Nguồn lực quan trọng cho công cuộc giảm nghèo ở Lào Cai
Phát triển kinh tế gắn với giảm nghèo, tạo việc làm và bảo đảm an sinh xã hội là quan điểm nhất quán của Đảng, Nhà nước trong xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Đảng, Nhà nước đã đề ra các chủ trương: “Kết hợp hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế và thực hiện công bằng, tiến bộ xã hội; có chính sách phù hợp nhằm hạn chế phân hóa giàu nghèo, thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội; chú trọng giải pháp tín dụng chính sách tạo điều kiện và khuyến khích hộ nghèo, cận nghèo phấn đấu tự vươn lên thoát nghèo bền vững; trợ giúp người nghèo chủ yếu bằng cách cho vay vốn, hướng dẫn cách làm ăn”.
Trước hết, xây dựng mô hình tổ chức và hoạt động gồm Ban đại diện HĐQT NHCSXH và bộ máy điều hành tác nghiệp NHCSXH theo hướng tinh gọn, tổ chức điều hành, quản lý thống nhất trong toàn tỉnh, đảm bảo sử dụng nguồn vốn hiệu quả, an toàn. Cùng với đó, xây dựng đội ngũ cán bộ đảm bảo về số lượng, tinh thần trách nhiệm cao, chuyên nghiệp, luôn gần dân theo phương châm “Thấu hiểu lòng dân, tận tâm phục vụ”.
Phương thức hoạt động chủ yếu là cho vay ủy thác thông qua 4 tổ chức chính trị - xã hội để chuyển tải vốn tín dụng ưu đãi đến người nghèo và các đối tượng chính sách khác, đồng thời kiểm tra, giám sát, đôn đốc người vay sử dụng vốn vay, trả nợ, trả lãi đúng cam kết. NHCSXH cho vay, thu nợ trực tiếp đến từng người vay tại các điểm giao dịch xã, phường, thị trấn, góp phần tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ tín dụng chính sách, tiết giảm chi phí, thời gian, công sức của người vay, đảm bảo hoạt động tín dụng chính sách xã hội dân chủ, công khai với cách thức “giao dịch tại nhà, giải ngân, thu nợ tại xã”.
Tổ giao dịch tại xã được trang bị đầy đủ điều kiện hoạt động của một ngân hàng, đảm bảo an ninh, an toàn. Tại các Điểm giao dịch, NHCSXH niêm yết công khai các chính sách, chương trình tín dụng để người dân, các tổ chức chính trị - xã hội biết, giám sát, kiểm tra. Với những cách làm sáng tạo, đến nay, toàn tỉnh có 2.127 Tổ tiết kiệm và vay vốn, trở thành “cánh tay nối dài của NHCSXH” giúp chuyền tải nguồn vốn đến đúng đối tượng thụ hưởng ở tất cả các thôn, bản trong toàn tỉnh.
Sau 20 năm tiếp nhận bàn giao và tổ chức triển khai các chương trình tín dụng ưu đãi của Chính phủ, từ 2 chương trình cho vay nhận bàn giao từ Ngân hàng Phục vụ người nghèo (gồm cho vay hộ nghèo, Quỹ quốc gia giải quyết việc làm) với tổng dư nợ năm 2002 là 162 tỷ đồng, đến nay, chi nhánh NHCSXH tỉnh Lào Cai đã và đang triển khai cho vay 23 chương trình tín dụng ưu đãi của Chính phủ. Tổng doanh số cho vay 20 năm là 10.998 tỷ đồng, với 453.000 lượt hộ nghèo và đối tượng chính sách khác được vay vốn; tổng doanh số thu nợ 7.452 tỷ đồng. Tổng dư nợ đến 31/8/2022 đạt hơn 3.700 tỷ đồng, tăng 3.473 tỷ đồng (16,3 lần) so với năm 2003 với gần 85.000 khách hàng còn dư nợ. Tổng nợ quá hạn và nợ khoanh đến ngày 31/8/2022 hơn 3,5 tỷ đồng, chiếm 0,1% tổng dư nợ, giảm 0,38% so với năm 2003 (0,47%), trong đó nợ quá hạn 2,4 tỷ đồng, chiếm 0,06%/ tổng dư nợ.
Ccó thể khẳng định, chính sách tín dụng đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác là đúng, hợp lòng dân, là giải pháp quan trọng trong thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo, giải quyết việc làm và bảo đảm an sinh xã hội. Với chính sách ưu đãi về lãi suất, thời hạn cho vay, quy trình, thủ tục vay vốn đơn giản, hộ vay được miễn lệ phí, không phải thế chấp tài sản khi vay vốn đã tạo cơ hội cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách tiếp cận nguồn vốn ưu đãi của Chính phủ nhanh chóng và thuận lợi. Nguồn vốn tín dụng chính sách đã giúp cho các hộ nghèo và các đối tượng chính sách có vốn phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo thêm việc làm, tăng thu nhập. Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh theo tiêu chí cũ còn 5,31% (năm 2021).
