Quản Bạ khai thác tiềm năng

13/06/2013
(VBSP News) Với đặc thù dân số chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số, trình độ dân trí thấp, đất canh tác ít, huyện Quản Bạ (Hà Giang) rất khó khăn để phát triển sản xuất và chuyển đổi cơ cấu kinh tế. Được sự quan tâm của Đảng và Chính phủ, nhiều năm qua lãnh đạo huyện đã nỗ lực tìm kiếm nhiều phương án thoát nghèo cho bà con các dân tộc, hướng tới làm giàu trên chính mảnh đất quê hương của mình.
Phát triển cây dược liệu gắn với xóa nghèo tại 6 huyện 30a

Phát triển cây dược liệu gắn với xóa nghèo tại 6 huyện 30a

Quản Bạ là cửa ngõ của cao nguyên đá Đồng Văn. Song song với phát triển du lịch, để phát huy hết tiềm năng sẵn có của mình, Quản Bạ đã tập trung chỉ đạo các xã đầu tư phát triển kinh tế theo lợi thế địa phương, như: phát triển cây thảo quả ở các xã Cao Mã Pờ, Bát Đại Sơn, Tùng Vài, Tả Văn… Bởi, nơi đây còn nhiều diện tích rừng nguyên sinh, quanh năm mây mù bao phủ, phù hợp với sự phát triển của cây thảo quả, một loại cây dược liệu, có thị trường tiêu thụ lớn, bình quân cho thu nhập 20 - 35 triệu đồng/ha. Hiện nay, Quản Bạ có 2.080ha/tổng số 8.000ha thảo quả toàn tỉnh. Thảo quả đã thực sự trở thành cây xóa nghèo và làm giàu của người dân Quản Bạ nói riêng và Hà Giang nói chung. Khác với các xã ở vùng rừng nguyên sinh, xã Quyết Tiến lại có thuận lợi về trồng rau, hoa; xã Tam Sơn, Nghĩa Thuận có lợi thế về cây hồng không hạt; xã Thanh Văn mạnh về chăn nuôi bò; thôn Nặm Đăm, thị trấn Quản Bạ có lợi thế về làng văn hóa - du lịch cộng đồng dân tộc Dao… Từ khoanh vùng thế mạnh để đầu tư có trọng tâm, trọng điểm đã giúp cho các xã có hướng đi đúng trong phát triển kinh tế. Theo đó, nhiều hộ đã mạnh dạn vay vốn ngân hàng để đầu tư phát triển kinh tế gia đình dựa trên tiềm năng phát triển kinh tế của vùng. Ông Vàng Chúa Giàng, ở thôn Giàng Chù Phìn, xã Cán Tỷ là một ví dụ. Ông Giàng cho biết: “Cách đây vài năm gia đình tôi gặp nhiều khó khăn, được NHCSXH huyện Quản Bạ cho vay 15 triệu đồng, tôi đầu tư nuôi bò theo 2 cách: mua bò gầy về vỗ béo bán lấy lãi và nuôi bò sinh sản kết hợp trồng cỏ. Một con bò gầy mua về, vỗ béo trong thời gian từ 3 - 6 tháng, mỗi tháng thu lãi 300 - 600 ngàn đồng/con. Có những lúc số lượng bò trong chuồng của gia đình lên tới 20 con, cứ thế thu nhập của gia đình ngày một tăng, cuộc sống được cải thiện với doanh thu 50 - 60 triệu đồng/năm. Đến nay, gia đình tôi không chỉ thoát được nghèo mà còn trở nên khá giả”. Ước tính, mỗi năm huyện Quản Bạ xuất bán cho thương lái ngoài huyện khoảng trên 3 nghìn con trâu, bò và dê, thu về trên 12 tỷ đồng, góp phần cải thiện đời sống người dân và phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Để chăn nuôi trâu, bò trở thành ngành sản xuất chính, chiếm tỷ trọng cao trong thu nhập nông - lâm nghiệp, huyện Quản Bạ đã đề ra kế hoạch hỗ trợ, tạo điều kiện cho hàng trăm hộ vay vốn mua trâu, bò từ NHCSXH với số vốn cho vay hàng chục tỷ đồng; xây dựng nhiều trang trại gắn với trồng cỏ; mỗi mô hình có ít nhất 7 - 10 con trâu, bò và trồng 1ha cỏ trở lên. Mức cho vay hộ nghèo từ 2,2 triệu đồng (2003) đã được tăng lên 16,4 triệu đồng/hộ (2012). Huyện đã xây dựng dự án chuyển đổi một nghìn ha đất nông nghiệp hiệu quả kinh tế thấp sang trồng cỏ gắn với chăn nuôi gia súc, nâng diện tích đất trồng cỏ đạt trên 3.000ha, hình thành vùng chuyên canh cỏ, với 2 loại chủ yếu là cỏ voi và cỏ Goa-tê-ma-la, năng suất bình quân đạt khoảng 40 tấn/ha, đủ nuôi 8 - 10 con trâu, bò. Theo tính toán của bà con dân tộc, trồng cỏ chăn nuôi cho thu nhập 10 - 20 triệu đồng/năm, cao hơn so với trồng ngô trên cùng một diện tích khoảng 4 triệu đồng. Từ  việc phát triển chăn nuôi trâu, bò hàng hóa kết hợp với trồng cỏ đã có rất nhiều hộ gia đình thu nhập từ 20 - 25 triệu đồng/năm. “Đây là hướng đi đúng trong xóa nghèo bền vững và phát triển kinh tế ở huyện Quản Bạ” - Bí thư huyện ủy Phạm Hồng Thu khẳng định.

Theo kết quả khảo sát của Bộ Y tế, Viện Dược liệu Trung ương và Viện Rau quả Trung ương: vùng đất khí hậu nhiệt đới, thổ nhưỡng chủ yếu là các loại đất xám ở một số huyện của Hà Giang rất phù hợp để trồng cây dược liệu. Nhận thấy xã Quyết Tiến là vùng đất có khả năng phát triển khu trồng dược liệu, đáp ứng được nguồn cung trong nước và xuất khẩu, đầu năm 2012, công ty Cổ phần thương mại công nghệ Bình Minh (trụ sở chính tại quận Long Biên, Hà Nội) đã đầu tư, tiến hành triển khai dự án “rau, hoa, cây dược liệu”, với diện tích 100ha. Từ kết quả bước đầu khả quan, tháng 5 vừa qua, được Chính phủ cho phép, tỉnh Hà Giang và công ty này đã tổ chức lễ khởi công dự án Khu ứng dụng công nghệ cao sản xuất rau, hoa, cây dược liệu, cây ăn quả theo hướng VietGap và dịch vụ thương mại nông nghiệp tại xã Quyết Tiến ra phạm vi toàn tỉnh. Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang Đàm Văn Bông nhấn mạnh: xã Quyết Tiến sẽ mở đầu cho việc triển khai dự án: “Phát triển cây dược liệu gắn với xóa nghèo tại 6 huyện 30a” của Hà Giang (gồm Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc, Hoàng Su Phì và Xín Mần) với quy mô trên 10.000ha. Từ đó, sẽ giải quyết việc làm cho khoảng 50.000 lượt lao động là đồng bào dân tộc thiểu số Hà Giang hàng năm, góp phần tăng mức thu nhập bình quân của tỉnh (mức thu nhập dự kiến đạt khoảng 150 - 200 triệu đồng/ha). Góp phần không nhỏ trong công cuộc phát triển kinh tế, xóa nghèo tại Hà Giang - một tỉnh địa đầu cực Bắc của Tổ quốc!

Bài và ảnh Minh Châu

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác