Đắk Nông tập trung vốn cho vùng đồng bào DTTS

01/10/2018
(VBSP News) Vào những năm đầu được tái lập, tỉnh Đắk Nông còn nhiều khó khăn, đáng kể có đến 55/71 xã thuộc vùng khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao hơn 35% với 39.739 hộ, trong đó hộ nghèo là đồng bào DTTS chiếm 44,7%.
image001

Hộ gia đình anh K.KRai, dân tộc Mạ ở thôn 2 xã Đắk Som, huyện Đắk Glong vay vốn ưu đãi khai hoang đất trồng cà phê

Trong những năm qua, Đảng bộ và chính quyền tỉnh Đắk Nông đặc biệt quan tâm tới công tác giảm nghèo ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, vùng đồng bào DTTS; đồng thời chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể, huy động các nguồn lực như ngân sách địa phương, từ các doanh nghiệp trong, ngoài tỉnh và nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Nhà nước đã chung tay góp sức thực hiện chương trình giảm nghèo nhanh, bền vững cho vùng núi cao biên giới. Nhờ đó, đời sống của người dân, nhất là đồng bào DTTS ở Đắk Nông từng bước được cải thiện. Cụ thể năm 2011, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh chiếm 24,5%, đến năm 2015 giảm xuống còn 11,75% và cuối năm 2018 ước giảm 3%. Bộ mặt nông thôn nơi vùng sâu, vùng xa đã có nhiều khởi sắc.

Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông Nguyễn Bốn cho biết, nguồn vốn tín dụng chính sách cho vay ở 8 huyện, thị xã đạt 2.400 tỷ đồng với 69.386 hộ nghèo được vay vốn.

Trong giai đoạn 2010 - 2018, thông qua 12 chương trình tín dụng chính sách, đã có hơn 8.000 hộ đồng bào DTTS thoát nghèo, 9.200 lượt gia đình, cơ sở SXKD tạo được việc làm ổn định cho 12.600 lao động, gần 28 nghìn lượt hộ ở vùng nông thôn xây mới, sửa chữa công trình cung cấp nước sạch và xây nhà vệ sinh hợp chuẩn, hỗ trợ thiết thực hàng nghìn gia đình nghèo có điều kiện làm nhà ở kiên cố, qua đó góp phần vào việc phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, ổn định chính trị an ninh khu vực vùng cao biên giới. Tín dụng chính sách cũng tạo cơ hội cho người nghèo, đặc biệt là hộ đồng bào DTTS tiếp cận thuận lợi với vay vốn ngày càng nhiều, kịp thời đầu tư phát triển sản xuất hàng hóa.

Chứng minh cho hiệu quả hoạt động của tín dụng chính sách tại xã Đắk Som, huyện Đắk G.Long có gần 3.000 hộ dân, trong đó 73% là hộ đồng bào DTTS. Từ khi NHCSXH giao dịch tại xã, phối hợp với chính quyền, đoàn thể cơ sở, nên người dân tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi của Nhà nước rất nhanh chóng, thuận tiện. Nhờ có nguồn vốn vay, nhiều hộ dân trong xã phát triển các mô hình kinh tế gia đình, mua đủ vật tư phân bón, giống má tốt, đầu tư thâm canh hiệu quả đồi cà phê, vườn hồ tiêu, ruộng lúa nước.

Đơn cử về nhà anh K.KRai, dân tộc Mạ ở thôn 2 xã Đắk Som được vay vốn từ  NHCSXH huyện Đắk Glong năm 2008 với số tiền là 20 triệu đồng. Với nguồn vốn vay này, anh K.KRai quyết định khai hoang mở đất, mua giống cây trồng cà phê của gia đình.

Sau hai vụ thu hoạch, anh K.KRai đã trả xong số nợ cũ và tiếp tục được chính quyền xã, NHCSXH huyện tạo điều kiện, hướng dẫn làm các thủ tục để vay số tiền lớn hơn là 50 triệu đồng để mở rộng cơ ngơi sản xuất. Đến nay, diện tích cà phê nhà anh đã lên tới 7 ha. Mỗi năm, sau khi trừ chi phí, nguồn lãi từ kinh tế đồi rừng nhà anh K.KRai thu khoảng 200 triệu đồng.

Bà H.Giang - Phó Chủ tịch UBND xã Đắk Som cho biết những năm gần đây, NHCSXH luôn quan tâm ưu tiên dành vốn vay cho người nghèo gia đình đồng bào DTTS và trong 3 năm qua được hỗ cho cả các hộ vay thêm vốn ưu đãi của chương trình SXKD vùng khó khăn, giải quyết việc làm. Nhờ vậy, xã Đắk Som đạt mức tăng dư nợ hơn 33 tỷ đồng; tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 26,7% đầu năm 2015 xuống còn 9,4% cuối năm 2017, trong đó có nhiều hộ sử dụng vốn vay làm ăn khá giả, xây dựng mô hình kinh tế trang trại thu nhập mỗi năm hàng trăm triệu đồng.

Được biết, để đảm bảo nguồn vốn cho vay, đáp ứng cơ bản nhu cầu đầu tư cho SXKD của hộ nghèo và đồng bào DTTS, NHCSXH tỉnh Đắk Nông luôn tranh thủ nguồn vốn từ TW, ngân sách địa phương và tập trung chỉ đạo các đơn vị chủ động huy động vốn tại địa bàn. Theo đó, hằng năm, các ngân hàng cấp huyện thuộc tỉnh đã tích cực triển khai, áp dụng đồng bộ các giải pháp huy động vốn như đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến từng người dân, tới tận Tổ tiết kiệm và vay vốn thông qua các cơ quan truyền thông của tỉnh, huyện và tại các cuộc họp giao ban định kỳ xã, thị trấn. Nội dung tuyên truyền tập trung phổ biến cách thức gửi tiền tại các Điểm giao dịch xã và qua mạng lưới 1.519 Tổ tiết kiệm và vay vốn. Tính đến hết tháng 8/2018 tổng nguồn vốn huy động tại NHCSXH tỉnh được 161 tỷ đồng, tăng 24 tỷ đồng so với đầu năm 2018, trong đó tiền gửi thông quá Tổ tiết kiệm và vay vốn là 75 tỷ đồng, tiền gửi của các tổ chức cá nhân là 86 tỷ đồng, nâng tổng nguồn vốn cuối tháng 8/2018 đạt 2.385 tỷ đồng, tăng so với đầu năm là 173 tỷ đồng, đạt 99 kế hoạch năm.

Giám đốc NHCSXH tỉnh Đắk Nông Đào Thái Hòa cho biết để nguồn vốn chính sách phát huy hiệu quả và chuyển tải nhanh chóng đến đúng với hộ nghèo và gia đình đồng bào DTTS đặc biệt khó khăn, chúng tôi tăng cường phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể và các cấp chính quyền địa phương tiếp tục thực hiện tốt Chỉ thị 40 của Ban Bí thư TW Đảng về tín dụng chính sách xã hội, tập trung nguồn lực, chú trọng cải tiến đơn giản hóa thủ tục cho vay, quy trình tiếp cận các chương trình tín dụng chính sách, cũng như công tác bình ở cơ sở, xét duyệt phương án SXKD, tích cực phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác, các Ban quản lý Tổ tiết kiệm và vay vốn hướng dẫn người dân sử dụng, kiểm soát tốt nguồn vốn vay và lồng ghép hoạt động tín dụng chính sách với hoạt động ứng dụng kỹ thuật vào sản xuất nhằm mục tiêu giảm nghèo nhanh, bền vững và bảo đảm an sinh xã hội.

Bài và ảnh Đông Dư - Phan Anh

Các tin bài khác