BÀI PHÁT BIỂU CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ NGUYỄN XUÂN PHÚC TẠI HỘI NGHỊ TỔNG KẾT 15 NĂM THỰC HIỆN TÍN DỤNG CHÍNH SÁCH XÃ HỘI GIAI ĐOẠN 2002 - 2017
Tôi muốn nêu một nhận định mà các đồng chí đều đã biết đó là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước đã nêu rõ: Giảm nghèo bền vững là một định hướng rất quan trọng của đất nước. Trong nhiều việc, trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, việc xoá đói, giảm nghèo bền vững cho người dân, nhất là các vùng khó khăn, vùng sâu, vùng cao và vùng đồng bào dân tộc thiểu số rất quan trọng. Đây chính là chỉ tiêu quan trọng không những Liên Hiệp quốc quan tâm mà trong tất cả các kỳ Đại hội Đảng toàn quốc, Đảng ta đều xác định là hết sức cần thiết và là chủ trương quan trọng. Tính nhân văn của vấn đề xoá đói, giảm nghèo vô cùng quan trọng, nó biểu hiện bản chất lãnh đạo của một Đảng Cộng sản cầm quyền đối với một dân tộc, cho nên chúng ta phải đặt vấn đề huy động nhiều nguồn lực thực hiện công việc quan trọng này nhằm để người dân được hưởng lợi tốt nhất.
Nhân dịp 15 năm thực hiện tín dụng chính sách xã hội và thành lập NHCSXH, chúng ta nêu ra một số thành công để rút ra kinh nghiệm chung như sau:
Thứ nhất, khẳng định tín dụng chính sách xã hội là chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước, một chương trình hỗ trợ vốn đặc biệt quan trọng và đã được triển khai thành công với kết quả quan trọng. Đến nay, chúng ta đã có gần 31,9 triệu lượt hộ nghèo và đối tượng chính sách vay vốn từ NHCSXH, doanh số đến nay là 433 nghìn tỷ đồng, đã giúp 4,5 triệu hộ vượt qua ngưỡng nghèo và 112 nghìn lao động được vay vốn để đi lao động có thời hạn tại nước ngoài; trên 3,5 triệu học sinh, sinh viên vay vốn học tập; 9,9 triệu công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; 105 nghìn căn nhà vượt lũ ĐBSCL; 528 nghìn căn nhà cho hộ nghèo; trên 11 nghìn căn nhà phòng tránh bão lũ khu vực miền Trung… những số liệu đó rất có ý nghĩa trong công cuộc xoá đói, giảm nghèo tại Việt Nam. Chính việc tiếp cận vốn, giải quyết việc làm, tăng thu nhập, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ toàn diện tại các vùng nghèo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số của chúng ta là những kết qủa quan trọng nhất của 15 năm thực hiện tín dụng chính sách xã hội, qua đó, chúng ta rút ra bài học kinh nghiệm quý.
Thứ hai, nguồn lực tài chính được bảo đảm, cơ bản đáp ứng được nhu cầu của người nghèo và các đối tượng chính sách khác nhất là chính sách tín dụng từng bước được hoàn thiện, chất lượng tín dụng từng bước được nâng lên.
Việc thứ nhất trong bảo đảm nguồn lực tài chính mà chúng ta thấy là mặc dù kinh tế của đất nước, của địa phương còn nhiều khó khăn nhưng Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, ngành, nhất là cấp ủy, chính quyền các cấp luôn ưu tiên dành nguồn lực để thực hiện tín dụng chính sách xã hội. Phần lớn các địa phương tích cực chủ động, huy động đủ nguồn vốn theo chỉ tiêu kế hoạch được giao, Chính phủ chỉ đạo rất quyết liệt trong nhiều nhiệm kỳ. Chúng ta còn nhiều khó khăn nhưng nhìn chung nguồn vốn tín dụng chính sách thời gian qua cơ bản đáp ứng được tương đối đủ và kịp thời cho các đối tượng có nhu cầu vay vốn, nhất là người nghèo và các đối tượng chính sách.
