Bàn về tính bền vững của NHCSXH

15/10/2014
(VBSP News) Sự ra đời và hoạt động của NHCSXH là một tất yếu khách quan khi đối tượng phục vụ của NHCSXH là những người nghèo và đối tượng chính sách khác còn chiếm tỷ lệ lớn ở nước ta và đại đa số trong đó có nhu cầu vay tín dụng phục vụ sinh hoạt và sản xuất kinh doanh. Chính vì vậy, tính bền vững của NHCSXH trở thành một tiêu chí, một mục tiêu đảm bảo cho ngân hàng này hoàn thành tốt chức năng và nhiệm vụ trong góp phần thực hiện chiến lược phát triển kinh tế xã hội của đất nước, trong đó có mục tiêu giảm nghèo bền vững và cải thiện cuộc sống của các đối tượng chính sách.
Tín dụng ưu đãi giúp người nghèo có cơ hội thoát nghèo Ảnh: Phương Đông - Báo NTNN

Tín dụng ưu đãi giúp người nghèo có cơ hội thoát nghèo
Ảnh: Phương Đông - Báo NTNN

Tính bền vững của huy động nguồn vốn

Mục đích ra đời NHCSXH là tập trung tổ chức quản lý nguồn vốn và cho vay, khắc phục tình trạng phân tán của Ngân hàng phục vụ người nghèo nằm trong NHNo&PTNT (Agribank). Bên cạnh Ngân hàng Phục vụ người nghèo, nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước hỗ trợ người nghèo và các đối tượng chính sách khác còn được giao cho nhiều cơ quan Nhà nước, tổ chức hội, đoàn thể và Ngân hàng thương mại Nhà nước cùng thực hiện theo các kênh khác nhau, làm cho nguồn lực của Nhà nước bị phân tán, chồng chéo, trùng lắp, thậm chí cản trở lẫn nhau. Bên cạnh nguồn vốn cho vay hộ nghèo được Ngân hàng Phục vụ người nghèo và NHNo&PTNT thực hiện thì thực tế còn có: nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm do Kho bạc Nhà nước quản lý và cho vay; nguồn vốn cho vay đối với HSSV có hoàn cảnh khó khăn do Ngân hàng Công thương thực hiện; nguồn vốn cho vay ưu đãi các tổ chức kinh tế và hộ sản xuất, kinh doanh thuộc hải đảo, thuộc khu vực II, III miền núi, các xã đặc biệt khó khăn thuộc Chương trình 135 của Chính phủ…

Hơn một thập kỷ qua, hoạt động của NHCSXH cho thấy mục tiêu này đã cơ bản đạt được khi nguồn vốn tín dụng dành cho người nghèo và đối tượng chính sách khác ngày càng được tập trung vào ngân hàng. Tuy vậy, không thể tránh khỏi chồng chéo và trùng lắp về nguồn vốn, nhất là sử dụng, lồng ghép và phối kết hợp nguồn vốn giữa các chương trình tín dụng của NHCSXH với các chương trình mục tiêu quốc gia khi số lượng chương trình này lại tăng từ 16 (2012) lên 19 chương trình (2014), hơn nữa, trong đó có nhiều chương trình liên quan trực tiếp và gián tiếp đến nguồn vốn của NHCSXH như các chương trình việc làm và dạy nghề, giảm nghèo bền vững, nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, xây dựng nông thôn mới…

Nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước (vốn điều lệ do ngân sách Nhà nước cấp; vốn cho vay giảm nghèo, tạo việc làm và thực hiện chính sách xã hội; trích từ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách địa phương, từ ODA). Suốt thời gian qua và trong tương lai ít nhất 5 năm tới, nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước vẫn đóng vai trò chủ yếu để NHCSXH thực hiện nhiệm vụ, đặc biệt là nhiệm vụ góp phần giảm nghèo, tạo việc làm và thực hiện các chính sách xã hội. Tuy nhiên, khả năng chi từ ngân sách Nhà nước rất hạn hẹp nên mặc dù được chú trọng ưu tiên song nguồn vốn dành cho mục tiêu xoá đói, giảm nghèo hay tạo việc làm còn hạn chế. Chi Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2012 chỉ có 2.630 tỷ đồng đã tăng lên 6.242 tỷ đồng năm 2014 (dự toán) còn Chương trình mục tiêu quốc gia tạo việc làm tương ứng lần lượt là 2.397 tỷ đồng và giảm còn 1.822 tỷ đồng; hay Chương trình nông thôn mới tương ứng giảm từ 1.947 tỷ đồng (trong đó hơn 1.200 tỷ đồng dành cho chi đầu tư phát triển) xuống 490 tỷ đồng (toàn bộ dành chi sự nghiệp). Chi ngân sách Trung ương hàng năm đều dành một khoản chi cho NHCSXH, chẳng hạn trong quyết toán ngân sách Nhà nước  năm 2012 là gần 2.878 tỷ đồng, trong đó hơn 2,6 nghìn tỷ đồng cấp bù chênh lệch lãi suất và các con số tương ứng trong dự toán ngân sách Nhà nước năm 2014 là 2.263 tỷ đồng và 2.193 tỷ đồng.

Như vậy, tính bền vững của các khoản chi từ ngân sách Nhà nước, cả ngân sách Trung ương và địa phương phụ thuộc rất nhiều vào tính bền vững của các khoản chi ngân sách Nhà nước cho lĩnh vực xã hội nói chung, cho mục tiêu giảm nghèo nói riêng trong quá trình thực hiện cơ cấu lại cả thu và chi ngân sách Nhà nước.

Vốn huy động (nhận tiền gửi có trả lãi; 2% tổng vốn huy động bằng VNĐ của các TCTD Nhà nước có trả lãi; tiền gửi tự nguyện không lãi; phát hành trái phiếu có bảo lãnh của Chính phủ; tiết kiệm của người nghèo).

Một nguồn vốn quan trọng của NHCSXH là phát hành trái phiếu có bảo lãnh của Chính phủ song nguồn này bị hạn chế bởi qui mô nợ công lớn và có xu hướng tăng nhanh trong khi nhu cầu vay nợ cho đầu tư phát triển vẫn cao đi đôi với phải vay để đảo nợ. Trong kế hoạch vay nợ năm 2014 (Quyết định 477/QĐ-TTg ngày 07/4/2014), hạn mức vay trong nước được Chính phủ bảo lãnh chỉ có gần 70,5 nghìn tỷ đồng, trong đó phần của NHCSXH chỉ có gần 15,5 nghìn tỷ đồng. Tính bền vững của nguồn vốn trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh dành cho NHCSXH phụ thuộc phần lớn vào việc cơ cấu lại nợ công và hoàn thiện cơ chế quản lý phát hành cũng như sử dụng nguồn vốn từ phát hành trái phiếu có bảo lãnh của Chính phủ.

Việc huy động vốn của người nghèo cho NHCSXH sẽ hiệu quả và bền vững hơn nếu vận dụng và tham khảo tốt các kinh nghiệm nước ngoài như của hệ thống ngân hàng người nghèo (Grameen Bank) và các tổ chức tài chính vi mô cũng như phối kết hợp với chính sách đối với hệ thống ngân hàng Hợp tác xã và Quỹ Tín dụng Nhân dân cơ sở.

Tính bền vững của sử dụng vốn cho vay

Một mặt, số lượng chương trình tín dụng tăng nhanh chứng tỏ NHCSXH ngày càng mở rộng qui mô hoạt động và nâng cao vai trò trong thực hiện các mục tiêu nhiệm vụ xã hội đa dạng. Mặt khác, việc tăng nhanh và nhiều số lượng các chương trình tín dụng theo nhiều quyết định vừa theo tính chất lãnh thổ vùng miền, vừa theo vụ việc cụ thể vừa theo đối tượng thụ hưởng trên cả nước có thể vừa gây khó khăn phức tạp cho công tác thực hiện chính sách và quản lý của NHCSXH vừa tạo sự chồng chéo, trùng lặp, giảm hiệu quả phối hợp trong sử dụng các nguồn lực ngay cả trong phạm vi quản lý của chính NHCSXH. Vì vậy, NHCSXH cần tham mưu tổ chức sắp xếp lại các chương trình tín dụng theo hướng xác định rõ và thống nhất đối tượng thụ hưởng để có cơ chế chính sách quản lý tín dụng đạt hiệu quả thiết thực đồng thời giảm thiểu rủi ro tín dụng.

