Quỹ Quốc gia về việc làm: Động lực thúc đẩy nguồn nhân lực địa phương

11/10/2018
(VBSP News) Ngày 11/10/2018 tại Hà Nội, Bộ LĐTB&XH phối hợp với NHCSXH tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện hoạt động cho vay vốn từ Quỹ Quốc gia về việc làm giai đoạn 2016 - 2018. Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Doãn Mậu Diệp và Phó Tổng Giám đốc NHCSXH Nguyễn Văn Lý đồng chủ trì Hội nghị.
image001

Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Văn Lý phát biểu tại Hội nghị

Dự Hội nghị có các đại diện cho các đơn vị thuộc Văn phòng Quốc hội, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tư pháp; Lãnh đạo Sở LĐTB&XH; Lãnh đạo 20 chi nhánh NHCSXH và đại diện người lao động, chủ cơ sở SXKD sử dụng vốn vay hiệu quả.

Nhìn lại hành trình của NHCSXH từ năm 2002 đến nay đã hơn 15 năm kể từ khi được giao chức năng quản lý, cho vay và thu hồi vốn của Chương trình cho vay vốn từ Quỹ Quốc gia về việc làm thay chức năng giải ngân của Kho bạc Nhà nước. NHCSXH đã kế thừa và phát huy kinh nghiệm quản lý Quỹ, cùng với sự sáng tạo, cố gắng nỗ lực của cán bộ, nhân viên toàn hệ thống NHCSXH, hoạt động cho vay giải quyết việc làm  luôn được duy trì thường xuyên, chất lượng, hiệu quả cho vay không ngừng tăng lên, Quỹ được bảo toàn.

Phát biểu tại Hội nghị, Giám đốc Ban Tín dụng HSSV&CĐTCSK NHCSXH Đào Anh Tuấn cho biết, đến hết tháng 9/2018, nguồn vốn cho vay GQVL đạt 14.560 tỷ đồng, tăng 7.631 tỷ đồng so với năm 2015; Dư nợ cho vay giải quyết việc làm đạt 14.451 tỷ đồng, với gần 476 nghìn khách hàng còn dư nợ, dư nợ cho vay xuất khẩu lao động đạt 722 tỷ đồng, với trên 15 nghìn hộ vay còn dư nợ.

“Trong quá trình thực hiện chương trình, cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp đã quan tâm, bố trí nguồn lực từ ngân sách địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác ủy thác sang NHCSXH để cho vay hỗ trợ tạo việc làm và cho vay đối với người lao động đi làm việc ở nước ngoài trên địa bàn. Đến nay, dư nợ cho vay GQVL bằng nguồn vốn ủy thác của địa phương đạt trên 6.285 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 59% trên tổng dư nợ cho vay các chương trình tín dụng khác bằng nguồn vốn ủy thác của địa phương. Một số tỉnh, thành phố có nguồn vốn ủy thác sang NHCSXH để cho vay GQVL tại địa phương lớn như: Hà Nội là 2.134 tỷ đồng; Bình Dương là 535 tỷ đồng; TP Hồ Chí Minh là 508 tỷ đồng; Bà Rịa - Vũng Tàu là 406 tỷ đồng; Đà Nẵng là 249 tỷ đồng; Vĩnh Phúc là 161 tỷ đồng…”, ông Đào Anh Tuấn nhấn mạnh.

Là một trong những địa phương đã và đang chịu sức ép rất lớn về vấn đề về giải quyết lao động, việc làm trên địa bàn do tốc độ đô thị hóa diễn ra nhanh chóng, quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế được triển khai mạnh mẽ, lao động ngoại tỉnh về Hà Nội vẫn tiếp tục tăng lên. Do vậy tập trung bố trí vốn từ ngân sách địa phương ủy thác qua NHCSXH cho vay để GQVL được coi là giải pháp căn cơ.

“Tính riêng trong gần 03 năm qua (2016 - 9/2018) nguồn vốn nhận ủy thác tại địa phương của NHCSXH TP Hà Nội đã được bổ sung thêm 917 tỷ đồng, bình quân mỗi năm được bổ sung 305 tỷ đồng, nâng tổng nguồn vốn địa phương cho vay GQVL từ 1.246 tỷ đồng cuối năm 2015 lên 2.163 tỷ đồng thời điểm 30/9/2018. Mức cho vay bình quân được nâng từ 29 triệu đồng/hộ năm 2016 lên 38 triệu đồng/hộ năm 2018 đã cơ bản đáp ứng được nhu cầu vốn tổ chức SXKD, thu hút lao động, tạo việc làm ổn định cho người lao động. Trong gần 3 năm, qua NHCSXH thành phố Hà Nội đã giải ngân 3.360 tỷ đồng cho trên 99 nghìn lượt khách hàng vay vốn chương trình cho vay GQVL, góp phần thu hút, tạo việc làm ổn định cho trên 111 nghìn lao động; qua đó góp phần giải quyết việc làm cho khoảng 25% - 30% số lao động được tạo việc làm của thành phố”, Phó Giám đốc NHCSXH thành phố Phạm Văn Quyết cho biết.

image002

Quang cảnh Hội nghị

Chương trình cho vay GQVL góp phần thay đổi cơ cấu kinh tế theo hướng sản xuất hàng hóa ở nông thôn, đã làm thay đổi nhận thức của một bộ phận những hộ sản xuất, kinh doanh nhỏ, lẻ chưa bắt kịp với phương thức sản xuất lớn. Điển hình như hộ anh Hoàng Anh Sơn, thôn Hợp Thành, xã Thành Hưng, huyện Thạch Thành (Thanh Hóa), khởi nghiệp thành công từ vốn vay GQVL và hiện là Chủ doanh nghiệp SXKD gò hàn và gia công cơ khí.

