Chuyện giảm nghèo ở một vùng biên giới Tây Nguyên
Chính Điểm giao dịch lưu động của NHCSXH đặt tại trụ sở UBND xã đã làm cho quy trình cho vay, thu hồi nợ vốn tín dụng chính sách ở nơi có tỷ lệ hộ nghèo cao, tập trung chủ yếu là vùng đồng bào các dân tộc Ba Na, Gia Rai, Xê Đăng… được triển khai kịp thời, khách quan. Ông Pui Lách - Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Bơ Ngoong, cho biết: “Từ khi NHCSXH mở Điểm giao dịch mỗi tháng vào một ngày cố định ngay tại địa phương nên bà con các buôn, làng chúng tôi đã không mất thời gian đi hàng chục cây số đường rừng để làm thủ tục vay vốn hoặc trả nợ, nộp lãi nữa. Rất tiện ích và cũng đỡ vất vả nhiều”.
Bên cạnh đó là mô hình cho vay uỷ thác qua các tổ chức hội, đoàn thể của NHCSXH huyện Chư Sê cũng được đẩy mạnh đã giúp cho mối quan hệ giữa ngân hàng với cấp uỷ, chính quyền, đoàn thể cơ sở và người dân thêm gần gũi, gắn bó. Tiêu biểu như Hội Phụ nữ các cấp trên địa bàn không chỉ tìm ra nguyên nhân đói nghèo do tình trạng thiếu vốn sản xuất mà còn có nhiều giải pháp tích cực hỗ trợ hội viên nghèo, cận nghèo vay vốn, sử dụng vốn vay chính sách vào phát triển kinh tế, cải thiện chất lượng cuộc sống một cách hiệu quả. Hội Phụ nữ xã Ia - Blang thường xuyên vận động chị em tham gia Tổ tiết kiệm và vay vốn, cùng giúp nhau vay vốn chính sách đầu tư vào sản xuất, kinh doanh, giảm nghèo. Năm 2014, đã có trên 100 hộ gia đình hội viên phụ nữ nơi đây được hưởng lợi từ chính sách tín dụng ưu đãi và 68% hộ vay thoát nghèo bền vững, góp phần tích cực vào công tác giảm nghèo của xã Ia - Blang xuống còn 8,5% với gần 300 hộ. Chị Siu Lơng - Chủ tịch Hội Phụ nữ xã, chia sẻ: “Chỉ riêng việc NHCSXH thực hiện uỷ thác qua các hội, đoàn thể và tổ chức Điểm giao dịch tại xã đã có tác dụng rất thiết thực, to lớn, hỗ trợ kịp thời tầng lớp người nghèo có điều kiện về vốn chủ động sản xuất, kinh doanh, đặc biệt tạo sự chuyển biến nhận thức của chị em từ lúc họ không biết sử dụng đồng tiền, ngại ngần cả sự vay mượn, kể cả nguồn vốn vay ưu đãi của Nhà nước, thì nay không chỉ mạnh dạn vay vốn, lại còn biết cách sử dụng tiền vay trồng bắp, cà phê, nuôi bò, bê, heo nái, thoát dần cảnh nghèo khó.
Chị Siu Lơng cũng dẫn chứng một số điển hình trong phong trào phụ nữ xã Ia - Blang vay vốn chính sách giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi, như chị Đinh Nết, người Ba Na ở thôn 3 được vay 30 triệu vốn chính sách của chương trình tín dụng hộ nghèo từ năm 2011 để đầu tư trồng 2ha mía, bắp lai. Sau 3 năm, trừ chi phí chị đã thu nhập 50 - 60 triệu đồng mỗi vụ; chị Lường Hòa Phượng, dân tộc Thái từ Lai Châu vào Tây Nguyên xây dựng kinh tế mới cũng sử dụng vốn vay của NHCSXH nuôi bò vỗ béo và thâm canh 100 trụ hồ tiêu, nay đang phát triển tốt.
Đồng vốn chính sách đã và đang tạo điều kiện cho người nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện Chư Sê vươn lên làm giàu, giảm nghèo bền vững, thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới ở một vùng biên giới Tây Nguyên.
Bài và ảnh Hoàng Thủy
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » Chuyển động giữa cù lao sông Hậu
- » Bản Mường nay đã khác xưa
- » Vượt khó từ “cú hích” 15 triệu đồng
- » Hội CCB huyện Chơn Thành vì hội viên nghèo
- » Người phụ nữ làm “cầu nối” chuyển vốn chính sách ở Tiên Phước
- » Cho vay HSSV ở Yên Mô
- » Vốn vay ưu đãi giúp người dân vùng biên yên tâm sản xuất
- » Người nghèo ở Krông Nô sử dụng hiệu quả đồng vốn vay
- » Xã Ia Krăi vươn lên thoát nghèo
- » Vào mùa giải ngân vốn HSSV