Tín hiệu vui của hộ cận nghèo
Thanh Bình là một trong những địa phương triển khai các chương trình tín dụng ưu đãi có hiệu quả, nhất là đối với các hộ cận nghèo thông qua nhiều cách làm hay như: hướng dẫn hộ cận nghèo cách làm ăn, hỗ trợ kiến thức về chăn nuôi, áp dụng các tiến bộ KHKT trong sản xuất nông nghiệp… Từ đó, giúp nhiều hộ nghèo và hộ cận nghèo từng bước vươn lên có cuộc sống ổn định.
Anh Lê Văn Hoàng ngụ khóm Tân Đông A, thị trấn Thanh Bình, huyện Thanh Bình cho biết, gia đình anh có 4 nhân khẩu, nhưng không có ruộng đất, sống chủ yếu bằng nghề làm mướn nên thu nhập rất bấp bênh. Hàng ngày, anh Hoàng đi vác lúa mướn, phun thuốc, sạ phân cho người có nhu cầu, thu nhập khoảng 120 nghìn đồng, chỉ đủ chi tiêu hàng ngày nên không có tích lũy.
Mặc dù hoàn cảnh kinh tế khó khăn nhưng vợ chồng anh Hoàn rất chí thú làm ăn, từ đó người cậu ruột cho mượn đất để làm nhà ở, đồng thời chính quyền địa phương cũng xét cấp sổ hộ nghèo. Để phát triển kinh tế hộ, anh Hoàng suy nghĩ tìm vật nuôi cây trồng cho hiệu quả. Từ điều kiện thực tế, anh Hoàng quyết định nuôi bò vỗ béo từ nguồn cỏ và cây ngô được trồng tại địa phương.
Sau đó, gia đình anh Hoàng xin được vay vốn để nuôi bò, vào cuối tháng 3/2015 hộ anh Hoàng được NHCSXH huyện Thanh Bình xét cho vay 30 triệu đồng hộ cận nghèo trong khoảng thời gian 3 năm để đầu tư nuôi bò. Từ nguồn vốn vay cộng với nguồn tích lũy của gia đình, anh Hoàng đã mua 5 con bò lai Ý với số tiền gần 100 triệu đồng. Sau gần một năm, đàn bò phát triển khá tốt và có giá trị trên 150 triệu đồng.
Anh Hoàng bộc bạch: “Nuôi bò vỗ béo cho thu nhập khá vì nguồn thức ăn chủ yếu là cỏ. Nuôi bò chỉ cho ăn 3 lần/ngày nên có thời gian rảnh đi làm mướn kiếm thêm nguồn thu nhập cho gia đình, tết này mình đã có cái tết đầm ấm hơn những năm trước rồi”.
Tương tự, hộ anh Huỳnh Trung Chinh ngụ khóm Tân Đông B, thị trấn Thanh Bình, huyện Thanh Bình là hộ cận nghèo cũng được vay 30 triệu đồng để chăn nuôi bò. Anh Chinh cho biết, gia đình chỉ có 1.600m2 đất trồng hoa màu nên không có tích lũy. Với quyết tâm vươn lên thoát khỏi hộ cận nghèo, anh Tùng bàn bạc với gia đình vay vốn từ NHCSXH. Sau khi được xét vay vốn, anh Chinh mua 2 con bò về vỗ béo, đồng thời quyết định dành khoảng 800m2 đất để trồng cỏ voi cho bò ăn, diện tích còn lại thì trồng ớt. Nhờ chăm sóc tốt nên 2 con bò chóng lớn. Ngoài chăn nuôi, anh Chinh cùng vợ tranh thủ đi làm thuê để kiếm thêm thu nhập. Nhờ chí thú làm ăn nên cuộc sống gia đình anh Chinh đã tạm ổn định, tương lai sẽ có tích lũy từ việc chăn nuôi bò.
Ông Trần Đăng Nhiên - Phó Giám đốc NHCSXH huyện Thanh Bình cho biết, đến cuối năm 2015, toàn huyện Thanh Bình có 21.132 hộ được tiếp cận với các nguồn vốn ưu đãi của NHCSXH để đầu tư phát triển kinh tế hộ với tổng dư nợ hơn 200 tỷ đồng, trong đó có hàng trăm hộ được vay vốn chương trình hộ cận nghèo. Qua kiểm tra thực tế cho thấy, phần lớn các hộ cận nghèo sử dụng vốn đúng mục đích, hiệu quả cao. Do đó, trong năm 2015, toàn huyện Thanh Bình có trên 900 hộ thoát nghèo và thoát hộ cận nghèo, đây là thành quả đáng ghi nhận trong nỗ lực giảm nghèo bền vững của địa phương.
Sau hơn 2 năm triển khai, đến mùa xuân này dư nợ cho vay hộ cận nghèo của NHCSXH tỉnh Đồng Tháp đạt trên 250 tỷ đồng với gần 13 nghìn lượt khách hàng được vay vốn. Chương trình cho vay hộ cận nghèo được triển khai cho vay chặt chẽ. NHCSXH tỉnh đã chỉ đạo các Phòng giao dịch điều tra, khảo sát số hộ cận nghèo trên địa bàn, nắm bắt nhu cầu vay của người dân để xây dựng kế hoạch tín dụng phù hợp. Ngân hàng cũng tích cực tham mưu với chính quyền địa phương phân bổ chỉ tiêu, điều chuyển vốn giữa 2 chương trình cho vay hộ nghèo và hộ cận nghèo để bảo đảm nguồn vốn tín dụng trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, thường xuyên phối hợp với UBND các xã, các tổ chức hội, đoàn thể để củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động giao dịch tại xã; bảo đảm các chỉ số giải ngân, thu nợ, thu lãi tại Điểm giao dịch xã. Ngoài ra, NHCSXH tỉnh còn tập huấn cho các thành phần có liên quan; phối hợp với các hội, đoàn thể các cấp, Ban giảm nghèo xã, Tổ tiết kiệm và vay vốn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách tín dụng hộ cận nghèo, tham gia bình xét kịp thời, đúng đối tượng thụ hưởng.
Để đồng vốn chính sách tiếp tục phát huy hiệu quả, chính quyền các cấp, ngành liên quan cần định hướng, hướng dẫn các hộ dân vay vốn cách làm kinh tế, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi sao cho phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu địa phương và nhu cầu thị trường. Các hội, đoàn thể, Ban giảm nghèo, Tổ tiết kiệm và vay vốn cũng phải tích cực kiểm tra, giám sát hộ vay sử dụng vốn đúng mục đích, đôn đốc thu hồi nợ đến hạn; kịp thời bình xét cho những hộ khó khăn có nhu cầu vay vốn phát triển kinh tế gia đình.
Bài và ảnh Lê Cúc
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » Năm 2015 - Mốc son tươi sáng của cuộc hành trình tín dụng chính sách
- » Tín dụng chính sách ở Long An sau khi có Chỉ thị của Đảng dẫn đường
- » Vốn vay được quản lý hiệu quả
- » Tín dụng chính sách trên quê hương Đồng Khởi
- » Niềm vui ở Hợp tác xã Thanh Thanh
- » Mùa xuân bên những cánh rừng xanh
- » Niềm tin thoát nghèo
- » Cho vay để mua, thuê mua nhà ở xã hội qua NHCSXH: KỲ VỌNG TRONG XUÂN MỚI
- » Vốn vay ưu đãi đã cho mùa quả ngọt
- » Khi mùa xuân đến