Làm giàu trên vùng đất khó
Trở lại huyện vùng biên Ia H’Drai một ngày cuối mùa mưa, chúng tôi thật sự ngỡ ngàng trước vẻ đẹp của đại ngàn biên giới. Những cánh rừng xanh thẫm đang phơi mình trong nắng, vi vu theo tiếng nhạc mà gió đại ngàn phóng túng thổi giữa nền trời xanh bất tận… Tại đây, Giám đốc NHCSXH huyện Đinh Văn Trung đã kể cho chúng tôi nghe về những người nông dân chân chất, một thời lam lũ, chịu thương chịu khó, giờ đã thật sự thoát nghèo nhờ mạnh dạn vay vốn chăn nuôi bò sinh sản và sản xuất nông nghiệp. Nơi chúng tôi đến đầu tiên là hộ anh Nguyễn Văn Thế ở thôn 2, xã Ia Dom. Khi đến thì nhà anh Thế khóa cửa, hỏi ra mới biết vợ chồng anh đang cắt cỏ cho bò ở ngoài vườn cao su. Cán bộ xã điện thoại ngay cho anh, một lát sau, anh vội vàng trở về để tiếp chuyện chúng tôi. Vợ chồng anh Thế từ tỉnh Bình Thuận lên huyện Ia H’Drai lập nghiệp từ năm 2010. Lúc ấy, anh Thế làm công nhân nhận khoán cho Công ty Cao su Sa Thầy, vợ ở nhà trông 3 đứa con nhỏ và làm rẫy trên những khoảnh đất tận dụng “bờ lô, hợp thủy” của rừng cao su. Với khoảng 6 triệu đồng/tháng, chỉ được trả theo vụ mùa cạo mủ, gia đình anh phải làm đủ nghề như trồng rau, bắp, mì, nuôi gà… mới đủ tiền chạy gạo từng bữa, cuộc sống gia đình vô cùng khó khăn. Năm 2015, nhờ sự tín chấp của Hội Nông dân xã, anh Thế được tiếp cận nguồn vốn vay của NHCSXH huyện với số tiền 20 triệu đồng, lãi suất 0,55%/tháng để chăn nuôi bò.
Với nguồn vốn ban đầu, vợ chồng anh Thế mua 2 con bò sinh sản, một năm sau đó, đôi bò sinh sản của gia đình anh đã cho ra đời một con bê. Anh vui mừng vì đã thấy lãi trước mắt. Cũng trong thời gian này, bằng nguồn vốn tích lũy, dành dụm, anh Thế mua tiếp 2 con bò nữa. Đến nay, trong chuồng bò nhà anh đã có 10 con bò từ 3 - 5 tuổi, một khoản tài sản không hề nhỏ đối với một gia đình nông dân nghèo như anh Thế. Đưa chúng tôi xem đàn bò nhốt trong chuồng, tôi thấy con nào cũng béo tròn, mà toàn là giống bò lai, tôi đoán chắc giá cả mỗi con cũng không hề rẻ. Như nắm bắt được suy nghĩ của tôi, anh Thế nói: “Hiện nay, bò mất giá lắm. Nếu như năm ngoái, bò 4 tháng tuổi có giá khoảng 22 triệu đồng/con, thì bây giờ lái buôn tới mua ép giá chỉ còn 18 triệu đồng/con, nên tôi chần chừ chưa muốn bán, quyết định để nuôi tiếp”. Anh Thế còn cho biết thêm, nhờ nuôi bò nên nguồn phân cũng dồi dào. Cứ mỗi tuần anh lấy phân một lần, ủ kỹ để dành cuối năm bán. Mỗi bao phân bò khô có giá bán khoảng 70 nghìn đồng, nên mỗi năm gia đình anh có thêm từ 8 - 10 triệu đồng từ nguồn bán phân bò, cũng đủ trang trải chi phí cho ngày cuối năm…
Chủ tịch Hội Nông dân xã Ia Dom Lê Văn Cao chia sẻ: Từ năm 2014 đến nay đã đứng ra tín chấp cho hơn 120hộ nông dân nghèo ở xã vay vốn từ NHCSXH với dư nợ gần 8 tỷ đồng. Những hộ nông dân được tiếp cận nguồn vốn này đều sử dụng đúng mục đích là chăn nuôi bò sinh sản, trồng các loại cây công nghiệp như điều, cà phê… nhờ vậy đã giải quyết được sinh kế cho nông dân, giúp họ có cơ hội thoát nghèo. Tiếp theo, chúng tôi đến hộ gia đình chị Trịnh Thị Dung, một trong những điển hình thoát nghèo nhờ vốn vay của NHCSXH.
Dưới ánh nắng chói chang giữa trưa tháng 10, chị Dung dẫn chúng tôi băng qua quả đồi nhỏ để đến trang trại nuôi bò của chị. Chuồng bò nhà chị được xây cất tại khoảnh đất giữa vườn cây mát mẻ, xa nhà chính và sạch sẽ, hợp vệ sinh. Tôi đếm trong chuồng có 08 con bò đang độ lớn. Chị Dung vui vẻ kể: “Từ năm 2016, chị vay 40 triệu đồng nguồn vốn của NHCSXH huyện Ia H’Drai để mua 03 con bò đã mang thai. Sau một thời gian, 03 con bò này đẻ tiếp 03 con bò cái. Và cứ như thế, đến nay đàn bò đã lên tới 08 con, lãi trông thấy…”.
Anh Đinh Văn Trung cho biết, sau khi được tiếp cận từ nguồn vốn NHCSXH, bà con nông dân, chủ yếu là hộ nghèo và hộ cận nghèo đã sử dụng nguồn vốn đúng mục đích và rất có hiệu quả. Nhiều gia đình nhờ nguồn vốn vay đầu tư sản xuất nông nghiệp đã thoát nghèo thật sự. Có nhiều hộ nông dân vay vốn nuôi bò, tuy chưa thể bán bò để trang trải trong gia đình, nhưng qua thời gian, số lượng bò tăng dần, họ có số vốn tích lũy khá cao, không lo đến chuyện đói nghèo. Ngoài ra, nhiều gia đình còn được cho vay để bảo đảm an sinh như làm nhà vệ sinh, nước sạch, xây dựng nhà cửa… Một thời gian sau khi vay, họ đều trả nợ đúng cam kết, chưa có trường hợp nào nợ quá hạn phát sinh và lãi tồn đọng.
Chia tay với bà con nông dân huyện Ia H’Drai trong nắng chiều nhạt. Nhìn những tia nắng vàng màu cốm trải dài trên những lô cao su như dát vàng cho vùng quê nghèo khó. Tôi thầm nghĩ, “đất không phụ công người”, ngày bà con nông dân ở huyện vùng biên này trở thành những “triệu phú chân đất” không còn xa…
Bài và ảnh Dương Đức Nhuận Báo Kon Tum
Các tin bài khác
- » “Cây cầu” nối ước mơ của chị em nghèo
- » Vốn nhỏ mang lại hiệu quả cao
- » Nguồn vốn tín dụng chính sách ở Khánh Hòa đạt trên 2.515 tỷ đồng
- » Đoàn Thanh niên NHCSXH tham gia ngày hội hiến máu tình nguyện 2018
- » Vùng khó khăn Thanh Hóa giảm nghèo nhanh từ nguồn vốn chính sách
- » Thoát nghèo không còn là giấc mơ
- » Vốn chính sách với chương trình giảm nghèo vùng biển Tĩnh Gia
- » Cặp lá yêu thương tròn 3 tuổi và ước mơ đến trường của các em nhỏ xứ Thanh
- » NHCSXH chúc mừng 88 năm thành lập Hội Nông dân Việt Nam
- » Quỹ Quốc gia về việc làm: Động lực thúc đẩy nguồn nhân lực địa phương