Nơi gửi trọn niềm tin

13/02/2016
(VBSP News) Để thực hiện tốt chính sách tín dụng ưu đãi của Nhà nước, một trong những giải pháp căn bản, có hiệu quả thiết thực, phù hợp với thực tế là việc tổ chức thực hiện tốt mô hình Điểm giao dịch tại các xã, phường.
Thực hiện giao dịch tại các Điểm giao dịch xã là một trong những hoạt động chính và đặc thù của NHCSXH, giúp người nghèo tiết giảm nhiều chi phí đi lại

Thực hiện giao dịch tại các Điểm giao dịch xã là một trong những hoạt động chính và đặc thù của NHCSXH, giúp người nghèo tiết giảm nhiều chi phí đi lại

NHCSXH tỉnh Kiên Giang hiện có 145 Điểm giao dịch tại xã, phường, thị trấn với hơn 4.369 Tổ tiết kiệm và vay vốn. Hoạt động Tổ giao dịch được thực hiện nghiêm túc, đầy đủ theo đúng lịch trực và thời gian quy định, chấp hành tuyệt đối việc bảo đảm an toàn về người và tài sản trong quá trình giao dịch tại xã. Ngoài ra, các đơn vị tại cơ sở chủ động tăng cường thêm các phiên giao dịch bổ sung nhằm kịp thời đáp ứng nhu cầu giải ngân các chương trình tín dụng chính sách.

Từ nhiều năm nay, cứ đến ngày 8 hàng tháng, tất cả các Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn cũng như nhiều người dân trên địa bàn xã Dương Hòa, huyện Kiên Lương tập trung về Điểm giao dịch của NHCSXH tại trụ sở UBND xã để vay vốn, trả tiền vay, nộp lãi, gửi tiết kiệm…

Chủ tịch UBND xã Dương Hòa Ngô Văn Lũ, nhận định: “NHCSXH triển khai giao dịch tại xã đã tiết kiệm chi phí đi lại, thời gian của người nghèo. Sau khi giao dịch xong thì có cuộc họp nhận xét đánh giá giữa NHCSXH huyện với lãnh đạo UBND xã và các hội, đoàn thể để tìm giải pháp phát huy tốt nhất hiệu quả nguồn vốn chính sách. Từ đó, nhiều người dân trên địa bàn xã được tiếp cận nguồn vốn chính sách, có điều kiện phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo”.

Theo Chủ tịch Hội Nông dân xã Dương Hòa, Nguyễn Hải Nam: Hiện nay, Hội Nông dân đang quản lý 6 Tổ tiết kiệm và vay vốn có dư nợ hơn 4 tỷ đồng của NHCSXH. “Ðể Tổ tiết kiệm và vay vốn hoạt động hiệu quả thì mỗi tháng tất cả các khâu từ thu nợ, lãi, tiền gửi tiết kiệm phải được thực hiện một cách kịp thời, minh bạch và chặt chẽ. Ðiều đáng mừng là khi các Điểm giao dịch tại xã hoạt động, với thời gian cụ thể, cũng như có cán bộ ngân hàng đến giao dịch đã tạo điều kiện thuận lợi cho Ban quản lý Tổ tiết kiệm và vay vốn. Ngay tại Điểm giao dịch, các Tổ trưởng còn được NHCSXH hướng dẫn nghiệp vụ sổ sách cũng như triển khai nhiều chính sách mới”, ông Nam chia sẻ.

Ðược giao phụ trách địa bàn xã Bình Sơn, huyện Hòn Đất cứ đến ngày 25 hàng tháng, cán bộ tín dụng NHCSXH huyện Hòn Đất, Trần Huy Hoàng cùng một số cán bộ của đơn vị có mặt tại xã. Theo anh Hoàng, Điểm giao dịch xã Bình Sơn hoạt động rất hiệu quả, tạo thuận lợi cho người nghèo tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi của Nhà nước. Sau mỗi buổi giao dịch, cán bộ ngân hàng, các tổ chức hội, đoàn thể, cán bộ xã đều tổ chức họp để giải quyết những tồn tại, rút kinh nghiệm và cùng đưa ra những giải pháp thực hiện phù hợp.

Từ những hoạt động như vậy, Điểm giao dịch xã đã tạo điều kiện thuận lợi cho Ban giảm nghèo xã, các tổ chức nhận ủy thác và NHCSXH được thường xuyên tiếp xúc với người nghèo và các đối tượng chính sách khác, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của nhân dân. Qua đó, đưa ra các giải pháp cụ thể như lồng ghép tuyên truyền về các dự án SXKD, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi phù hợp, hướng dẫn sử dụng vốn có hiệu quả… để hỗ trợ các đối tượng vay vốn đầu tư phát triển kinh tế. Tuy còn nhiều khó khăn, nhưng xã sẽ tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện để NHCSXH phục vụ nhân dân tốt nhất.