Việc thứ hai đó là NHCSXH đã tập trung khai thác tốt các nguồn vốn từ thị trường, được ngân sách Nhà nước cấp bù lãi suất, cấp vốn thực hiện các chương trình tín dụng chính sách, vốn tiền gửi từ các tổ chức, cá nhân, vốn từ Trái phiếu Chính phủ bảo lãnh, nguồn từ ngân sách các địa phương, các chủ đầu tư trong, ngoài nước quan tâm chuyển vốn uỷ thác, đặc biệt thực hiện tốt việc nhận tiền gửi từ người nghèo nhằm tạo thói quen tích luỹ và hỗ trợ người nghèo từng bước tiếp cận với tín dụng ngân hàng, đây chính là một sáng kiến của NHCSXH Việt Nam, đây cũng là biểu hiện trách nhiệm của việc huy động các nguồn lực hợp pháp uỷ thác từ địa phương, đây là nguồn lực quan trọng mà tôi cho rằng NHCSXH, Hội đồng quản trị, Ban điều hành, Tổng Giám đốc NHCSXH đã có những sáng kiến trong việc bám vào triển khai chủ trương huy động các nguồn lực khác cùng với ngân sách Nhà nước.
Việc thứ ba, hoạt động tín dụng chính sách xã hội ngày càng hiệu quả, chất lượng tín dụng không ngừng được nâng lên. Hiện chúng ta có hơn 20 chương trình tín dụng chính sách, đối tượng đến gần 7 triệu hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác có dư nợ, nhưng tỷ lệ nợ quá hạn chỉ chiếm 0,81%, con số rất thấp so với các NHTM khác. Chúng ta thấy hiệu quả trong việc quản lý tốt như thế nào, đó là một số liệu hết sức đáng mừng kể cả cho vay học sinh, sinh viên, trước đây Chính phủ hết sức lo lắng nhưng con số cũng rất đáng phấn khởi. Con số nợ quá hạn này là một thành công trong quản lý, nói lên chất lượng đối tượng cũng như cán bộ làm tín dụng của NHCSXH ở cơ sở và địa phương tận tâm, tận lực, tận tụy về vấn đề này.
Thứ ba, hoạt động tín dụng chính sách luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo của Đảng, nhất là Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Chỉ thị 40 chỉ đạo các cấp ủy, chính quyền, UBMTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội tập trung lãnh đạo, chỉ đạo phát huy vai trò, nâng cao hiệu quả của tín dụng chính sách xã hội. Cơ chế vận hành của tín dụng chính sách rất phù hợp với việc chủ trương, biện pháp kể cả vấn đề giám sát, phân bổ nguồn lực, đối tượng công khai, sát dân, gần cơ sở. Tôi cũng đánh giá cao các Bộ, ngành, các địa phương ngày càng nhận thức rõ hơn về vai trò và vị trí của tín dụng chính sách xã hội, đặc biệt nhiều địa phương tạo điều kiện thuận lợi cho chi nhánh NHCSXH của các địa phương hoạt động thuận lợi góp phần thực hiện triển khai giảm nghèo giải quyết việc làm, xây dựng nông thôn mới, an sinh xã hội của địa phương. Tín dụng chính sách là kênh quan trọng, mặc dù vốn không lớn nhưng tác dụng thiết thực của nó rất lớn, chỉ tiêu giảm nghèo là pháp lệnh của Quốc hội cũng như Hội đồng nhân dân các địa phương.
Thứ tư, mô hình tổ chức tín dụng chính sách xã hội ngày càng được hoàn thiện, phù hợp với điều kiện, cấu trúc hệ thống chính trị của Việt Nam. Thông qua việc tham gia quản trị NHCSXH, Lãnh đạo các cơ quan quản lý Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội đã gắn kết công tác chuyên môn của ngành với công tác tín dụng chính sách tham gia hoạt động, hoạch định các cơ chế chính sách, thực hiện giám sát trực tiếp toàn diện hoạt động tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách, góp phần quan trọng quyết định hiệu quả của chính sách tín dụng ưu đãi của Nhà nước.
