên địa bàn huyện Krông Pa thoát nghèo. Hiện tại dư nợ 3 chương trình cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo hơn 200 tỷ đồng. Một trong những điểm đáng ghi nhận của Krông Pa là không chỉ đảm bảo đáp ứng nguồn vốn cho người dân, mà còn thực hiện hiệu quả lồng ghép công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân cách làm ăn, sử dụng vốn vay hiệu quả cũng như thực hiện tiết kiệm, từ đó góp phần thực hiện hiệu quả tín dụng phi chính thức ở địa bàn nông thôn.
Bà Phùng Thị Tố Trinh - Giám đốc Phòng NHCSXH huyện Krông Pa cho biết: “Để làm được việc trên, NHCSXH đã tăng cường đầu tư nguồn vốn cho bà con. Xuống tận cơ sở để xác định đối tượng vay và phương án sản xuất, đồng thời hỗ trợ cho bà con để từ nguồn vốn phát triển lên, trả nợ cho tư thương bên ngoài. Có nhiều hộ vay được vay vốn trả dần qua hàng năm và không còn vay vốn của tư thương nữa. NHCSXH tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, tham mưu cho địa phương bổ sung nguồn vốn qua để cho vay các chương trình, đồng thời tranh thủ nguồn vốn Trung ương để giúp bà con vay vốn, đồng thời vạch ra cho bà con biết vay bên ngoài lãi suất cao trong khi NHCSXH lãi suất ưu đãi, từ đó tích lũy để trả nợ bên ngoài, từng bước vươn lên thoát nghèo”.
Không riêng địa bàn huyện Krông Pa mà hiện tại nhiều địa phương khác trong tỉnh, tình hình cho vay nặng lãi ở nông thôn vẫn còn xảy ra. Theo chỉ đạo của UBND tỉnh Gia Lai về tăng cường công tác quản lý, chủ động phòng ngừa trong hoạt động tín dụng phi chính thức và kinh doanh cầm đồ trên địa bàn, về phía NHCSXH tỉnh sẽ đáp ứng kịp thời vốn cho hộ vay. Cùng với đó, đẩy mạnh tuyên truyền đến với người dân, lồng ghép công tác khuyến nông, khuyến lâm, hướng dẫn hộ vay làm ăn, phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo; tăng cường tuyên truyền trong vùng đồng bào DTTS thực hiện tiết kiệm trong chi tiêu phù hợp với điều kiện kinh tế của từng hộ và tổ chức sản xuất tích lũy vốn để tái đầu tư sản xuất, góp phần nâng cao đời sống cho người dân và hạn chế việc cho vay nặng lại ở khu vực nông thôn.

Bài và ảnh Hồng Uyên

Các tin bài khác