Bình Dương tập trung nguồn vốn cho công tác giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới
Tính đến cuối năm 2015, tỷ lệ hộ nghèo của Bình Dương theo chuẩn địa phương giảm xuống còn 0,64% tổng số hộ dân, hộ cận nghèo chỉ còn 1,38%, hoàn thành mục tiêu giảm nghèo giai đoạn 2011 - 2015. Để đạt được những kết quả ấn tượng này, bên cạnh sự chỉ đạo, hỗ trợ tích cực từ Trung ương còn có sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị trong tỉnh bởi có những cách làm thiết thực, sáng tạo, hiệu quả, phù hợp; trong đó tín dụng chính sách của Chính phủ được coi là “cốt yếu” giúp Bình Dương thay đổi nhanh chóng.
Ngay trong năm 2010 - năm đầu tiên thực hiện Chương trình giảm nghèo theo chuẩn nghèo địa phương, Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh Bình Dương đã có những chỉ đạo, chương trình hành động quyết liệt để các cấp, các ngành cùng chung tay giúp sức. Sau các đợt điều tra, khảo sát thực tiễn tình hình hộ nghèo ở cơ sở, các chính sách hỗ trợ đã được ban hành kịp thời, phù hợp. Một trong những chính sách có tính đột phá riêng của tỉnh Bình Dương là chính sách bảo lưu hai năm đối với những hộ mới thoát nghèo, thoát cận nghèo nhưng vẫn được hưởng các chính sách về văn hóa, y tế, giáo dục, tín dụng chính sách như hộ nghèo; sử dụng ngân sách địa phương đào tạo nghề cho lao động nông thôn, bộ đội xuất ngũ, ưu tiên giới thiệu việc làm.
Xác định tín dụng chính sách xã hội là đòn bẩy quan trọng quyết định đến hiệu quả chương trình giảm nghèo nên Bình Dương đã quan tâm đầu tư, tạo điều kiện tốt nhất về phương tiện, cơ sở vật chất cho NHCSXH để hoạt động hiệu quả, bổ sung nguồn vốn ngân sách địa phương và huy động từ các tổ chức kinh tế trên địa bàn. Đến hết năm 2015, tỉnh Bình Dương đã chuyển 80 tỷ đồng ngân sách địa phương và huy động được gần 2 tỷ đồng từ các tổ chức kinh tế trên địa bàn ủy thác qua NHCSXH để cho vay.
Cùng với đó, NHCSXH đã tích cực phối hợp với các đơn vị có liên quan tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các chính sách đặc thù của địa phương, nâng cao hiệu quả thực hiện mục tiêu giảm nghèo - tạo việc làm. Đơn cử như việc trình Thủ tướng Chính phủ cho phép tiếp tục sử dụng nguồn vốn Trung ương đầu tư vốn cho hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn địa phương đến hết năm 2015; thành lập Quỹ cho vay giải quyết việc làm địa phương; sử dụng phần tăng thu tiết kiệm chi hàng năm của ngân sách tỉnh bổ sung vốn ủy thác qua NHCSXH để cho vay, đáp ứng nhu cầu vốn SXKD của hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn của địa phương.
Với những giải pháp quyết liệt và đồng bộ, từ năm 2010 - 2015, NHCSXH tỉnh Bình Dương đã cho trên 98 nghìn lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn, với gần 1.300 tỷ đồng; qua đó đã giúp cho gần 29 nghìn hộ thoát nghèo và thoát cận nghèo; thu hút và tạo việc làm mới cho hơn 5.000 lao động; hơn 1.000 HSSV có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn trang trải chi phí học tập; cải tạo, xây dựng mới gần 89 nghìn công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn đạt chuẩn quốc gia, 330 hộ nghèo được hỗ trợ xây nhà ở, cải thiện điều kiện sống tối thiểu.
Theo nhận xét của Giám đốc Sở LĐTB-XH tỉnh, Hồ Quang Điệp: “Trong tổng thể chương trình giảm nghèo tại Bình Dương, hoạt động tín dụng chính sách được NHCSXH thực hiện đã góp phần quan trọng vào thành công của chương trình giảm nghèo bền vững cũng như xây dựng nông thôn mới. Vốn tín dụng chính sách được phân bổ sát với nhu cầu thực tế giảm nghèo - tạo việc làm. Nhờ đó môi trường sống, nhất là vùng nông thôn được cải thiện, khoảng cách giàu nghèo giữa thành thị và nông thôn được thu hẹp. Điều quan trọng nữa là cơ bản người nghèo và các đối tượng chính sách nhận thức về tín dụng chính sách của Đảng và Nhà nước là “hỗ trợ cần câu chứ không hỗ trợ con cá”, từ đó tạo ý thức vươn lên của người nghèo”.
Điểm nổi bật nữa trong hoạt động tín dụng chính sách thời gian qua là tỉnh Bình Dương đã quán triệt sâu sắc tinh thần Chỉ thị 40 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội. Bên cạnh sự vào cuộc của cấp uỷ, chính quyền, MTTQ và các hội, đoàn thể trên địa bàn, nguồn vốn từ ngân sách uỷ thác cho NHCSXH được tập trung và ổn định hơn để kịp thời cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách.
Ngay từ đầu năm 2016, UBND tỉnh Bình Dương đã dành ngân sách địa phương ủy thác bổ sung cho NHCSXH với tổng số tiền 391 tỷ đồng để thay thế nguồn vốn Trung ương cho hộ nghèo, hộ cận nghèo (291 tỷ đồng) và bổ sung Quỹ cho vay giải quyết việc làm địa phương (100 tỷ đồng). Ngoài ra, UBND các huyện, thị xã còn bố trí ngân sách địa phương ủy thác bổ sung 15 tỷ đồng để thực hiện lồng ghép tín dụng chính sách với các mô hình, dự án hỗ trợ phát triển kinh tế vùng nông thôn mới của địa phương. Xin đơn cử như dự án phát triển đàn bò sinh sản ở huyện Dầu Tiếng và huyện Bàu Bàng; mô hình trồng hoa lan cảnh ở thị xã Bến Cát,… Tới đây là dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, tăng thu nhập cho giáo viên có thu nhập thấp và giải quyết việc làm cho bộ đội xuất ngũ ở thị xã Bến Cát; dự án phát triển nông nghiệp đô thị ở thị xã Thuận An,…
Theo kế hoạch, nguồn vốn nhận ủy thác tại địa phương của NHCSXH tỉnh Bình Dương sẽ được nâng dần từ 8% tổng nguồn vốn tín dụng vào cuối năm 2015 lên 25% vào cuối năm 2016 và trên 30% vào cuối năm 2017.
“Đó mới chỉ là kết quả bước đầu việc triển khai thực hiện Chỉ thị 40 của Ban Bí thư Trung ương Đảng. Với sự quan tâm và vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị, vai trò và hiệu quả của tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh Bình Dương sẽ được nâng cao hơn nữa, nguồn vốn tín dụng chính sách sẽ ổn định và đáp ứng ngày một tốt hơn nhu cầu thực tế, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương, đặc biệt là công tác giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Minh Hưng khẳng định.
Giai đoạn 2016 - 2020 tỉnh Bình Dương tiếp tục tập trung huy động các nguồn lực trong xã hội tổ chức thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp về truyền thông, nhân rộng mô hình giảm nghèo hiệu quả để nâng cao nhận thức; lồng ghép tín dụng chính sách với các dự án khuyến nông - lâm - ngư, các dự án hỗ trợ phát triển kinh tế vùng nông thôn mới, phát triển nông nghiệp đô thị phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của tỉnh. Song song với sự hỗ trợ tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản khác, trong đó chú trọng tới giải pháp bố trí nguồn vốn tín dụng hợp lý từ ngân sách và các nguồn vốn xã hội hóa để tạo điều kiện cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được tiếp cận đầy đủ với tín dụng chính sách, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu giảm nghèo trên địa bàn.
Bài và ảnh Nguyễn Bá Phương
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » Hành trình tạo lập cơ chế nguồn vốn địa phương để cho vay giảm nghèo bền vững tại TP Hồ Chí Minh
- » Nghệ An với công tác giảm nghèo
- » NHCSXH huyện Nam Đàn đồng hành cùng người nghèo
- » NHCSXH tặng quà cho các ngư dân tại các tỉnh miền Trung bị ảnh hưởng bởi thủy, hải sản chết bất thường
- » NHCSXH tỉnh Quảng Trị đồng hành cùng ngư dân
- » Cuộc sống mới trên cao nguyên Chư Pưh
- » Tiếp sức cho đồng bào DTTS nghèo ở Hậu Giang
- » Những ngôi nhà “mang tên 167” ở Cà Mau
- » Quảng Ngãi sơ kết một năm thực hiện Chỉ thị 40 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội
- » Tọa đàm trực tuyến về tín dụng chính sách giải quyết việc làm