Vốn vay được quản lý hiệu quả

14/02/2016
(VBSP News) Trong nhiều năm qua, công tác ủy thác vốn vay NHCSXH tại huyện Long Mỹ (Hậu Giang) đã mang lại những kết quả rõ nét, giúp hội viên thoát nghèo, vươn lên phát triển kinh tế và góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội tại địa phương phát triển.
Có vốn ưu đãi, phụ nữ tại tỉnh Hậu Giang tích cực tăng gia sản xuất

Có vốn ưu đãi, phụ nữ tại tỉnh Hậu Giang tích cực tăng gia sản xuất

Bà Nguyễn Thị Thủy - Chủ tịch Hội Phụ nữ huyện Long Mỹ cho biết: “Để nâng cao ý thức trách nhiệm trong việc sử dụng nguồn vốn vay ưu đãi đối với công tác giảm nghèo và bảo đảm an sinh xã hội, hàng năm hội tổ chức tập huấn cho các cán bộ hội tại cấp xã, Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn, đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, giám sát nguồn vốn cho vay, đôn đốc hộ dân sử dụng vốn đúng mục đích. Nhờ vậy, đến nay hội đang quản lý 189 Tổ tiết kiệm và vay vốn, trên 8.617 hộ còn dư nợ với tổng số tiền gần 132 tỷ đồng”.

Thực tế cho thấy, nguồn vốn ủy thác qua các hội, đoàn thể tại huyện Long Mỹ đã và đang phát huy hiệu quả, tạo điều kiện cho các hội viên phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo. Nhờ tổ chức được mạng lưới 15 Điểm giao dịch tại xã, thị trấn trên toàn huyện cùng với thủ tục vay đơn giản, gọn nhẹ, người dân có điều kiện tiếp cận nguồn vốn ưu đãi để đầu tư SXKD, xây dựng công trình NS&VSMTNT, đặc biệt còn giúp các gia đình gặp hoàn cảnh khó khăn có điều kiện trang trải chi phí cho con học tập.

Đến nay, thực hiện chương trình ủy thác, các tổ chức hội, đoàn thể tại huyện Long Mỹ đang có dư nợ với NHCSXH gần 330 tỷ đồng với 21.641 hộ vay vốn tại 503 Tổ tiết kiệm và vay vốn. Việc sử dụng vốn vay đúng mục đích và đạt hiệu quả cao đã giúp nhiều gia đình thoát nghèo, vươn lên phát triển kinh tế, cải thiện đáng kể cuộc sống gia đình, giải quyết việc làm cho lao động nhàn rỗi tại địa phương. Bên cạnh đó, các cấp hội, đoàn thể còn phối hợp chặt chẽ với Trung tâm khuyến nông, lâm, ngư tổ chức tập huấn, hướng dẫn cho bà con hội viên ứng dụng các tiến bộ về KHKT vào chăn nuôi, trồng trọt. Nhờ vậy, hiệu quả của nguồn vốn vay chính sách ngày càng được nâng cao.

Có mặt tại xã Long Bình, huyện Long Mỹ - một trong những địa phương thực hiện tốt công tác ủy thác vốn vay NHCSXH, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Lê Thị Nhãn cho hay: “Gần 95% hộ dân trong xã sống bằng nghề nông nghiệp, những năm trước đây khi NHCSXH chưa có, nhiều hội viên rất khó khăn trong việc phát triển kinh tế, nguyên nhân là do thiếu vốn, nhưng từ khi có NHCSXH và được vay vốn ưu đãi, nhiều hội viên đã đưa các giống cây, con mới vào chăn nuôi, trồng trọt mở ra cơ hội thoát nghèo, vươn lên xây dựng đời sống mới. Hiện nay, hộ mới thoát nghèo đã được vay vốn tín dụng chính sách để tiếp tục đầu tư phát triển sản xuất, mức vay tối đa 50 triệu đồng. Đây thực sự là động lực giúp bà con có thêm vốn để phát triển sản xuất, nâng cao đời sống”.