Nguyên tắc cho vay là phải sử dụng đúng mục đích và trả nợ đúng hạn cả gốc và lãi. NHCSXH quyết định mức cho vay, thời hạn, gia hạn nợ và chuyển nợ quá hạn, thu hồi nợ. Việc tăng giao quyền tự chủ tự chịu trách nhiệm cho NHCSXH là hợp lý song NHCSXH cũng cần hoàn thiện tổ chức bộ máy và nhân sự để thực hiện tốt quyền hạn đồng thời hạn chế lạm dụng và sai phạm.

Xuyên suốt trong hoạt động của NHCSXH là cho vay với lãi suất ưu đãi với lãi suất cho vay ưu đãi do Thủ tướng quyết định và thống nhất trên cả nước (trừ lãi suất cho vay tổ chức kinh tế) và lãi suất nợ quá hạn bằng 130% lãi suất cho vay. Theo QĐ 872/QĐ-TTg ngày 06/6/2014, lãi suất cho vay hộ nghèo, giải quyết việc làm, đối tượng chính sách đi lao động có thời hạn ở nước ngoài, học sinh sinh viên là 7,2%/năm hay 0,6%/tháng thay thế cho Văn bản số 1212/TTg-KTTH ngày 24/8/2005 và Quyết định số 853/QĐ-TTg ngày 03/6/2011 (lãi suất cho vay 0,65%/tháng). Rõ ràng, mức ưu đãi về lãi suất không cao so với lãi suất của các khoản vay ưu đãi dành cho sản xuất kinh doanh của các Ngân hàng thương mại hiện nay, cả Ngân hàng thương mại Nhà nước cũng như Ngân hàng thương mại Cổ phần, hơn nữa, thời gian điều chỉnh lãi suất ưu đãi thiếu linh hoạt đã giảm tính hấp dẫn và tính ưu đãi thật sự của các khoản tín dụng do NHCSXH cấp, nhất là trong bối cảnh lãi suất cho vay biến động rất mạnh như thời gian vừa qua. Tính bền vững của chính sách tín dụng ưu đãi cho người nghèo và đối tượng chính sách nói riêng, của NHCSXH nói chung phụ thuộc vào việc hoàn thiện chính sách tín dụng, đặc biệt là mức cho vay và lãi suất cho vay theo hướng nâng cao tính chất ưu đãi hơn nữa cũng như linh hoạt hơn nữa trong thời gian tới. 

Tổng dư nợ cho vay đến nay đã tăng 18 lần, đạt 126.523 tỷ đồng; tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm đạt 29,4%; với gần 7 triệu hộ còn dư nợ, tăng hơn 5 triệu khách hàng so với thời điểm thành lập.

Tính bền vững của NHCSXH đã và đang thể hiện ngày một rõ ràng cả về mặt huy động và sử dụng nguồn vốn cũng như tổ chức quản lý. Để tăng tính bền vững cho NHCSXH trước những yêu cầu mới về tín dụng ưu đãi nhằm giảm nghèo và thực hiện chính sách xã hội thì NHCSXH cần tiếp tục củng cố và nâng cao tính bền vững dựa trên nguyên tắc chủ động, sáng tạo, giảm phụ thuộc quá nhiều vào ngân sách Nhà nước tiến tới tự chủ, tự chịu trách nhiệm trước Quốc hội và Chính phủ trong những hoạt động của mình theo đúng tôn chỉ mục đích kể từ khi thành lập.

TS. Vũ Đình Ánh

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác