Tín dụng chính sách xã hội - Động lực phát triển bền vững “Đất sen hồng”

02/10/2022
(VBSP News) Sau 20 năm hình thành và phát triển, tín dụng chính sách xã hội tại tỉnh Đồng Tháp là một minh chứng sinh động cho một mô hình ngân hàng chuyên biệt vì người nghèo và đối tượng chính sách "để không ai bị bỏ lại phía sau" mà Chính phủ đã giao trọng trách cho cán bộ, nhân viên NHCSXH nơi đây.
A16a

NHCSXH tỉnh Đồng Tháp 20 năm đồng hành cùng người nghèo
                                                                                                                                            Ảnh: TTXVN

Không để ai bị bỏ lại phía sau 

Trong 20 năm qua, Việt Nam đã 6 lần điều chỉnh chuẩn hộ nghèo nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống cho người nghèo, theo mức tương ứng với tốc độ phát triển kinh tế - xã hội, đúng với phương châm “không để bị bỏ lại phía sau”. Điều này cũng đòi hỏi các chính sách tín dụng cần mở rộng linh hoạt, đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng đời sống cho người dân ở từng khu vực. Đơn cử tại tỉnh Đồng Tháp, từ 2 chương trình tín dụng ban đầu đến nay chi nhánh NHCSXH tỉnh đang thực hiện 17 chương trình tín dụng, tạo thành một hệ sinh thái trợ giúp người nghèo và các đối tượng chính sách vươn lên trong cuộc sống.

Như hộ ông Trần Quốc Việt, sinh năm 1972 ở ấp Long Thới, xã Long Thuận, huyện Hồng Ngự. Cuộc sống của 2 vợ chồng ông và 3 người con chỉ trông vào việc làm thuê nên bấp bênh, chật vật, bữa nay lo bữa mai. Vì vậy, khi người con lớn Trần Quốc Vỹ vừa trúng tuyển vào Ngành công nghệ kỹ thuật ô tô tại Đại học Nông lâm TP Hồ Chí Minh, để có thể được tiếp tục học tập, ông tính vay NHTM, nhưng cả gia sản chỉ có vỏn vẹn căn nhà gỗ và 2 cái ao chưa tới 700 mét vuông, không đủ để thế chấp. “Đang lúc bế tắc, tôi được chính quyền, hội nông dân tư vấn và giới thiệu tôi vay vốn HSSV tại NHCSXH huyện Hồng Ngự. Không chỉ được vay 44 triệu đồng cho con ăn học, mà còn tạo điều kiện cho gia đình vay 20 triệu đồng từ chương trình hộ nghèo để cải tạo lại ao nuôi có sẵn và đầu tư nuôi cá tra, cá trê”, ông Việt kể. Thêm một vòng vay 40 triệu đồng từ chương trình hộ nghèo để mở rộng mô hình nuôi cá trê tại 2 ao diện tích 700 mét vuông của gia đình. Cuối năm 2018, gia đình ông thoát khỏi danh sách hộ nghèo và năm 2019 thoát hộ cận nghèo.

Con trai lớn của ông ra trường có việc làm ổn định đã phụ giúp lo cho em là Trần Quốc Khang vào học Đại học Tôn Đức Thắng, chuyên ngành Kỹ thuật điều khiển và tự động hóa máy móc cùng 15 triệu đồng chương trình HSSV để trang trải chi phí học tập. Tiếp đó, cùng với việc NHCSXH cho vay 58 triệu đồng, ông đã cho con thứ hai đi lao động tại Nhật Bản vào tháng 6/2019, sau 3 năm làm việc ở nước ngoài con ông được tiếp tục gia hạn hợp đồng làm việc thêm 2 năm tại Nhật Bản mức lương bình quân 30 triệu đồng/tháng.

A71a

Tín dụng chính sách xã hội tạo điều kiện cho nông dân làng hoa Sa Đéc mở rộng diện tích
                                                                                                                                                      Ảnh: TTXVN

Theo hiệu ứng của dòng vốn qua năm tháng nghèo khó tạm lắng, chất lượng sống được nâng lên, bởi vậy, việc NHCSXH nâng mức vay và thời hạn cho vay của nhiều chương trình tín dụng đã giúp giấc mơ ấp ủ khởi nghiệp của nhiều người trở thành sự thật. Như trại nấm của anh Trần Phong Nhã. Với nguồn vốn vay 170 triệu đồng từ NHCSXH, từ cơ sở ban đầu chỉ 3 trại nấm nay đã nâng lên 15 trại nấm. Vừa phát triển kinh tế hộ gia đình, vừa giải quyết việc làm cho hàng chục lao động tại địa phương.

Hay như đại dịch Covid-19 ập đến, dòng chảy kinh tế - xã hội bị chững lại, nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh tạm ngừng, việc học hành của con em phải chuyển sang học trực tuyến. Nguồn vốn chính sách tiếp tục gánh vác vai trò mới, tiếp sức doanh nghiệp khôi phục kinh doanh, đồng hành cùng trẻ em trong việc học trực tuyến. Ví như chương trình cho người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất, với số tiền cho vay trên 27 tỷ đồng; Chương trình tín dụng HSSV để mua máy tính, thiết bị phục vụ học tập trực tuyến, với doanh số cho vay 21 tỷ đồng.

Giải pháp có tính lâu dài, bền vững

Đặc biệt, dưới ánh sáng của Chỉ thị số 40 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, sự gắn kết giữa người dân với chính quyền, tổ chức đảng, các tổ chức chính trị - xã hội thành một khối đã góp phần mở rộng nâng cao chất lượng tín dụng chính sách xã hội. Hơn thế, từ việc lãnh đạo cấp ủy trực tiếp nắm bắt tình hình lao động, sản xuất, tâm tư tình cảm của người dân nói chung, nguồn vốn ủy thác của địa phương uỷ thác sang NHCSXH tăng mạnh, với nhiều chương trình đáp ứng yêu cầu đặc thù địa phương, cộng hưởng thêm sức mạnh cho một chương trình mang đầy tính nhân văn và thiết thực mà Chính phủ dành cho người nghèo và các đối tượng chính sách. Tính đến thời điểm hiện tại, nguồn vốn ủy thác tại địa phương đạt 507,2 tỷ đồng (trong đó nguồn vốn nhận ủy thác từ ngân sách tỉnh là 405,8 tỷ đồng, nguồn vốn nhận ủy thác từ ngân sách cấp huyện là 101,4 tỷ đồng). Tính riêng 7 năm triển khai Chỉ thị số 40, UBND tỉnh, huyện đã cân đối ngân sách ủy thác sang NHCSXH với số tiền 455 tỷ đồng.

Nguồn lực tín dụng chính sách xã hội thực sự góp phần tích cực giảm áp lực ngân sách của địa phương trong thực hiện các chương trình mục tiêu, kế hoạch của tỉnh, đặc biệt chính sách về nông dân, nông thôn và vùng khó khăn, biên giới. Qua 20 năm thực hiện tín dụng chính sách xã hội theo Nghị định số 78/2002/NĐ-CP, chi nhánh NHCSXH tỉnh Đồng Tháp đã hỗ trợ vốn cho 798.269 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác với doanh số cho vay đạt 10.909 tỷ đồng tại 100% xã, phường, thị trấn của tỉnh góp phần giúp cho gần 800 nghìn lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn phát triển sản xuất; giúp cho trên 143 nghìn hộ thoát nghèo, giải quyết việc làm cho trên 82 nghìn lao động; hỗ trợ gần 10 nghìn người lao động được vay vốn đi làm việc ở nước ngoài; xây mới và cải tạo trên 367 nghìn công trình nước sạch và vệ sinh môi trường; hỗ trợ trên 367 nghìn HSSV có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập, không để HSSV nào phải bỏ học vì khó khăn về tài chính; hỗ trợ trên 2.100 hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn vay vốn để mua máy tính, thiết bị phục vụ học tập trực tuyến cho HSSV; hỗ trợ xây dựng trên 11.800 căn nhà cho hộ nghèo và xây dựng 320 căn nhà cho hộ gia đình có thu nhập thấp theo Nghị định 100/2015/NĐ-CP và Nghị định 49/2021/NĐ-CP của Chính phủ.