Là một cơ chế vận hành rất hiệu quả ở nông thôn, miền núi, kể cả các đô thị, khi bốn tổ chức hội, đoàn thể của chúng ta vào cuộc cùng với NHCSXH, vai trò của Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên và các tổ chức chính trị - xã hội khác đều tham gia trong vấn đề này, được giám sát vấn đề này, được bình chọn vấn đề này, thúc đẩy thu hồi nợ, thậm chí định hướng sử dụng vốn hiệu quả. Khi tham gia Ban đại diện HĐQT hay các tổ chức chính trị - xã hội ở cơ sở thì vai trò, uy tín của các tổ chức ngày càng được nâng lên, gắn bó với quần chúng, gắn bó với đoàn viên, hội viên nhiều hơn. Và tôi cũng rất vui mừng đến nay đã có gần 11 nghìn Điểm giao dịch, gần 200 nghìn Tổ tiết kiệm và vay vốn ở tất cả các thôn, bản trong cả nước, kể cả vùng sâu, vùng xã. Thông qua hệ thống đó, chúng ta có thể biết được quần chúng suy nghĩ gì trong việc sử dụng nguồn lực, nhu cầu nguồn lực và tinh thần tư tưởng của họ với Đảng, Nhà nước và đoàn thể chính trị. Đó là cái rất quan trọng. Chính vì thế mà sự tham gia của tổ chức chính trị - xã hội, việc công khai hoạt động tín dụng chính sách với vai trò vừa là người giám sát, vừa là người uỷ thác một số công việc trong quá trình nghiệp vụ tín dụng chính sách kết hợp với sự phân công thực hiện thành công phương thức quản lý của NHCSXH của hệ thống là một thành công rất quan trọng mà chúng ta nâng lên.
Tôi nghĩ rằng việc NHCSXH phối hợp cùng các tổ chức chính trị - xã hội ở các cơ sở để thực hiện các phương thức cho vay có hiệu quả, thiết thực là một đặc thù, sáng tạo. Đó là một thành công quan trọng, thường thì các NHTM không bao giờ có chuyện cho vay mà công khai minh bạch như thế, riêng NHCSXH có sự công khai minh bạch tốt như vậy cho nên nó hiệu quả và nợ xấu thấp.
Nhân đây tôi cũng đánh giá cao các đồng chí trong các thời kỳ của HĐQT NHCSXH, nhất là những năm gần đây đã phối hợp hiệu quả, đưa ra phương thức phối hợp tốt với các thành viên của NHCSXH trong việc phối hợp các cơ quan Nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội.
Thứ năm, hoạt động của NHCSXH trong 15 năm qua khắc phục các hạn chế của các chính sách hỗ trợ cho không, tạo chuyển biến cơ bản về nhận thức của người nghèo, từ mặc cảm tự ti, ỷ lại, sợ vay vốn không biết cách sử dụng vốn đến ý thức, ý chí làm ăn vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng. Chuyển được ý thức này là quan trọng thì cách làm như vậy cũng là chuyển từ một phương thức cách làm rất là cần thiết cho bà con vượt qua tự ti, mặc cảm để vươn lên. Nhờ nguồn vốn này đã góp phần đẩy lùi tệ nạn cho vay nặng lãi, giảm thiểu bất ổn xã hội.
Có thể nói, sự thành công trong 15 năm như thế là tốt, tương đối toàn vẹn và phấn khởi. Tôi đánh giá cao các đồng chí của hệ thống chúng ta. Hôm nay tại Hội nghị tổng kết lần này, tôi thay mặt Nhà nước, Chính phủ biểu dương, đánh giá cao NHCSXH Việt Nam, HĐQT, Ban Giám đốc, Ban đại diện HĐQT các cấp và cán bộ, viên chức và người lao động NHCSXH đã ngày đêm làm việc tốt, có nhiều tiến bộ để đóng góp vào sự nghiệp xoá đói, giảm nghèo thực hiện các mục tiêu mà NHCSXH đặt ra. Xin chúc mừng tất cả các đồng chí!
Như chúng ta đã biết, giai đoạn mới trong sự nghiệp Công nghiệp hóa - Hiện đại hoá có nhiều nội dung phải làm, nhưng nếu chúng ta để người dân nghèo quá, khó khăn quá, chênh lệch mức sống lớn quá thì sự nghiệp Công nghiệp hóa - Hiện đại hoá của Việt Nam trước sự lãnh đạo của Đảng ta không thành công, hoặc chưa thành công, đến giờ phút này chúng ta còn 1,9 triệu hộ nghèo và 1,3 triệu hộ cận nghèo, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng thiên tai. Chúng ta phải dám nhìn nhận một cách thẳng thắn, chúng ta có những thành công nhưng mà còn nhiều tồn tại bất cập để tiếp tục công việc càng ngày càng khó khăn này của sự nghiệp xoá đói, giảm nghèo, càng về cuối càng khó hơn. Một năm chúng ta giảm từ 1% - 1,5% bình quân, đối với các huyện vùng sâu, vùng cao ít nhất 4%/năm. Và trong bối cảnh như vậy, nhất là những vùng đặc biệt khó khăn tín dụng chính sách có ý nghĩa quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội và đặc biệt là một kênh tạo thêm xung lực cho công cuộc giảm nghèo bền vững, đảm bảo công bằng, bình đẳng trong xã hội. Chính vì vậy tín dụng chính sách hay cán bộ làm tín dụng, hay hệ thống làm tín dụng chính sách nhất thiết phải gần dân, sát dân, phải nắm bắt tâm tư nguyện vọng của người dân để đáp ứng tốt hơn, phù hợp nhu cầu của người vay vốn.
Chúng tôi đề nghị NHCSXH cũng cần tiếp tục phát triển theo hướng ổn định, bền vững, bảo đảm thực hiện tốt tín dụng chính sách xã hội đồng thời tạo điều kiện hỗ trợ cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách vươn lên thoát nghèo bền vững, thực hiện có hiệu quả chính sách giảm nghèo, an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới. Đó là hoạt động quan trọng của NHCSXH. Đồng thời đề nghị các đồng chí không ngừng nâng cao chất lượng các sản phẩm dịch vụ; đồng thời đẩy mạnh ứng dụng công nghệ hiện đại, đa dạng hoá sản phẩm, dịch vụ ngân hàng tạo thuận lợi nhất để người nghèo tiếp cận tín dụng từ NHCSXH. Để các đồng chí hoàn thành tốt nhiệm vụ tôi đề nghị các việc như sau:
Một là, tất cả các Bộ, ngành, địa phương tích cực chủ động thực hiện tốt Chỉ thị số 40 năm 2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội và Kế hoạch 401 về triển khai Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ. NHCSXH phải kịp thời xem xét giải quyết các đề xuất, kiến nghị một cách chủ động. Như trên tôi đã nêu một bài học kinh nghiệm là các Bộ, ngành và địa phương tạo điều kiện cho NHCSXH phát triển ổn định và bền vững.
Hai là, các Bộ, ngành cần chủ động nghiên cứu, đề xuất các giải pháp tăng cường nguồn lực thực hiện có hiệu quả tín dụng chính sách xã hội. Tôi xin nêu các nguồn lực như sau. Thứ nhất, tất cả các đồng chí đều nói lần đầu tiên Chính phủ kiến nghị với Quốc hội ghi kế hoạch trung - hạn cho NHCSXH với con số 21.000 tỷ đồng trong 5 năm và Chính phủ quan niệm rằng, đầu tư cho NHCSXH với đối tượng người nghèo là đầu tư cho phát triển, Bộ Tài chính, Bộ KH&ĐT, NHNN có giải pháp tiếp tục tăng cường nguồn lực cho NHCSXH để đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu vay vốn của người nghèo và các đối tượng chính sách. Và bố trí đủ nguồn vốn bằng nhiều biện pháp huy động phù hợp. Thứ hai, các Bộ, ngành cần nghiên cứu, đề xuất kiến nghị của các địa phương, kịp thời trình cấp có thẩm quyền để điều chỉnh chính sách tín dụng, đối tượng, mức cho vay, đảm bảo phù hợp với thực tế khả năng của ngân sách Nhà nước đáp ứng cơ bản nhu cầu vốn tín dụng của người nghèo và các đối tượng chính sách khác. Các vấn đề đồng chí nêu trong tham luận, cho vay sinh viên ở mức nào, định mức vay nước sạch,… Tất cả cái đó các đồng chí HĐQT đề xuất tổng thể có thể huy động được.
Ba là, thực hiện tốt các chủ trương xã hội hoá nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội. Đây là một yêu cầu nên Thủ tướng đề nghị các tổ chức, các cá nhân, các doanh nghiệp, các tổ chức chính trị - xã hội, các hội, các hiệp hội, các tổ chức phi Chính phủ trong và ngoài nước, uỷ thác vốn, đóng góp vốn tự nguyên không hoàn lại thông qua NHCSXH để chung tay tạo lập nguồn vốn cho người nghèo và các đối tượng chính sách vay vốn ưu đãi, phục vụ sản xuất kinh doanh, tạo việc làm, cải thiện đời sống góp phần vào chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững.
