Tân Sơn chính thức thoát khỏi danh sách huyện nghèo 30a
Khởi nghiệp từ 40 triệu đồng
Đến Tân Sơn vào những ngày đầu 2020, chúng tôi thấy vùng núi cao này đã “thay da, đổi thịt”, hiện rõ trong màu xanh mênh mông của những nương ngô, đồi chè và nhiều ngôi nhà khang trang, kiên cố thay thế cho những căn nhà tạm bợ, xập xệ xưa kia.
Gia đình anh Nguyễn Văn Trường ở thôn Mịn 2, xã Mỹ Thuận trở thành điển hình thoát nghèo từ vốn vay ưu đãi của NHCSXH. Khởi nghiệp với 40 triệu đồng vốn vay ưu đãi, cùng sự giúp đỡ của bà con họ mạc, lối xóm, anh Trường lập nhà xưởng và mua sắm thiết bị máy móc để chế biến chè khô.
Nhờ miệt mài lao động gia đình anh đã thoát nghèo, dành dụm tiền thuê thêm đất mở rộng diện tích nhà xưởng, trang bị đầy đủ hệ thống sao chè, thay thế những bom cũ cùng máy vò, máy sấy công nghệ mới.
Hiện mỗi ngày xưởng chè của anh tiêu thụ khoảng 5 tạ chè búp tươi, giải quyết việc làm cho 8 lao động địa phương với mức thu nhập 5,6 triệu đồng/tháng, trừ chi phí mỗi tháng còn thu lãi khoảng 20 triệu đồng.
“Có được thành công trong sản xuất, kinh doanh như ngày hôm nay, gia đình tôi thực sự trân trọng nguồn vốn vay của NHCSXH”, anh Thành chia sẻ.
Đẩy mạnh giải ngân vốn kịp thời
Cùng với việc tập trung nguồn vốn, bố trí đủ nguồn vốn, lồng ghép các chính sách hỗ trợ giảm nghèo với các dự án thuộc chương trình ở huyện nghèo theo Nghị quyết 30a và các xã, thôn bản đặc biệt khó khăn thuộc Chương trình 135, NHCSXH huyện Tân Sơn đã nỗ lực cho vay xây nhà mới kiên cố, góp phần xóa xong nhà tạm bợ cho hộ nghèo.
Đến cuối năm 2019, hơn 3.300 ngôi nhà vách đất, tranh tre, nứa lá ở 17 xã vùng cao Tân Sơn đã nhường chỗ cho những ngôi nhà xây mới khang trang, kiên cố, tạo điều kiện cho các hộ nghèo vui Tết Canh Tý và yên tâm sản xuất vụ xuân 2020.
Trong căn nhà 2 tầng rộng hơn 100m² vừa được hoàn thành, ông Đinh Văn Nghi, dân tộc Mường ở khu Mân Gạo, xã Vĩnh Tân tâm sự: “Nhà tôi trước đây là một trong 130 hộ nghèo của xã. 3 thế hệ 6 người sống trong căn nhà lợp lá. 6 năm trước, nhờ chính sách vay vốn ưu đãi hỗ trợ lao động huyện nghèo đi xuất khẩu lao động, con gái tôi là Đinh Thị Oanh đi xuất khẩu tại Đài Loan. Sau 3 năm, cháu Oanh đã gửi về gần 400 triệu đồng giúp gia đình xây được ngôi nhà kiên cố, trả hết nợ vay cho ngân hàng và đầu tư trồng 3,6ha chè sạch. Có được ngày hôm nay cũng nhờ những chính sách hỗ trợ của Đảng, Nhà nước, NHCSXH đối với những người dân nghèo”.
Với những thành công về giảm nghèo đã đạt được, đặc biệt việc ra khỏi danh sách huyện nghèo 30a của cả nước, vừa là thành công song cũng là thách thức đặt ra đối với huyện Tân Sơn trong phát triển kinh tế - xã hội những năm tiếp theo.
Thời gian tới, NHCSXH huyện Tân Sơn tập trung huy động tăng nguồn vốn lên 450 tỷ đồng, đẩy mạnh công tác giải ngân kịp thời, vốn thuận lợi, đổi mới phương thức đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, chú trọng phối hợp tuyên truyền, hướng dẫn các hộ vay sử dụng vốn đúng mục đích, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc thu nợ, thu lãi đến hạn, góp phần phát triển SXKD để giảm nghèo bền vững, xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ nông nghiệp, nông thôn và hình thành các vùng sản xuất hàng hóa, tập trung chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng hợp lý, hiệu quả ở một huyện vừa ra khỏi huyện nghèo 30a.
Chia sẻ với chúng tôi, Bí thư Huyện ủy Tân Sơn Phạm Thanh Tùng khẳng định: Sự hỗ trợ của NHCSXH với địa phương là một trong những động lực chính giúp các chương trình giảm nghèo bền vững, xây dựng NTM và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội ở huyện Tân Sơn thời gian qua đạt kết quả tương đối ổn định, toàn diện, đời sống người dân được nâng lên. Hầu hết hộ nghèo và gia đình đồng bào DTTS đều tiếp cận thuận lợi với nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Nhà nước.
Ông Đinh Công Qúy - Chủ tịch UBND xã Vĩnh Tân cho biết: “Xã thường xuyên mở các đợt kiểm tra, rà soát lại tỷ lệ hộ nghèo, tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến tình trạng nghèo đói ở từng gia đình, từng khu, từ đó lên phương án hỗ trợ. Không chỉ hỗ trợ về nhà ở, đất sản xuất, chính quyền xã còn tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi để đầu tư sản xuất, đồng thời tích cực tuyên truyền, nhân rộng các mô hình phát triển kinh tế hiệu quả để bà con học tập”.
Bài và ảnh Đông Dư
Các tin bài khác
- » Vốn chính sách giúp đoàn viên thanh niên phát triển kinh tế, khởi nghiệp
- » Trao “cần câu” tạo động lực
- » Người nghèo ở Ba Bể làm giàu từ vốn vay chính sách
- » Góp phần đầy lùi tín dụng phi chính thức ở vùng nông thôn
- » Chuyển động mới trên cao nguyên Đam Rông
- » Động lực giúp người dân vùng cao thoát nghèo
- » Nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng chính sách xã hội
- » CCB gương mẫu vươn lên chiến thắng đói nghèo, làm giàu chính đáng
- » Hộ mới thoát nghèo ở Thanh Hóa làm giàu từ vốn vay ưu đãi
- » Người nghèo ở Khánh Hòa vay vốn chính sách làm giàu