Đà Nẵng tích cực trong công tác giảm nghèo

17/10/2014
(VBSP News) Tồn tại một số hộ gia đình thuộc diện nghèo là một hiện tượng không mong muốn trong xã hội hiện đại, nhất là ở những nước lựa chọn xu hướng xã hội chủ nghĩa như nước ta. Tuy nhiên, có rất nhiều hộ nghèo không có điều kiện thoát nghèo. Chính vì thế, Nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội phải hỗ trợ họ để có thể giảm nghèo. Tín dụng chính sách của NHCSXH là một trong những hình thức hỗ trợ đó.
Người nghèo được hướng dẫn tận tình thủ tục vay vốn Ảnh: Việt Linh - TTXVN

Người nghèo được hướng dẫn tận tình thủ tục vay vốn
                                                                                                         Ảnh: Việt Linh - TTXVN

Thực hiện chức năng và quyền hạn của mình, thời gian qua NHCSXH TP. Đà Nẵng đã triển khai cho vay người nghèo, đến nay, quy mô tín dụng hộ nghèo tăng lên với tổng dư nợ toàn chi nhánh tăng trưởng với mức bình quân 10% năm. Tỷ trọng dư nợ chương trình cho vay hộ nghèo chiếm trên 70% trên tổng dư nợ các chương trình hiện có, trong đó cho vay trung hạn là chủ yếu, chiếm 99%. Vốn vay chủ yếu được đầu tư vào sản xuất kinh doanh (chiếm tỷ lệ 95%), số còn lại là cho vay HSSV, cho vay hộ gia đình có đối tượng đi lao động ở nước ngoài, cho vay để sửa chữa công trình vệ sinh, công trình nước sạch…

Trong 5 năm gần đây NHCSXH TP. Đà Nẵng đã cho 80.220 lượt hộ vay, trong đó chương trình cho vay hộ nghèo đạt 74.233 lượt hộ, bình quân 10,7 triệu đồng/hộ, mức vay bình quân/hộ tăng hàng năm; Chương trình cho vay giải quyết việc làm đạt 8.450 lượt hộ vay, bình quân 18,6 triệu đồng/hộ; Chương trình xuất khẩu lao động đạt 147 hộ vay, bình quân 17 triệu đồng/hộ; cho 5.972 lượt hộ vay theo Chương trình cho vay HSSV, bình quân 5,9 triệu đồng/hộ; cho 2.350 lượt hộ vay theo Chương trình NS&VSMTNT, bình quân 4,2 triệu đồng/hộ; Chương trình cho vay hộ gia đình sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn đạt 251 hộ vay, bình quân 19,9 triệu đồng/hộ. Các hộ vay đã sử dụng vốn đúng mục đích và thực hiện các kỳ hạn trả nợ, trả lãi cho ngân hàng với tỷ lệ thu nợ đạt 0,4 vòng/năm, thu lãi đạt trên 95%.

Vốn của NHCSXH TP. Đà Nẵng đã trải khắp 56 xã, phường trên toàn địa bàn thành phố, đến với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác ở tất cả các thôn, xóm với trên 37 nghìn hộ vay vốn thoát nghèo; 10,5 nghìn hộ đã chuyển biến nhận thức và cách thức làm ăn và tạo việc làm mới cho hơn 75 nghìn lao động. Từ đồng vốn vay tín dụng ưu đãi của NHCSXH đã có 21 nghìn hộ nghèo cải thiện đời sống. Ngoài ra, vốn tín dụng ưu đãi của NHCSXH đã góp phần hạn chế nạn cho vay nặng lãi, bán lúa non khi chưa đến mùa giáp hạt của hộ nghèo.

Để đẩy mạnh tín dụng hộ nghèo ở chi nhánh, trong thời gian tới cần tăng hiệu quả cho vay hộ nghèo thông qua hỗ trợ hộ nghèo sử dụng tiền vay và giám sát khoản vay. Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát nội bộ đối với hoạt động của Tổ tiết kiệm và vay vốn, sử dụng vốn vay của người vay. Chỉ đạo lồng ghép có hiệu quả các chương trình, dự án phát triển kinh tế, xã hội và giảm nghèo trên địa bàn.

Xây dựng hệ thống kiểm tra, giám sát phù hợp với mô hình hoạt động đặc thù của NHCSXH trên cơ sở nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của các thành viên Hội đồng quản trị), Ban kiểm soát của Hội đồng quản trị, của các thành viên Ban đại diện Hội đồng quản trị các cấp. Hình thành hệ thống kiểm tra, giám sát độc lập, thống nhất về tổ chức và hoạt động trên cơ sở phối hợp bộ phận kiểm soát của Hội đồng quản trị với hệ thống kiểm tra, kiểm soát nội bộ.

Phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội làm tốt công tác tuyên truyền và thực hiện tốt chính sách tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo. Tổ chức lồng ghép các chương trình, dự án sản xuất kinh doanh, chuyển đổi cơ cấu, lựa chọn cây trồng, vật nuôi, ngành nghề, các chương trình chuyển giao công nghệ, khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, hướng dẫn thị trường với việc sử dụng vốn tín dụng; kết hợp chương trình kinh tế với chương trình xây dựng cơ sở hạ tầng và chương trình văn hoá - xã hội nhằm hỗ trợ người vay sử dụng vốn vay đúng mục đích, cải thiện đời sống và hạn chế rủi ro.

Nâng cao năng lực hoạt động của NHCSXH để thực sự là công cụ điều hành có hiệu quả chính sách tín dụng ưu đãi của Nhà nước, phù hợp với Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo. Đổi mới, mở rộng sản phẩm, dịch vụ cho khách hàng trên nền tảng công nghệ hiện đại, quy trình thủ tục đơn giản, dễ tiếp cận.

Bên cạnh đó, công tác củng cố mạng lưới các Điểm giao dịch cần được chú trọng. Đối với các xã, phường có diện tích lớn, số hộ nhiều thì nên có 2 Điểm giao dịch. Mọi hoạt động như: Giải ngân, thu lãi, thu gốc, trả hoa hồng, phí ủy thác, thù lao cho cán bộ cấp xã, phường thực hiện tại Điểm giao dịch. Mọi chính sách mới về cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, cần được công khai kịp thời tại Điểm giao dịch.

Đối với hoạt động của các Tổ tiết kiệm và vay vốn. Thành lập tổ phải theo địa bàn tổ dân phố, thôn; mỗi tổ dân phố, thôn tối thiểu 01 tổ; số lượng thành viên một tổ từ 25 - 50 người; nhất thiết không thành lập tổ theo liên tổ, liên thôn. Trong sinh hoạt tổ có thể kết hợp tập huấn các nghiệp vụ như: Khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư để tăng cường năng lực sản xuất kinh doanh cho người vay. Tăng cường sự tương trợ, giúp đỡ nhau trong sản xuất và đời sống giữa các thành viên trong tổ.

NHCSXH cần tăng cường tập huấn cho Ban quản lý Tổ tiết kiệm và vay vốn. Ban quản lý tổ có 2 người, tốt nhất là người làm kinh tế giỏi, không phải hộ nghèo. Thành viên Ban quản lý tổ phải là những người có sức khoẻ tốt, có uy tín với nhân dân, có khả năng làm việc lâu dài cho tổ và không phải là ban chấp hành hội cấp xã, phường. Việc theo dõi, quản lý nợ, hạch toán ghi chép và lưu giữ hồ sơ sổ sách của Ban quản lý tổ phải khoa học, đầy đủ, đúng theo quy định. Việc bình xét hộ vay vốn phải thực hiện dân chủ, công khai, đúng đối tượng.

Để đồng vốn sử dụng có hiệu quả cao thì  phải đầu tư vào nhiều lĩnh vực khác nhau. Muốn đa dạng hoá các ngành nghề đầu tư, thì một mặt hộ nghèo phải chủ động tìm đối tượng đầu tư phù hợp, mặt khác, phải có sự giúp đỡ định hướng của các cấp, các ngành và tập huấn chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho người dân.

Cuối cùng, cần coi trọng công tác đào tạo cán bộ ngân hàng, làm cho tất cả cán bộ nhân viên ngân hàng đều tinh thông nghiệp vụ, nắm vững các chủ trương của Đảng và nhà nước về tín dụng chính sách.

PGS.TS. Trần Thị Minh Châu - Đoàn Ngọc Chung

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác