Làm giàu ở vùng Đồng Tháp Mười
Năm 2001, dù mới 22 tuổi với “tài sản” duy nhất là hai bàn tay trắng, chàng trai trẻ Phan Văn Chừng vẫn quyết định dắt vợ và đứa con nhỏ rời xa xóm nghèo ngoại ô TP. Cần Thơ chuyển vào vùng đất sình lầy, hoang vắng giữa Đồng Tháp Mười để khai hoang nhằm thay đổi cuộc sống. Hai năm đầu, do không có đất sản xuất nên vợ chồng anh chỉ biết làm thuê, chẳng nề hà việc gì. Dần dần tích cóp được ít tiền, anh mua ngay sào ruộng.
Anh Chừng cho biết, vùng đất này trước đây chua phèn nặng và hoang hoá nhiều nên mua cũng dễ dàng. May mắn nữa là vào thời điểm đó, NHCSXH vừa thành lập đã giúp đỡ hầu hết bà con dân nghèo trong đó có gia đình anh được vay vốn ngay từ đợt đầu tiên. Nhận 8 triệu đồng vay của ngân hàng với lãi suất thấp, vợ chồng anh bắt tay ngay vào mua vật tư, giống mới để gieo sạ trên 7 sào ruộng lúa. Thời gian qua, nhờ siêng năng chịu khó, biết tính toán và sử dụng vốn vay ưu đãi đúng mục đích, diện tích lúa của gia đình anh không chỉ tăng dần từ vài sào lên vài ha, mà còn cho năng suất cao nhất vùng. Vụ đông xuân đạt 9 tấn/ha, hè thu cũng khoảng 6 - 7 tấn/ha. Chỉ tính riêng lúa 2 vụ mỗi năm anh thu gần 400 triệu đồng. Được mùa lúa, anh Chừng trả hết nợ vay ngân hàng, mua sắm máy cắt, máy đập lúa, thuyền gắn máy phục vụ sản xuất nông nghiệp, đồng thời vay tiếp 30 triệu đồng của NHCSXH huyện Tam Nông để chuyển sang đầu tư nuôi thêm cá lóc giống. Sau gần 10 tháng nuôi, anh thu hoạch cá bán được cả trăm triệu đồng tiền lời. Anh Chừng bộc bạch: “Tôi đã đầu tư toàn bộ vốn vay NHCSXH và tiền lãi từ nghề trồng lúa để mở rộng hệ thống ao nuôi cá lóc được thiết kế cống thông nhau, trang bị máy nghiền thức ăn, bờ bao xây cao và trải bê tông thuận tiện cho việc thâm canh nuôi cá”.
Đến nay, cùng với những ruộng lúa cao sản, gia đình anh đã có một cơ ngơi đồ sộ với một trang trại rộng có tổng diện tích mặt nước gần 3ha nuôi cá lóc thâm canh. Bình quân mỗi năm trang trại của anh đã cung cấp cho thị trường hơn 60 tấn cá lóc thương phẩm giải quyết công việc thường xuyên cho 20 lao động trong ấp.
Rõ ràng, từ 3 lần liên tiếp được NHCSXH giúp đỡ, tiếp sức cho vay vốn, kể cả lần vay vừa qua với số tiền lên đến 200 triệu đồng từ chương trình giải quyết việc làm, anh Phan Văn Chừng đã vươn lên thoát nghèo, làm giàu và trở thành tấm gương điển hình trong phong trào sử dụng vốn tín dụng ưu đãi đạt hiệu quả cao giữa vùng Đồng Tháp Mười. NHCSXH thật sự làm động lực chính cho phong trào phát triển kinh tế, nâng cao đời sống người dân vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.
CTV
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » Niềm vui đổi đời
- » NHCSXH huyện Giao Thủy góp phần xây dựng Nông thôn mới
- » Vai trò của Điểm giao dịch
- » Nước sạch về vùng lũ
- » Người dân Phú Lương cần "cần câu" hơn "con cá"
- » Thoát nghèo từ đồng vốn vay
- » Uỷ viên HĐQT NHCSXH, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Kim Thúy kiểm tra, giám sát tại NHCSXH tỉnh Bắc Kạn
- » Đại tâm đã chuyển mình...
- » Hạ Long giảm nghèo bền vững
- » Mở hướng để thoát nghèo