Lâu nay, Điểm giao dịch NHCSXH tại xã Tân Thạnh, huyện An Minh đã trở thành địa chỉ quen thuộc với nhiều hộ dân, bởi nhờ đó, họ đã có cuộc sống mới, nhiều HSSV trong xã được tiếp tục đến trường. Chị Võ Thị Hoa ở thôn Xẻo Nhào A là một minh chứng. Đã có thời điểm, gia đình chị bị xếp là một trong những hộ nghèo nhất xã. Trong lúc chưa biết xoay xở thế nào để thoát nghèo, chị được Hội Phụ nữ xã giới thiệu và chỉ cách đến Điểm giao dịch xã làm thủ tục vay vốn hộ nghèo. Từ nguồn vốn ban đầu ấy, anh chị đầu tư mở rộng diện tích trồng rau màu ngắn ngày, chạy chợ buôn bán, lần hồi lấy công làm lãi, tích cóp thêm vốn rồi nhận thầu đầm cá, lập trang trại nuôi lợn, nuôi vịt. Bằng sức lao động chịu thương, chịu khó, vợ chồng chị đã làm nên điều kỳ diệu, xây dựng được cơ ngơi khang trang, bề thế. Chị bộc bạch: “Cuộc sống khá giả như hôm nay của gia đình tôi đều bắt đầu từ vốn vay ưu đãi hộ nghèo. Nếu không có sự giúp đỡ của ngân hàng, chẳng biết đến bao giờ nhà tôi mới thoát khỏi danh sách hộ nghèo”.

Gia đình chị Hoa chỉ là một trong số hàng nghìn hộ nghèo, gia đình chính sách của huyện An Minh được tiếp cận vốn vay NHCSXH tại những Điểm giao dịch xã. Với mục đích tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người nghèo được thụ hưởng nguồn vốn vay ưu đãi để đầu tư SXKD, cải thiện đời sống, các Điểm giao dịch xã sẽ góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn, tránh tình trạng cho vay chưa đúng đối tượng.

Thời gian tới, ngoài việc đầu tư có hiệu quả vào các chương trình kinh tế trọng điểm trên địa bàn, NHCSXH tỉnh Kiên Giang sẽ tiếp tục củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động uỷ thác qua các tổ chức hội, đoàn thể và các Điểm giao dịch cố định tại xã, phường, thị trấn; nâng cao chất lượng tín dụng, nhằm quản lý, sử dụng có hiệu quả nguồn vốn ưu đãi của Nhà nước, để phát triển các mô hình SXKD thực hiện công tác giải quyết việc làm, ổn định đời sống cho người dân.

“Từ những hoạt động như vậy, Điểm giao dịch xã đã tạo điều kiện thuận lợi cho Ban giảm nghèo xã, các tổ chức hội, đoàn thể nhận uỷ thác và NHCSXH được thường xuyên tiếp xúc với người nghèo và các đối tượng chính sách nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng của nhân dân. Qua đó, đưa ra các giải pháp cụ thể như lồng ghép tuyên truyền về các dự án SXKD, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp, hướng dẫn sử dụng vốn hiệu quả… để hỗ trợ các đối tượng vay vốn đầu tư phát triển kinh tế”, anh Trần Huy Hoàng - cán bộ NHCSXH phụ trách xã Bình Sơn nhận xét.

Trưởng phòng KHNVTD NHCSXH tỉnh Kiên Giang, Nguyễn Thị Mỹ Nương nhận định, hầu hết các Điểm giao dịch xã hoạt động ổn định, mang lại hiệu quả cao. Thông qua các hoạt động tại Điểm giao dịch, ngân hàng vừa tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ vay, nhất là ở những địa bàn vùng sâu, vùng xa, vừa tăng cường theo dõi quản lý, kiểm tra, giám sát đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội của cấp uỷ, chính quyền cơ sở.

“Thời gian tới, ngoài việc đầu tư hiệu quả vào các chương trình kinh tế trọng điểm trên địa bàn, NHCSXH tỉnh Kiên Giang sẽ tiếp tục củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động uỷ thác qua các tổ chức hội, đoàn thể và các Điểm giao dịch tại xã, phường, thị trấn. Ðồng thời, nâng cao chất lượng tín dụng nhằm quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn vốn ưu đãi của Nhà nước, phát triển các mô hình SXKD, thực hiện công tác giải quyết việc làm, ổn định đời sống cho người dân”, bà Mỹ Nương cho hay.

Bài và ảnh Thành Văn

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác