Vốn chính sách tiếp sức cho vùng khó

05/11/2018
(VBSP News) Sau hơn 10 năm triển khai chương trình cho vay hộ SXKD vùng khó khăn do NHCSXH tỉnh Lạng Sơn thực hiện đã góp phần quan trọng vào việc nâng cao thu nhập cho nhiều hộ dân vùng khó.
image002

Người dân thôn Thạch Lương, xã Y Tịch, huyện Chi Lăng sử dụng vốn vay để trồng cam đường Canh

Đưa vốn về vùng khó

Chương trình cho vay vốn hộ SXKD được thực hiện trên địa bàn tỉnh từ năm 2007 theo Quyết định 31/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, nhằm giúp vốn cho các hộ gia đình tại những vùng khó khăn phát triển kinh tế. Đối tượng vay vốn của chương trình là các hộ gia đình không thuộc hộ nghèo thực hiện các hoạt động SXKD ở vùng khó khăn.

Phó Giám đốc NHCSXH tỉnh Lạng Sơn Phạm Minh Hà cho biết: Để thực hiện hiệu quả chương trình vốn, hằng năm, đơn vị chủ động tham mưu với Ban đại diện HĐQT NHCSXH tỉnh, ngay từ đầu năm đã có văn bản chỉ đạo, giao chỉ tiêu kế hoạch cho các huyện, thành phố. Đồng thời chỉ đạo các huyện giao chỉ tiêu đến các xã, thôn; phối kết hợp với các tổ chức hội nhận ủy thác các cấp, UBND các xã, phường, thị trấn, các tổ tiết kiệm vay vốn tổ chức triển khai thực hiện, đẩy nhanh tiến độ giải ngân, đáp ứng nhu cầu vay, của người dân. Nhờ làm tốt công tác giải ngân, nguồn vốn chương trình kịp thời đến các hộ có nhu cầu vay vốn. chỉ tính riêng trong 10 tháng năm 2018, doanh số cho vay các chương trình đạt hơn 250 tỷ đồng.

Theo số liệu của NHCSXH tỉnh, tính đến ngày 25/10/2018, tổng dư nợ thuộc chương trình cho vay hộ gia đình SXKD tại vùng khó khăn trên địa bàn tỉnh đạt trên 680 tỷ đồng, tăng trên 80 tỷ đồng so với thời điểm cuối năm 2017. Tổng số hộ còn dư nợ thuộc chương trình này là hơn 17.500 hộ; bình quân số tiền vay là gần 39 triệu đồng/hộ. Trong đó, một số huyện có dư nợ cao như: Bắc Sơn trên 111 tỷ đồng; Lộc Bình trên 85 tỷ đồng; Hữu Lũng gần 84 tỷ đồng; Tràng Định trên 81 tỷ đồng…

Theo ông Phạm Trung Kiên - Phó Giám đốc NHCSXH huyện Chi Lăng cho biết: Để thực hiện hiệu quả chương trình vốn này, ngay từ đầu các năm, đơn vị đã tham mưu với Ban đại diện HĐQT NHCSXH huyện giao chỉ tiêu cụ thể cho từng xã; phối hợp với tổ chức hội, đoàn thể các cấp tuyên truyền đến người dân hiểu và biết đến chương trình. Bên cạnh đó, đơn vị luôn chủ động rà soát nhu cầu vay vốn để tham mưu, đề xuất với ban đại diện cấp huyện, NHCSXH tỉnh cấp bổ sung vốn theo nhu cầu thực tế của người dân. Nhờ đó, đến nay toàn huyện có 1.335 hộ dân đang sử dụng vốn chương trình SXKD với dư nợ trên 55 tỷ đồng, tăng gần 14 tỷ đồng so với đầu năm.

Hiệu quả của chương trình

Từ nguồn vốn vay của chương trình, nhiều hộ dân đã sử dụng hiệu quả, đúng mục đích, qua đó, từng bước nâng cao thu nhập. Ví dụ như anh Đặng Việt Tuyến, thôn Tự Nhiên, xã Nhật Tiến, huyện Hữu Lũng cho biết: Trước đây, kinh tế gia đình tôi rất khó khăn, mặc dù có đất đai rộng nhưng không có vốn để đầu tư phát triển sản xuất. Năm 2012, được Hội Nông dân xã tuyên truyền, tôi biết và được vay 30 triệu đồng chương trình cho vay SXKD của NHCSXH huyện Hữu Lũng. Từ số tiền đó, gia đình tôi đầu tư trồng hơn 150 cây bưởi Diễn và mở rộng diện tích trồng cây na dai. Đến nay, từ phát triển cây ăn quả, hằng năm, gia đình tôi có thu nhập trên 200 triệu đồng. Tương tự, gia đình anh Mai Thành Nội ở thôn Thạch Lương, xã Y Tịch, huyện Chi Lăng cũng vươn lên phát triển kinh tế từ nguồn vốn vay. Anh Nội chia sẻ: Năm 2016, gia đình tôi được vay 30 triệu đồng từ chương trình cho vay hộ gia đình SXKD vùng khó khăn. Với kinh nghiệm chăn nuôi bò có từ trước, gia đình tôi đã đầu tư mua thêm bò giống. Đến đầu năm 2018, gia đình vừa xuất bán gần 20 con bò, thu về gần 80 triệu đồng. Có thêm vốn, gia đình tôi đầu tư trồng hơn 700 gốc cam đường Canh, nhờ chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật nên cây phát triển tốt, năm nay, cây bắt đầu cho thu hoạch, ước tính mỗi cây đạt 15 - 20 kg. Hiện tư thương đã đến tận vườn đặt mua với giá 25 - 30 nghìn đồng/kg, dự kiến cuối vụ sẽ có nguồn thu nhập khá.

Cùng với 2 trường hợp kể trên, trong những năm qua, nhờ nguồn vốn của chương trình, nhiều hộ dân vùng khó khăn đã đầu tư phát triển SXKD hiệu quả. Ông Phạm Mạnh Hà - Phó Giám đốc NHCSXH tỉnh cho biết thêm: Nhiều năm qua, chương trình này thực sự là động lực giúp các hộ dân vùng khó vượt qua khó khăn để vươn lên phát triển SXKD, nâng cao thu nhập. Từ đầu năm 2018 đến nay, đây là một trong những chương trình cho vay có dư nợ tăng trưởng cao nhất. Qua kiểm tra hằng năm, hầu hết các hộ vay vốn đều sử dụng đúng mục đích, chăn nuôi, trồng rừng, SXKD… có hiệu quả. Từ nguồn vốn vay chương trình hộ gia đình SXKD và các chương trình khác, chỉ tính riêng trong quý 3/2018 đã giúp người dân vùng khó đầu tư chăn nuôi được trên 2,5 nghìn con gia súc; trên 1 triệu con gia cầm; trồng được 9.000ha rừng; cải tạo, trồng mới được gần 3.000 ha cây ăn quả; hỗ trợ tạo việc làm cho trên 2.000 lao động, gần 3.500 công trình cung cấp nước sạch và vệ sinh được xây dựng mới. Qua đó giúp các hộ dân có thêm điều kiện để vươn lên phát triển kinh tế.

Với tổng dư nợ trên 681 tỷ đồng, chương trình cho vay hộ gia đình SXKD vùng khó khăn hiện nay là chương trình có dư nợ cao thứ 2 trong 14 chương trình cho vay của NHCSXH tỉnh Lạng Sơn được triển khai trên địa bàn (sau chương trình cho vay hộ nghèo với dư nợ gần 941 tỷ đồng).

Theo Tân An - Kim Huyên Báo Lạng Sơn

Các tin bài khác