“Những kết quả đạt được trong 20 năm qua đã khẳng định tín dụng chính sách xã hội thực sự đi vào cuộc sống, được mọi tầng lớp nhân dân đồng tình, ủng hộ, trở thành công cụ, giải pháp có tính lâu dài, bền vững, góp phần thực hiện thắng lợi các Chương trình mục tiêu quốc gia cũng như các chương trình, kế hoạch, mục tiêu về phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong từng giai đoạn, nhất là trong bối cảnh phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19; đã đáp ứng được nguyện vọng của nhân dân, đặc biệt là các tầng lớp dân cư có thu nhập thấp, góp phần tạo thêm công ăn việc làm, nâng cao sức sản xuất hàng hóa, cải thiện đời sống, ổn định trật tự xã hội tại địa phương, góp phần hạn chế “tín dụng đen” trên địa bàn, đặc biệt là ở khu vực nông thôn, giảm tỷ lệ hộ nghèo, giảm tỷ lệ thất nghiệp”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh kiêm Trưởng Ban đại diện HĐQT chi nhánh NHCSXH tỉnh Đồng Tháp Đoàn Tấn Bửu ghi nhận.

Tín dụng chính sách xã hội đã góp phần làm giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn trong từng giai đoạn: 2011 - 2015 tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 15,73% xuống còn 3,68%. Giai đoạn 2016 - 2020 tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 9,98% xuống còn 1,86%; hộ nghèo giai đoạn 2021 - 2025 của tỉnh Đồng Tháp là 13.971 hộ, chiếm tỷ lệ 3,13% trên tổng số hộ dân. Hiện nay, tỉnh Đồng Tháp có có 103/117 xã, 05/12 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới và có 10 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao; có 38 làng nghề, làng nghề truyền thống được công nhận; toàn tỉnh hiện có 269 sản phẩm, dịch vụ OCOP, trong đó có 208 sản phẩm đạt chuẩn 3 sao và 61 sản phẩm đạt chuẩn 4 sao.

IMG_4471a

Tín dụng chính sách xã hội góp phần giúp cho Đồng Tháp có hàng trăm sản phẩm, dịch vụ OCOP
                                                                                                                                                                     Ảnh: Thái Hoà

Tính đến thời điểm hiện tại, tổng dư nợ cho vay tại Đồng Tháp đạt 4.200 tỷ đồng (tăng hơn 22 lần so với thời điểm nhận bàn giao), giúp cho trên 800 ngàn lượt hộ vay vốn, góp phần thực hiện mục tiêu đưa tỷ lệ hộ nghèo đến 2025 còn dưới 3%. Cùng với sự cố gắng, nỗ lực của cả tập thể chi nhánh NHCSXH tỉnh và hệ thống chính trị trong những năm tới, nguồn vốn chính sách sẽ tiếp tục là động lực hỗ trợ Đồng Tháp thực hiện tốt mục tiêu về chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nhất là khu vực nông nghiệp - nông thôn; duy trì các làng nghề, làng nghề truyền thống; khuyến khích phát triển các khu sản xuất tập trung, ứng dụng công nghệ KHKT và các vùng sản xuất nông nghiệp sạch, các sản phẩm dịch vụ OCOP, góp phần phát huy tài nguyên bản địa từ những giá trị truyền thống xây dựng hình ảnh con người Đồng Tháp “Nghĩa tình - năng động - sáng tạo”.

Hồng Ngự

Các tin bài khác