Quan trọng hơn, vốn tín dụng chính sách đã góp phần thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, đảm bảo công bằng xã hội, tạo tiền đề thuận lợi để phát triển kinh tế, cải thiện đời sống Nhân dân. Đặc biệt là sau khi Chính phủ triển khai Nghị quyết 30a về chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với huyện nghèo, vốn tín dụng ưu đãi còn tập trung vào những nhóm dân cư đặc thù, yếu thế trong xã hội (những người sống ở vùng sâu, vùng cao; người dân tộc thiểu số; người dễ bị tổn thương).
Nguồn vốn tín dụng chính sách tại tỉnh Lào Cai đã giúp gần 112.000 hộ vượt qua ngưỡng nghèo; hỗ trợ tạo việc làm và duy trì việc làm cho hơn 150.000 lao động; hơn 22.000 lượt HSSV có hoàn cảnh khó khăn vay vốn trang trải chi phí học tập; cho vay hỗ trợ xây dựng, cải tạo hơn 109.000 công trình NS&VSMTNT; hỗ trợ xây dựng và sửa chữa hơn 7.800 ngôi nhà cho hộ nghèo; 241 khách hàng được vay vốn để xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở theo Nghị định số 100/2015/NĐ-CP và 8 người sử dụng lao động được vay vốn để trả lương ngừng việc cho 192 lượt người lao động do ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19. Các chương trình tín dụng ưu đãi của Chính phủ do NHCSXH thực hiện thực sự là kênh dẫn vốn quan trọng, là “bà đỡ” cho các đối tượng này.
Đặc biệt, nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đã tác động rất lớn đến người dân trên địa bàn, nhất là khu vực kinh tế nông nghiệp, nông thôn, vùng nghèo, vùng khó khăn, giúp họ thay đổi nhận thức, tập quán trong tổ chức sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; áp dụng tiến bộ KHKT, đưa các giống mới có năng suất cao vào sản xuất; đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh, từ đó hạn chế tình trạng cho vay nặng lãi ở khu vực nông thôn.
Để tiếp tục triển khai hiệu quả Nghị định 78, trong thời gian tới, Ban đại diện HĐQT chi nhánh NHCSXH tỉnh Lào Cai sẽ bám sát Chiến lược phát triển giai đoạn 2021 - 2030 của NHCSXH Việt Nam đã được Chính phủ phê duyệt; Nghị quyết của Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI để tổ chức thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác, đáp ứng kịp thời nhu cầu, nguyện vọng của người dân, góp phần thực hiện thành công mục tiêu giảm nghèo bền vững đến năm 2030 của tỉnh.
Tiếp tục thực hiện tốt Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư; quan tâm bố trí ngân sách chuyển vốn hằng năm qua NHCSXH cấp tỉnh, cấp huyện để bổ sung nguồn vốn cho vay, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của người nghèo và các đối tượng chính sách khác; gắn việc chuyển vốn ủy thác với thực hiện mục tiêu kinh tế - xã hội địa phương, đặc biệt là các chương trình mục tiêu quốc gia.
Chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả, chất lượng các chương trình tín dụng chính sách xã hội, đảm bảo nguồn vốn được chuyển tải kịp thời đến đúng đối tượng thụ hưởng, sử dụng đúng mục đích và hoàn trả đầy đủ khi đến hạn, đồng thời quan tâm đầu tư vốn tín dụng chính sách cho các mô hình SXKD hiệu quả, thu hút nhiều lao động trên địa bàn. Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát trong việc tổ chức triển khai thực hiện tín dụng chính sách xã hội; phát huy vai trò giám sát, phản biện của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội, cũng như vai trò giám sát của toàn dân đối với hoạt động tín dụng chính sách.
Bài và ảnh Quốc Khánh
Các tin bài khác
- » Hành trình 20 năm tận tâm, đồng hành phục vụ người nghèo Hải Dương
- » Dấu ấn nguồn vốn chính sách trên quê hương nông thôn mới
- » Bắc Ninh phát huy hiệu quả hoạt động tín dụng chính sách xã hội
- » Tỉnh Bình Thuận có hơn 61 nghìn hộ thoát nghèo từ nguồn vốn chính sách
- » Hành trình 20 năm vì mục tiêu giảm nghèo và an sinh xã hội tại Bình Thuận (BTV - 14.9.2022)
- » Quảng Nam tổng kết 20 năm thực hiện tín dụng chính sách xã hội
- » Quảng Nam 20 năm vì công cuộc giảm nghèo và phát triển bền vững (Bài 2: Chăm lo đặc biệt cho đồng bào DTTS)
- » Quảng Nam 20 năm vì công cuộc giảm nghèo và phát triển bền vững (Bài 1: Khởi sắc toàn diện)
- » Quảng Nam 20 năm thực hiện Nghị định 78 của Chính phủ (QRT - 14.9.2022)
- » Nghệ An tiếp tục tăng cường nguồn lực cho hoạt động tín dụng chính sách