“Việc sử dụng vốn vay từ Quỹ Quốc gia tạo việc làm là một bước ngoặt rất quan trọng trong quá trình SXKD, từ cơ sở sản xuất hàng hóa nhỏ lẻ, với mức sản xuất hàng hóa cho doanh thu từ 1,2 - 1,5 tỷ đồng/năm. Nay tôi đã mạnh dạn đầu tư thành lập Doanh nghiệp sản xuất cơ khí trên địa bàn xã tạo thu nhập ổn định, tổng doanh số sản xuất hàng hóa đạt từ 4 - 4,5 tỷ đồng/năm, cho thu nhập ổn định từ 300 - 400 triệu đồng/năm, cũng từ nguồn vốn vay đó tôi đã mở rộng thị trường kinh doanh sản xuất không chỉ trên địa bàn xã Thành Hưng mà các địa bàn các xã lân cận và nhận được các công trình của Nhà nước”, anh Sơn chia sẻ tại Hội nghị.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Văn Lý  cho biết: Chương trình cho vay vốn GQVL thời gian qua đã thực sự đi vào cuộc sống đặc biệt tại vùng nông thôn và người có thu nhập thấp, qua đó góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế, ổn định chính trị. Trong giai đoạn 2016 - 2018, doanh số cho vay hằng năm khoảng 2.500 - 3.000 tỷ đồng, hỗ trợ việc làm cho khoảng 303.614 lao động (riêng 6 tháng đầu 2018, doanh số cho vay khoảng 2.500 tỷ đồng góp phần tạo việc làm cho 84.428 lao động; trong đó có 61.423 lao động nữ, 1.107 lao động khuyết tật và 4.502 lao động là người DTTS).

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Doãn Mậu Diệp cho biết, bên cạnh các kết quả đạt được, hoạt động cho vay vốn tạo việc làm từ Quỹ Quốc gia về việc làm cũng gặp những khó khăn, tồn tại. Đó là chất lượng việc làm tạo ra chưa cao, hoạt động cho vay chủ yếu trong lĩnh vực nông nghiệp, đối tượng vay là các cơ sở sản xuất, kinh doanh thấp; nguồn vốn cho vay của Quỹ quốc gia về việc làm còn hạn chế mới chỉ đáp ứng 30% - 35% nhu cầu vốn tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm; mặc dù đã được quy định trong Nghị định số 61/2015/NĐ-CP nhưng đến nay ngân sách TW vẫn chưa bổ sung nguồn vốn cho Quỹ quốc gia về việc làm để cho vay lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (đối với người lao động thuộc hộ cận nghèo, người lao động là thân nhân người có công với cách mạng)…

“Trong giai đoạn tới thị trường lao động ngày càng sôi động hơn, phát triển hơn, nhu cầu việc làm chất lượng hơn, bền vững hơn, khởi nghiệp của người lao động, nhu cầu tiếp cận vốn tín dụng của các doanh nghiệp nhỏ và vừa, của lao động thanh niên, lao động nông thôn … đặt ra nhiều yêu cầu, thách thức với việc nâng cao hiệu quả và bảo đảm chất lượng tín dụng hỗ trợ của Nhà nước qua NHCSXH”, Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp nói.

Theo Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Văn Lý, trong Chiến lược phát triển của NHCSXH, ngân hàng định hướng chương trình giải quyết việc làm sẽ trở thành trụ cột trong các chương trình tín dụng ưu đãi, chính vì vậy, để góp phần thực hiện được mục tiêu đó, Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Văn Lý đề nghị: Chính phủ xem xét hằng năm cần tăng cấp bổ sung ngân sách Nhà nước, bổ sung nhiều nguồn lực của xã hội (trong nước và ngoài nước) cho Quỹ quốc gia về việc làm do nhu cầu vay vốn tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm ngày một tăng; đồng thời Chính phủ xem xét điều chỉnh tăng mức cho vay và thời gian vay vốn cho phù hợp với thực tiễn. Bộ LĐTB&XH nghiên cứu, tham mưu trình Chính phủ xem xét, điều chính lãi suất vay vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm lên bằng lãi suất vay vốn đối với hộ cận nghèo theo từng thời kỳ do Thủ tướng Chính phủ quy định.

Bên cạnh đó, UBND tỉnh, thành phố tiếp tục quan tâm bố trí nguồn lực từ ngân sách địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác ủy thác sang NHCSXH để cho vay giải quyết việc làm, chỉ đạo thu hồi nợ để tạo nguồn vốn cho vay quay vòng. Tăng cường chỉ đạo các cơ quan liên quan phối hợp chặt chẽ hơn nữa với NHCSXH trong việc nâng cao chất lượng hoạt động cho vay; lồng ghép có hiệu quả các chương trình khuyến nông, khuyến công, khuyến ngư… với hoạt động cho vay từ Quỹ quốc gia về việc làm.

Trần Trang - Mai Phương thực hiện

Các tin bài khác