Có thể nói, nhờ vốn vay mà có nhiều hộ nghèo đã thoát nghèo. Tiếp chúng tôi trong cửa hàng tạp hóa khá quy mô của mình, chị Trần Thị Nhiên ở ấp Bình Hòa, nói: “Hồi trước, cửa hàng này ọp ẹp lắm đâu có được như bây giờ. Gia đình tôi được vay vốn để đầu tư mua hàng hóa, nuôi lợn. Cơ sở buôn bán mới ngày được mở rộng, đời sống bớt khó khăn. Mới đây, tôi được vay vốn để cải tạo hơn 1 sào vườn tạp, gia đình tôi sẽ trồng cam. Hy vọng mô hình này sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao”. Không những vậy, hộ chị Nhiên còn được vay vốn để xây bể chứa nước sạch và làm công trình vệ sinh. Hiện tại, dư nợ của gia đình chị là trên 30 triệu đồng. Ý thức rõ trách nhiệm có vay, có trả nên chị luôn trả lãi đúng hạn và duy trì gửi tiết kiệm.

Để có được những hộ vay làm ăn hiệu quả, vượt khó như chị Nhiên, Hội Phụ nữ xã đã thường xuyên chỉ đạo các Tổ tiết kiệm và vay vốn bình xét, chọn đúng đối tượng thật sự có nhu cầu vốn và chí thú làm ăn, có mô hình cụ thể. Đồng thời, thường xuyên nhắc nhở, động viên các hộ vay vốn thực hiện đóng lãi, trả nợ đúng hạn, tham gia gửi tiết kiệm để có thể hoàn vốn. Bên cạnh đó, sâu sát và chỉ đạo nhanh chóng đối với những khoản nợ quá hạn, lãi tồn đọng, khó đòi. Đề xuất Tổ thu hồi nợ làm việc trực tiếp với các hộ có nợ, lãi khó đòi để hỗ trợ cho các Tổ tiết kiệm và vay vốn. Thường xuyên tổ chức các lớp hướng dẫn hộ vay kiến thức chăn nuôi, trồng trọt, chia sẽ kinh nghiệm làm ăn.

Chủ tịch Lê Thị Nhãn phấn khởi nói: “Thấy hội viên có vốn làm ăn khá giả chẳng có gì vui bằng. Tôi thấy mình đã giúp ích được cho bà con nên càng quyết tâm làm tốt. Hội nhận ủy thác nguồn vốn hiệu quả, vốn về nhiều, có nghĩa là cũng nhiều hộ sẽ có cơ hội thoát nghèo nhờ có vốn. Đối với hộ nghèo, khó khăn lắm mới tìm được nguồn vốn làm ăn. Chứ đa số họ không có tư liệu sản xuất và không có vốn để khởi nghiệp. Thiếu vốn là rào cản lớn nhất để hộ dân thoát nghèo”.

Hiện tại, dư nợ của xã Long Bình đạt trên 27 tỷ đồng, là một trong những địa phương thực hiện tốt việc cho vay vốn, thu lãi, thu nợ, tỷ lệ nợ quá hạn thấp. Riêng Hội Phụ nữ xã có số dư gần 22 tỷ đồng. Nợ quá hạn chỉ chiếm 0,58%/dư nợ, chủ yếu là nợ do vay vốn xuất khẩu lao động từ nhiều năm trước.

Giám đốc NHCSXH huyện Long Mỹ, Phạm Công Thảo cho biết: “Hoạt động vay vốn thông qua các tổ chức hội, đoàn thể được thực hiện chặt chẽ, các cấp hội tuân thủ đúng quy định những công đoạn, quy trình cho vay, bên cạnh đó các hội, đoàn thể cũng thường xuyên phối hợp với ngân hàng để tiến hành kiểm tra, giám sát vốn vay tại cơ sở. Vì vậy, vốn vay ưu đãi đang ngày càng phát huy hiệu quả, giúp người dân thoát nghèo và nâng cao chất lượng cuộc sống, góp phần bảo đảm an sinh xã hội tại địa phương”.

Bài và ảnh An Vũ

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác