Giúp các tỉnh Tây Nguyên giảm nghèo bền vững
Nguồn vốn quan trọng để phát triển kinh tế
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Đoàn Văn Việt, 3 năm qua, tại tỉnh Lâm Đồng, NHCSXH đã giúp hơn 6.100 hộ thoát nghèo, tạo việc làm và tăng thêm việc làm cho hơn 5.200 lao động, giúp hơn 8.600 HSSV vay vốn trang trải chi phí học tập, hơn 230 lao động đi làm việc ở nước ngoài, xây dựng hơn 39 nghìn công trình nước sạch và nhà vệ sinh,… Bên cạnh đó, NHCSXH còn giúp rất nhiều đồng bào DTTS thay đổi về nhận thức, tập quán làm ăn, xóa bỏ mặc cảm, vươn lên thoát nghèo. Góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh từ 6,31% (năm 2012) xuống còn 2,75% (cuối năm 2014).
Nguồn vốn tín dụng chính sách không chỉ tạo nên những “gam màu sáng” trong phát triển kinh tế ở Lâm Đồng, mà còn ở từng ngôi nhà nhỏ, từng buôn, sóc trên toàn vùng Tây Nguyên. Tại Tây Nguyên, sau 3 năm thực hiện Đề án củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng của NHCSXH và 2 năm phối hợp thực hiện các chương trình tín dụng chính sách, bức tranh toàn vùng đã thay đổi rõ rệt. Vào thời điểm bắt đầu thực hiện Đề án năm 2012, tổng dư nợ cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trong vùng là 11.395 tỷ đồng (chiếm tỷ trọng 11% dư nợ của toàn quốc), đến nay, sau 3 năm, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách đã tăng thêm 4.883 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm đạt gần 9%, cao hơn tốc độ tăng trưởng bình quân toàn quốc 1,2%/năm. Theo Thống đốc NHNN kiêm Chủ tịch HĐQT NHCSXH Nguyễn Văn Bình, nguồn vốn tín dụng chính sách trên địa bàn Tây Nguyên đã giúp hơn 1.185 nghìn lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách được tiếp cận vốn ngân hàng; giúp hơn 121 nghìn hộ vượt qua ngưỡng nghèo; thu hút, tạo việc làm mới cho hơn 34 nghìn lao động; giúp hơn 55 nghìn lượt HSSV có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; xây dựng gần 312 nghìn công trình nước sạch, công trình vệ sinh ở nông thôn và hơn 6 nghìn căn nhà cho hộ nghèo,… Qua đó, góp phần đáng kể đưa tỷ lệ hộ nghèo vùng Tây Nguyên trong giai đoạn 2011 - 2014 giảm từ 18,92% xuống còn 11,22%; đồng thời góp phần tích cực thực hiện mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.
Gỡ “nút thắt” về vốn và giải bài toán sinh kế
Những chính sách giảm nghèo bền vững cho vùng đồng bào DTTS và miền núi được ban hành rộng rãi, cùng sự vào cuộc của hệ thống ngân hàng, nhất là NHCSXH đã mang lại hiệu quả thiết thực, từng bước tạo nên những chuyển biến tích cực trong tăng trưởng kinh tế, giảm nghèo khu vực Tây Nguyên. Tuy nhiên, theo Ban Lãnh đạo NHCSXH và đại diện Lãnh đạo của các tỉnh trong vùng, tìm lời giải bài toán thoát nghèo bền vững vẫn là một thách thức lớn. Phó Chủ tịch UBMTTQ tỉnh Kon Tum, Y Phương cho biết, đối tượng vay vốn của NHCSXH là hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách, phần lớn là đồng bào DTTS ở vùng sâu, khó khăn; trình độ tiếp thu KHKT hạn chế; chưa có thói quen tiết kiệm, hiệu quả sử dụng vốn chưa cao; chất lượng hoạt động Tổ tiết kiệm và vay vốn còn yếu. Tổng Giám đốc NHCSXH Dương Quyết Thắng nhận định: Thực tế ở Tây Nguyên cho thấy, vấn đề yếu nhất là sự gắn kết hoạt động tập huấn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ và kinh nghiệm làm ăn của các cơ quan chính quyền (cơ quan khuyến nông, khuyến công, khuyến ngư,…), các hội, đoàn thể với hoạt động cho vay của NHCSXH, dẫn đến một bộ phận người nghèo sử dụng vốn vay chưa hiệu quả, không trả được nợ đúng hạn, thoát nghèo chưa bền vững.
Mặc dù trong 3 năm thực hiện Đề án, cấp ủy, chính quyền địa phương đã có nhiều cố gắng trong tăng thu, tiết kiệm chi, dành nguồn ngân sách địa phương để cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn, nhưng kết quả so với bình quân chung của toàn quốc vẫn còn hạn chế. Đến cuối tháng 8/2015, bình quân nguồn vốn địa phương của một tỉnh ở Tây Nguyên mới đạt gần 63 tỷ đồng, trong khi mức bình quân chung toàn quốc đạt gần 80 tỷ đồng/tỉnh. Vì vậy, đời sống của người dân, nhất là ở vùng nông thôn, đồng bào DTTS còn nhiều khó khăn, số hộ cận nghèo cao, tiềm ẩn nguy cơ tái nghèo lớn trong khi nguồn vốn cho vay của tín dụng chính sách còn hạn chế.
Để giải quyết vấn đề này, NHCSXH đã đặt mục tiêu hoạt động tín dụng chính sách xã hội vùng Tây Nguyên phát triển theo hướng ổn định, bền vững, hướng tới 100% số hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách có nhu cầu và đủ điều kiện, đều được vay vốn các chương trình tín dụng chính sách và tiếp cận các dịch vụ khác do NHCSXH cung cấp. Phấn đấu mức tăng trưởng dư nợ hàng năm tại vùng Tây Nguyên từ 10% đến 12%, bao gồm nguồn vốn Trung ương và nguồn vốn địa phương. Tiếp tục thực hiện việc củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động Tổ tiết kiệm và vay vốn với mục tiêu hơn 70% số Tổ tiết kiệm và vay vốn hoạt động tốt và không có tổ hoạt động yếu kém. Tuy nhiên, để chương trình thật sự có hiệu quả, lãnh đạo các tỉnh Tây Nguyên cũng như Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên đề nghị cần tham mưu cho Chính phủ bố trí tăng nguồn vốn và nâng định mức cho vay các chương trình tín dụng chính sách để NHCSXH có điều kiện mở rộng hoạt động tín dụng, đáp ứng kịp thời nhu cầu vay vốn, bảo đảm góp phần hiệu quả cho mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững.
Lê Minh Ngọc
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » Năm 2015 - Mốc son tươi sáng của cuộc hành trình tín dụng chính sách
- » Tín dụng chính sách ở Long An sau khi có Chỉ thị của Đảng dẫn đường
- » Vốn vay được quản lý hiệu quả
- » Nơi gửi trọn niềm tin
- » Tín dụng chính sách trên quê hương Đồng Khởi
- » Tín hiệu vui của hộ cận nghèo
- » Niềm vui ở Hợp tác xã Thanh Thanh
- » Mùa xuân bên những cánh rừng xanh
- » Niềm tin thoát nghèo
- » Cho vay để mua, thuê mua nhà ở xã hội qua NHCSXH: KỲ VỌNG TRONG XUÂN MỚI