Tín dụng chính sách trên quê hương Đồng Khởi
Mười ba năm qua, NHCSXH tỉnh Bến Tre đã nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, thách thức, tạo được những tác động tích cực trong cộng đồng; từ đó góp phần quan trọng vào việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội. Kết quả nổi bật trong hoạt động của NHCSXH tỉnh Bến Tre là chương trình tín dụng hộ nghèo. 13 năm qua, đã có 72.159 hộ thoát nghèo bền vững nhờ đồng vốn chính sách.
Qua tìm hiểu của chúng tôi, nhìn chung, đa số các hộ vay đều sử dụng vốn đúng mục đích và hiệu quả. Ba năm trước đây, cuộc sống của gia đình anh Lê Hoàng Duyệt ở ấp 2, xã Sơn Đông, TP. Bến Tre khó khăn vô cùng. Gần một sào đất trũng, nhiễm phèn nặng nên hoa màu thu được không đủ cho đôi vợ chồng và một đứa con đang tuổi ăn học. Vợ chồng anh đi làm thuê cuốc mướn để có thêm thu nhập trang trải cuộc sống gia đình nhưng công việc không ổn định. Cái nghèo cứ đeo bám khiến anh Duyệt nhiều đêm trăn trở, không biết làm cách nào dứt ra được.
Năm 2012, anh được NHCSXH cho vay 30 triệu đồng vốn hộ nghèo, từ số tiền được vay anh mua 2 con bò sinh sản và trồng 20 gốc bưởi da xanh và trồng cỏ. Vừa nuôi bò vừa chăm sóc bưởi da xanh, làm thuê để kiếm thêm thu nhập. Cần cù, chăm chỉ, sau 3 năm anh Duyệt đã bán 2 con bò và thu nhập từ bưởi, lãi gần 45 triệu đồng. Anh cũng đã trả vốn lẫn lãi cho ngân hàng. Tết này, gia đình anh Duyệt đã được công nhận là hộ thoát nghèo bền vững. Với anh, không còn niềm vui nào hơn thế. “Gia đình tôi có được như ngày hôm nay cũng là nhờ sự giúp đỡ của các ngành, các cấp, đặc biệt là sự hỗ trợ vốn kịp thời từ NHCSXH, nếu không, có lẽ bây giờ cuộc sống gia đình tôi vẫn còn khó khăn lắm”, anh Duyệt bộc bạch.
Chỉ có 250m2 đất sản xuất, cuộc sống gia đình ông Đinh Tuấn Kiệt ở ấp 2, xã Sơn Đông, TP. Bến Tre khó khăn ngày thêm chồng chất khi 5 năm trước, đứa con trai lớn bị bệnh tâm thần, đứa con trai nhỏ đang học phổ thông, có nguy cơ bỏ học. Mọi chi tiêu, sinh hoạt trong gia đình đều trông chờ vào nghề phụ hồ xây dựng của ông.
Tuy nhiên, dù tiết kiệm đến mấy thì khoản thu nhập không quá 80 nghìn đồng/ngày cũng chỉ đủ chi tiêu và thuốc thang cho con. Còn tiền tái sản xuất ông phải vay mượn trong xóm. Ông Kiệt chia sẻ: “Trước đây tôi phải đi vay nóng bên ngoài với lãi suất cao, cuối năm 2012, được vay 30 triệu đồng nguồn vốn ưu đãi từ NHCSXH, tôi mừng lắm! Tôi đầu tư mua sắm công cụ sản xuất và trồng vườn, thu nhập bây giờ cũng tạm đủ để chi tiêu trong gia đình và mua thuốc chữa bệnh cho con”.
Ngoài anh Duyệt, ông Kiệt, còn hàng chục nghìn gia đình nghèo khác trên địa bàn tỉnh Bến Tre đã được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi của NHCSXH để tạo việc làm, cải thiện cuộc sống. Có thể nói, bên cạnh ý thức vươn lên của chính các hộ nghèo, thì sự hỗ trợ của địa phương, của các ngành các cấp, đặc biệt sự hỗ trợ của NHCSXH đã giúp cuộc sống của nhiều hộ nghèo ở những xã vùng sâu, vùng xa trên địa bàn tỉnh dần đi vào ổn định. Vốn tín dụng chính sách cũng đã góp phần xóa bỏ nạn cho vay nặng lãi ở nông thôn.
Kết quả nổi bật tiếp theo thời gian qua mà NHCSXH tỉnh Bến Tre đạt được là cho hộ nghèo vay vốn làm nhà ở theo Quyết định 167 của Thủ tướng Chính phủ. Trong giai đoạn I, NHCSXH tỉnh đã cho vay trên 75 tỷ đồng, giúp 9.438 hộ được vay vốn ưu đãi xây dựng nhà ở đón những cái tết thật đầm ấm. Sau khi chương trình 167 được triển khai, các hộ nghèo, hộ kinh tế khó khăn, không có khả năng tự cải thiện nhà ở đã được giúp đỡ có được những ngôi nhà kiên cố, an toàn hơn, và từng bước nâng cao mức sống góp phần giảm nghèo bền vững. NHCSXH tỉnh đang chuẩn bị các điều kiện để xuân mới Bính Thân này bắt đầu cho hộ nghèo vay vốn về nhà ở giai đoạn II theo Quyết định số 33 của Thủ tướng Chính phủ.
“Từ khi có được căn nhà kiên cố, vợ chồng tôi không còn lo sợ cảnh mưa dột như trước nữa. Giờ có thể yên tâm đi làm để kiếm tiền sinh sống mỗi ngày”, đây là những tâm sự của ông Võ Văn Nghị, ở ấp Bình Thành, xã Bình Phú, TP. Bến Tre. Hoàn cảnh khó khăn do không có đất canh tác, cả gia đình sống nhờ vào nghề chạy xe ba gác thuê của ông Nghị, với thu nhập không quá 40 nghìn đồng/ngày. Thế nhưng, sau tai nạn cách đây 3 năm, ông không còn khả năng lao động nữa, chính vì thế khó khăn của gia đình càng thêm chồng chất. Cuộc sống mưu sinh còn chưa ổn định nên ước mơ có được một căn nhà kiên cố đối với gia đình ông là rất khó thực hiện. Chính vì vậy, khi được hỗ trợ xây dựng căn nhà theo Quyết định 167, với ông và gia đình, đây thực sự là một sự đổi thay.
Chương trình xây dựng nhà ở 167 là chính sách đúng đắn, hợp lòng dân, giúp cho hộ nghèo có được nơi ăn, chốn ở, con cái được học hành, giúp họ yên tâm lao động, sản xuất. Ngoài vấn đề nhà ở thì nước sạch để sinh hoạt là nhu cầu rất bức thiết của bà con trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là các huyện ven biển như Ba Tri, Thạnh Phú và Bình Đại. Thời gian qua, chương trình cho vay NS&VSMTNT cũng đã giúp 104.040 hộ vay làm được công trình nước sạch và vệ sinh. Từ tác động của chương trình, một bộ phận dân cư nông thôn đã có chuyển biến tích cực về nhận thức đồng thời quan tâm đến nhu cầu sử dụng nước sạch và vệ sinh môi trường, góp phần đảm bảo sức khỏe, nâng cao chất lượng sống.
Ngoài kết quả nổi bật trên, NHCSXH tỉnh Bến Tre đã tạo điều kiện cho gần 1.200 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, 7.681 hộ sản xuất vùng khó khăn vay vốn phát triển SXKD; giúp 41.054 HSSV có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn tiếp tục học tập.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện vẫn còn tồn tại một số khó khăn, vướng mắc. Theo Giám đốc NHCSXH tỉnh Bến Tre, Nguyễn Văn Hiền - khó khăn lớn nhất trong thời gian qua là nguồn vốn. Mặc dù TW bố trí nguồn vốn để thực hiện các chương trình tín dụng ưu đãi nhưng do các chương trình có nhu cầu vốn lớn, thời gian vay dài nên có thời điểm nguồn vốn chưa đáp ứng đủ nhu cầu của các đối tượng thụ hưởng. Mặt khác, một số hộ vay chưa nhận thức đầy đủ về việc có vay có trả, đã thoát nghèo nhưng cố tình không trả nợ gốc làm cho chất lượng tín dụng không cao.
Để các chương trình tín dụng ưu đãi ngày càng phát huy hiệu quả hơn nữa trong thời gian tới, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre, Trần Ngọc Tam yêu cầu chi nhánh tỉnh tăng cường công tác phối hợp với các Sở, ban, ngành tại địa phương xây dựng kế hoạch tín dụng hàng năm để đảm bảo dân chủ, không để sót hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách đủ điều kiện vay vốn nhưng không được tiếp cận vốn vay. Đồng thời, phải làm cho các đối tượng vay vốn hiểu rõ ý nghĩa của chương trình, sử dụng vốn đúng mục đích, trả nợ đúng hạn. Gắn chương trình tín dụng chính sách với các chương trình, dự án giảm nghèo của địa phương.
Bài và ảnh Trần Văn Thành
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » Năm 2015 - Mốc son tươi sáng của cuộc hành trình tín dụng chính sách
- » Tín dụng chính sách ở Long An sau khi có Chỉ thị của Đảng dẫn đường
- » Niềm vui ở Hợp tác xã Thanh Thanh
- » Mùa xuân bên những cánh rừng xanh
- » Niềm tin thoát nghèo
- » Cho vay để mua, thuê mua nhà ở xã hội qua NHCSXH: KỲ VỌNG TRONG XUÂN MỚI
- » Vốn vay ưu đãi đã cho mùa quả ngọt
- » Khi mùa xuân đến
- » Xuân ấm no của người nghèo
- » Kiến tạo sức bền cho nông thôn mới