Đồng bào dân tộc thiểu số ở Nghệ An thoát nghèo nhờ vốn vay ưu đãi
Ở bản Hoa Sơn, xã Tà Cạ, huyện Kỳ Sơn, ông Lương Văn Hoan là điển hình về việc sử dụng vốn vay hiệu quả, vượt khó làm giàu. Ông Hoan tâm sự: “Trước đây, gia đình chỉ quen canh tác theo tập quán cũ nên cuộc sống quanh năm thiếu thốn, đói ăn triền miên. Năm 2009, được vay 15 triệu đồng của NHCSXH, tôi mua 2 con bê về nuôi, sau một thời gian chăm sóc, đàn bò tăng lên 10 con. Cùng với chăm sóc đàn bò, tôi cũng dành công sức, tiền vốn trồng hơn 1ha cỏ voi để chủ động nguồn thức ăn cho gia súc”. Hiện, ông Hoan đã tạo dựng cho mình trang trại tổng hợp có doanh thu khoảng 200 triệu đồng/năm.
Ông Vừ Giả Mùa, dân tộc Mông ở Sơn Hà cũng là điển hình trong sử dụng vốn hiệu quả ở Kỳ Sơn. Năm 2010, ông Mùa vay 25 triệu đồng từ chương trình cho vay hộ nghèo của NHCSXH. Vừa làm vừa học hỏi, lại được cán bộ khuyến nông hướng dẫn ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất nên trang trại của ông không ngừng phát triển. Trên vùng đất đồi rộng chưa đến 1,5ha, ông đã biết cách xây dựng chuồng trại nuôi trâu, bò, lợn. Mặt khác, ông sử dụng vốn vay ưu đãi hợp lý mua cây, con giống tốt về nuôi - trồng và cấy 3 sào lúa thơm. Đến nay, trang trại tổng hợp của ông có 10 con trâu, bò cùng với hồ cá, ruộng lúa, mỗi năm cho thu nhập trên 150 triệu đồng. Gia đình ông Mùa đã thoát nghèo và trả hết nợ ngân hàng trước kỳ hạn 4 tháng.
Nguồn vốn ưu đãi không chỉ giúp đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện Kỳ Sơn phát triển kinh tế mà tại các huyện miền núi khác của Nghệ An như Quỳ Hợp, Quế Phong, Tương Dương,… cũng có hàng trăm, hàng nghìn mô hình phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo của đồng bào dân tộc thiểu số, giúp đồng bào cải thiện một bước đáng kể cả về đời sống vật chất và tinh thần, từng bước thoát nghèo, vươn lên khá - giàu.
Sau 5 năm nỗ lực thực hiện các chính sách dành cho vùng dân tộc miền núi, đời sống của đồng bào vùng dân tộc thiểu số trên địa bàn Nghệ An đã không ngừng tăng lên, thu nhập bình quân từ 4,5 triệu đồng/người (năm 2007) tăng lên gần 10 triệu đồng/người (năm 2013); 100% số xã vùng đồng bào dân tộc có trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở và các cụm trung học, bán trú, nội trú; số phòng học được kiên cố hóa đạt trên 70%.
Hiệu quả của chương trình không chỉ dừng lại ở mặt kinh tế, mà còn tác động đến nhận thức của người dân. Đời sống của đồng bào được nâng lên đáng kể, bà con yên tâm làm ăn, xây dựng cuộc sống, trình độ dân trí được nâng lên, các hủ tục lạc hậu, tệ nạn xã hội và nạn du canh, du cư dần được hạn chế…
Bài và ảnh Hà Tuyên
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » THÔNG BÁO TUYỂN DỤNG (Đợt II năm 2014)
- » Từ “Hũ gạo của Bác Hồ” nghĩ đến việc tiết kiệm của người nghèo
- » Đoàn kiểm tra giám sát HĐQT NHCSXH làm việc với tỉnh Lâm Đồng
- » NHÂN RỘNG MÔ HÌNH CHỦ TỊCH XÃ THAM GIA BAN ĐẠI DIỆN HĐQT NHCSXH CẤP HUYỆN (Bài 2: Người trong cuộc nói gì?)
- » NHÂN RỘNG MÔ HÌNH CHỦ TỊCH XÃ THAM GIA BAN ĐẠI DIỆN HĐQT NHCSXH CẤP HUYỆN (Bài 1: Ngân hàng và Chính quyền cùng quản lý vốn)
- » Giải pháp giúp nông dân Thái Bình thoát nghèo bền vững
- » NHCSXH tỉnh Hưng Yên: Nợ quá hạn chỉ có 0,084% trên tổng dư nợ
- » Hỗ trợ vốn giải quyết việc làm cho lao động nông thôn Hà Nam
- » Quảng Nam giúp thanh niên lập nghiệp
- » Phụ nữ Phong Thổ chăn nuôi giỏi