Niềm vui ở Hợp tác xã Thanh Thanh
HTX năng động
Sau khi thành lập vào năm 2011, HTX đã có những bước phát triển ổn định, vững chắc, không chỉ tạo công ăn việc làm với mức thu nhập cao cho nhiều lao động địa phương mà còn là địa chỉ đào tạo nghề tin cậy cho nhiều hộ gia đình khác có cơ hội lập nghiệp.
HTX Thanh Thanh hiện có 24 xã viên, doanh thu chủ yếu từ gia công hàng thủ công mỹ nghệ. Theo ông Đoàn Thanh Tâm - Chủ tịch HTX Thanh Thanh, từ khi thành lập đến nay HTX đã gia công hàng trăm sản phẩm như giỏ, lẵng hoa, các sản phẩm trang trí trong gia đình… bằng các nguyên liệu sẵn có tại địa phương. Sự đồng thuận, nhiệt tình, nhạy bén và tay nghề vững vàng của các xã viên đã giúp HTX yên tâm trước những hợp đồng khó của đối tác nước ngoài. Từ đó, giúp HTX nâng cao chất lượng sản phẩm. Tuy doanh thu và các chỉ tiêu đạt được trong 4 năm còn khiêm tốn nhưng mỗi năm đều vượt kế hoạch đề ra. Chỉ tính riêng năm 2014, HTX đã sản xuất gia công gần 39.500 sản phẩm, doanh thu đạt gần 610 triệu đồng, đạt 141% kế hoạch.
Đáng chú ý, HTX Thanh Thanh là đơn vị góp phần giải quyết việc làm cho rất nhiều lao động tại địa phương. Hiện HTX có 70 lao động thường xuyên, thu nhập khoảng 2 triệu đồng/người/tháng. Anh Lê Văn Dũng ở ấp 1, xã Hoà Thạnh, huyện Tam Bình vui vẻ cho biết: “Làm các mặt hàng gia công đơn lẻ ở từng hộ gia đình vất vả lắm, luôn phải đối mặt với nỗi lo tiêu thụ sản phẩm, có khi hàng sản xuất ra nhưng không biết tiêu thụ cho ai, nhiều lúc phải bán qua thương lái bị ép giá nên càng làm càng lỗ. Nhưng bây giờ thì khác rồi, từ khâu thu mua nguyên vật liệu và bao tiêu sản phẩm đã có HTX lo cho, xã viên chúng tôi chỉ lo duy nhất một việc đó là làm việc cho tốt, đúng kỹ thuật, sản phẩm làm ra sẽ đưa đi xuất khẩu, giá cả bao giờ cũng cao hơn với giá ngoài thị trường. Bởi vậy, chúng tôi yên tâm lắm”.
Còn theo anh Bùi Văn Dũng ở xã Tân An Luông, huyện Vũng Liêm, tâm sự: “Tôi cảm thấy may mắn và trân trọng khi được HTX nhận vào làm việc với mức thu nhập 2 triệu đồng/tháng”.
Theo nhiều lao động khác tại đây thì trước khi vào làm việc cho HTX, họ đều là những lao động phổ thông, chưa có trình độ tay nghề. Thế nhưng, được HTX quan tâm, tạo điều kiện, trong quá trình vừa học vừa làm, họ đã trở thành những “hạt nhân” để duy trì sự phát triển của HTX.
Cũng theo ông Tâm thì trước khi vào HTX, các xã viên đều hoạt động trong lĩnh vực gia công đồ mỹ nghệ nhưng quy mô còn nhỏ lẻ, không đáp ứng được những đơn hàng lớn nên ai nấy cũng đều gặp khó khăn trong việc giữ nghề và duy trì cuộc sống thường ngày. Vì vậy, HTX Thanh Thanh ra đời nhằm mục đích giúp các xã viên có công việc ổn định cũng như cùng chung sức phát triển nghề nghiệp, hoạt động kinh doanh.
Điều đáng mừng là hiện nay, HTX không chỉ tạo công ăn việc làm ổn định cho 70 lao động địa phương với thu nhập 2 triệu đồng/người/tháng mà lợi nhuận của đơn vị cũng ước đạt hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Mặt khác, HTX còn là nơi đào tạo nghề tin cậy cho những lao động muốn học nghề. Những năm qua, hàng chục người khi tìm đến học nghề đã được HTX dạy nghề chu đáo, giờ đã trưởng thành tự mở các cơ sở gia công ngay tại nhà.
Nguồn vốn chính sách hỗ trợ kịp thời
Quả thật, rất nhiều lao động nhàn rỗi ở nông thôn đã được tạo công ăn việc làm, cho thu nhập ổn định. Đối với HTX Thanh Thanh không đặt lợi nhuận lên hàng đầu mà chủ yếu là tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho lao động. HTX thường mở các lớp dạy nghề để tăng số thợ lành nghề, đào tạo thêm kỹ thuật viên, đáp ứng nhiều đơn đặt hàng của nước ngoài.
Thời gian qua, HTX nhận được hỗ trợ rất nhiều từ các cấp, các ngành chức năng như: Hỗ trợ mở lớp dạy nghề; trang bị máy vi tính, máy in màu… Trong đó, nguồn vốn chính sách từ Quỹ quốc gia GQVL đã kịp thời hỗ trợ HTX rất nhiều. Năm 2014, khi HTX gặp khó khăn vì thiếu vốn mua nguyên vật liệu phục vụ sản xuất, nhờ NHCSXH cho vay 90 triệu đồng vốn ưu đãi, đã giúp HTX vượt qua khó khăn, ổn định sản xuất.
Qua tìm hiểu, bên cạnh sự quan tâm, tạo điều kiện của Nhà nước đặc biệt là vốn vay từ NHCSXH, HTX cũng luôn tích cực, chủ động, mạnh dạn đổi mới thiết bị công nghệ, từng bước nâng cao chất lượng, mẫu mã, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm cũng như coi trọng “chữ tín” với khách hàng.
Đối với tỉnh Vĩnh Long nói chung và NHCSXH tỉnh nói riêng thì chương trình cho vay GQVL cũng là một trong những chương trình mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần cùng địa phương giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, khôi phục và phát triển các ngành nghề truyền thống, hỗ trợ vốn cho các cơ sở SXKD và hộ gia đình mở rộng sản xuất. Được biết, đến hết năm 2015 tổng dư nợ cho vay 13 chương trình tín dụng chính sách tại NHCSXH tỉnh Vĩnh Long trên 1.381 tỷ đồng, trong đó chương trình cho vay GQVL hơn 93 tỷ đồng, hàng năm thu hút gần 5 nghìn lao động địa phương.
Bài và ảnh An Trần
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » Năm 2015 - Mốc son tươi sáng của cuộc hành trình tín dụng chính sách
- » Tín dụng chính sách ở Long An sau khi có Chỉ thị của Đảng dẫn đường
- » Mùa xuân bên những cánh rừng xanh
- » Niềm tin thoát nghèo
- » Cho vay để mua, thuê mua nhà ở xã hội qua NHCSXH: KỲ VỌNG TRONG XUÂN MỚI
- » Vốn vay ưu đãi đã cho mùa quả ngọt
- » Khi mùa xuân đến
- » Xuân ấm no của người nghèo
- » Kiến tạo sức bền cho nông thôn mới
- » Chuyện những người đi thắp lửa yêu thương