Bốn là, cấp ủy, chính quyền các cấp tiếp tục nhận thức sâu sắc hơn về vai trò vị trí của tín dụng chính sách xã hội trong việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, giải quyết việc làm, xây dựng nông thôn mới, an sinh xã hội của địa phương một cách bền vững; cần quan tâm bố trí vốn uỷ thác cho NHCSXH, hỗ trợ cơ sở vật chất, địa điểm, phương tiện làm việc nhằm nâng cao năng lực hoạt động của NHCSXH. Quan trọng nhất là vốn uỷ thác sang NHCSXH. Tôi đề nghị các đồng chí thúc đẩy nguồn lực NHCSXH phong phú, xử lý các vấn đề về định mức cho vay.
Năm là, các tổ chức chính trị - xã hội thực hiện tốt hơn nữa các công việc được NHCSXH uỷ thác bảo đảm cho vay đúng chính sách đúng đối tượng, giúp người nghèo sử dụng vốn đúng mục đích, hiệu quả cải thiện đời sống và có nguồn vốn trả nợ ngân hàng. Đề nghị không chỉ cho vay đúng chính sách mà phải hướng dẫn cho sử dụng vốn có hiệu quả.
Sáu là, tín dụng chính sách hỗ trợ người dân khởi nghiệp, nhất là phụ nữ, thanh niên, hỗ trợ hình thành chuỗi liên kết, chuỗi sản xuất - tiêu thụ, ứng dụng khoa học công nghệ, cải thiện năng lực sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập. Vấn đề khởi nghiệp ở nông thôn rất mới, rất quan trọng, tôi đề nghị từ ngành nông nghiệp, công nghiệp các đoàn thể chính trị, khoa học công nghệ đều hướng vào thanh niên nông thôn để vấn đề khởi nghiệp ở nông thôn tốt hơn nữa. Để từ đó chúng ta có phương án hỗ trợ cho khởi nghiệp này. Đây là hướng mới của NHCSXH mà chúng ta cần phải quan tâm.
Bẩy là, chú trọng củng cố nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng, nhất là coi trọng chất lượng tín dụng cho một số đối tượng, tăng cường kiểm tra giám sát hoạt động cho vay, thu nợ, bảo đảm giảm thiểu rủi ro, chú ý đào tạo, tập huấn, nâng cao năng lực đối với đội ngũ cán bộ tín dụng. Và cũng từ đó phát huy vai trò tổ chức chính trị - xã hội nhận uỷ thác, các Tổ tiết kiệm và vay vốn.
NHCSXH có nhiệm vu nặng nề nhưng vẻ vang vì trực tiếp đóng góp trong công cuộc xoá đói, giảm nghèo và an sinh xã hội của nước ta. Chúng tôi mong rằng các đồng chí phát huy những thành công, những kinh nghiệm trong 15 năm qua để tiếp tục xây dựng NHCSXH Việt Nam phát triển xứng với niềm tin yêu, mong mỏi của nhân dân trong sự nghiệp quan trọng này. Tôi tin rằng các đồng chí sẽ xứng đáng với niềm tin đó. Tôi xin gửi lời chào thân ái đến 9.500 cán bộ, nhân viên NHCSXH trong toàn quốc, các Ban đại diện HĐQT và mong các đồng chí cố gắng nhiều hơn nữa. Một lần nữa tôi xin chúng mừng NHCSXH Việt Nam đã được nhận phần thưởng cao quý của Đảng và Nhà nước.
Tôi xin trân trọng cảm ơn các đại biểu, các đồng chí dự Hội nghị hôm nay!
Nhóm PV lược ghi
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » Đoàn cán bộ cấp cao ASDP - Nepal làm việc tại VBSP
- » Tín dụng chính sách có ý nghĩa quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, là kênh tạo ra xung lực trong xóa nghèo bền vững
- » Ngôi nhà chung của người nghèo tròn 15 tuổi
- » Tổ chức hội, đoàn thể - Dây dẫn chuyền từ vốn vay của NHCSXH
- » 15 NĂM VÀ HÀNH TRÌNH REO VANG BÀI CA NO ẤM
- » Tín dụng chính sách xã hội giúp giảm nghèo bền vững tại TP Hồ Chí Minh
- » Sức sống mới trên vùng Đồng Tháp
- » Khởi sắc vùng núi Ấn, sông Trà Quảng Ngãi
- » Tín dụng chính sách ở Bà Rịa - Vũng Tàu đã giúp cho 360 ngàn hộ nghèo vay vốn phát triển kinh tế
- » Giục từng tấc đất hóa ngọt bùi