Triệu Sơn phá thế thuần nông

15/11/2018
(VBSP News) Là huyện chủ yếu sản xuất nông nghiệp, huyện Triệu Sơn (Thanh Hóa) đã có nhiều giải pháp nhằm phát triển nông nghiệp. Với tầm nhìn mới, hướng đi đúng cũng như được sự hỗ trợ tích cực tín dụng chính sách của Đảng và Nhà nước, Triệu Sơn đã từng bước phá thế thuần nông, vươn lên sản xuất hàng hóa, xóa nghèo hiệu quả.
Trang trại chăn nuôi thỏ của gia đình anh Lê Văn Thạo mỗi năm thu nhập hàng trăm triệu đồng

Trang trại chăn nuôi thỏ của gia đình anh Lê Văn Thạo mỗi năm thu nhập hàng trăm triệu đồng

Huyện có dự nợ lớn

Với 15 chương trình tín dụng, trong đó có 2 chương trình tín dụng có dư nợ lớn, gồm: chương trình cho vay hộ nghèo trên 175 tỷ đồng và cho vay hộ cận nghèo trên 120 tỷ đồng. Lãnh đạo NHCSXH huyện Triệu Sơn cho biết tổng dư nợ toàn huyện đạt gần 500 tỷ đồng với trên 14 nghìn lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách vay vốn phát triển kinh tế. Tính đến thời điểm hiện nay, NHCSXH huyện Triệu Sơn là một trong những đơn vị có nguồn vốn cho vay lớn nhất tỉnh Thanh Hóa. Có được kết quả đó là nhờ sự chủ động, nỗ lực tích cực của cả tập thể, NHCSXH huyện còn tích cực phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác vay vốn để người dân tiếp cận gần hơn với nguồn vốn; hướng dẫn các hộ vay vốn sử dụng hiệu quả nguồn vốn. Bên cạnh đó tập trung tuyên truyền để giải ngân kịp thời nguồn vốn, ngân hàng tiếp tục tăng cường quản lý vốn ở cơ sở để đảm bảo an toàn và hiệu quả nguồn vốn cho vay quay vòng. Đáng chú ý, NHCSXH huyện phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội rà soát, đánh giá các Tổ tiết kiệm và vay vốn theo tháng, quý. NHCSXH huyện còn thực hiện nghiêm túc sự phân công, giao trách nhiệm đối với cán bộ tín dụng phụ trách địa bàn. Qua đó, thường xuyên nắm nhu cầu vay vốn, tình hình sử dụng vốn, để có tham mưu, báo cáo cấp ủy, chính quyền giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc.

Chủ tịch UBND huyện Triệu Sơn Lê Quang Hùng, cho biết: Cùng với giảm nghèo hiệu quả, tín dụng chính sách đã và đang đồng hành cùng huyện từng bước chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tạo ra sản xuất hàng hóa. Theo kế hoạch của giai đoạn từ năm 2011 - 2020, huyện Triệu Sơn sẽ chuyển đổi khoảng 2.500ha đất lúa kém hiệu quả sang cây trồng khác, hoặc đất lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản. Nhờ nguồn vốn vay của NHCSXH huyện hỗ trợ, đến nay nông dân toàn huyện đã chuyển được trên 450ha. Trong đó, mô hình chuyển đổi đất lúa sang trồng mía với diện tích 204ha cho thu nhập 65 triệu đồng/ha /năm; mô hình chuyển đổi đất lúa sang trồng ớt xuất khẩu với diện tích 100ha ở các xã Khuyến Nông, Thọ Vực, Vân Sơn, An Nông…; mô hình chuyển đổi đất lúa sang trồng cây dược liệu với diện tích 27ha ở các xã Thái Hòa, Đồng Thắng, Tân Ninh…

Ưu tiên vốn cho đồng bào DTTS

Huyện Triệu Sơn có 4 xã miền núi: Bình Sơn, Thọ Bình, Thọ Sơn, Triệu Thành, chủ yếu đồng bào dân tộc Thái, Mường sinh sống. Xác định công tác chăm lo đời sống cho đồng bào DTTS là một trong những nhiệm vụ quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội, những năm qua tranh thủ nguồn vốn của Nhà nước (Chương trình 134, 135…) huyện đã cơ bản hoàn thiện kết cấu hạ tầng: điện, đường, trường, trạm, nước sinh hoạt, công trình thủy lợi. Theo đó, huyện Triệu Sơn có nhiều chính sách ưu đãi giành cho đồng bào DTTS, đồng thời khuyến khích bà con tập trung phát triển kinh tế gia đình bằng cách: mở rộng các loại hình kinh doanh dịch vụ, sản xuất, phát triển kinh tế trang trại, gia trại tổng hợp. Nhiều hộ đã vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng. Gia đình anh Ngân Xuân Tâm và chị Hà Thị Hường, dân tộc Thái ở xóm 5, xã Thọ Bình là một ví dụ. Trước đây là một hộ nghèo, năm 2012 được NHCSXH cho vay 20 triệu đồng, cộng thêm vốn vay anh em họ hàng, anh đầu tư mua 2 cặp bò sinh sản. Đến nay, gia trại của anh đã có đàn gia súc 15 con, mỗi năm cho thu nhập trung bình gần 100 triệu đồng. Chị Bùi Thị Đường ở thôn Trung Sơn, xã Triệu Thành trước đây cũng thuộc diện hộ nghèo do thiếu đất sản xuất, thiếu kiến thức làm ăn. Nhờ Trung tâm Khuyến nông “cầm tay chỉ việc” và được NHCSXH huyện cho vay 50 triệu đồng, chị đầu tư mua máy đảm nhận khâu dịch vụ làm đất cho bà con trong xã và các xã lân cận. Ngoài ra, gia đình còn nhận 1ha đất cấy lúa, chăn nuôi trâu bò, lợn, gà, mỗi năm trừ chi phí thu nhập trên 100 triệu đồng.

Xã Thọ Sơn vốn không có nghề truyền thống, dân nghèo, xã khó khăn. Từ những năm 2000, từ một vài hộ dân làm nghề chổi đót, rồi cả làng, cả xã cùng làm vì hiệu quả thiết thực, giải quyết cho nhiều lao động, tăng thu nhập cho người dân. Từ không đến có, năm 2015 Thọ Sơn được tỉnh Thanh Hóa công nhận làng nghề làm chổi đót. “May mà có nghề làm chổi đót phát triển gia đình tôi mới thoát được cái nghèo, xây được cái nhà, sắm được chiếc xe máy và con trâu để cày bừa. Nghĩ lại mấy năm trước gạo ăn còn thiếu từng bữa”, chị Tô Thị Ngãi tâm sự. Không chỉ thoát nghèo, nhiều hộ khởi nghiệp từ vốn vay NHCSXH cũng đang giàu lên từ nghề làm chổi đót, như HTX sản xuất chổi đót Tuấn - Dung; cơ sở sản xuất chổi đót Lê Thị Thành ở thôn 12… Theo chủ tịch UBND xã Thọ Sơn Lê Ngọc Quế: “Nghề làm chổi đót đã tạo điều kiện cho hơn 200 lao động trong xã thường xuyên và nhiều lao động làm theo mùa vụ, tạo ra nguồn thu nhập thêm cho người dân. Người dân nơi đây biết đến nghề làm chổi đót như một nghề thoát nghèo và còn hướng đến xuất khẩu sang các nước lân cận như Lào, Trung Quốc để tăng thêm thu nhập”.

Bài và ảnh Hồ Khánh Thiện

Các tin bài khác