Kết quả cho vay hộ nghèo ở Vĩnh Long

20/09/2018
(VBSP News) Theo kết quả điều tra mới nhất, đến cuối năm 2017 tỉnh Vĩnh Long còn 10.355 hộ nghèo, chiếm 3,71% tổng số hộ trên toàn địa bàn, giảm 4,4% so với năm 2016. Trong đó số huyện có tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh là Vùng Liêm giảm 3%, Tam Bình giảm 5,1%, Trà Ôn giảm 4,55%... Có được kết quả trên là do Ban chỉ đạo của địa phương đã đề ra các giải pháp thiết thực có hiệu quả nhằm thực hiện các mục tiêu, các giai đoạn của chương trình giảm nghèo bền vững.
Gia đình anh chị Thạch Thị Bông, người dân tộc Khmer ở xã Tân Mỹ, huyện Trà Ôn vay vốn hộ nghèo nuôi bò sinh sản và nuôi lợn

Gia đình anh chị Thạch Thị Bông, người dân tộc Khmer ở xã Tân Mỹ, huyện Trà Ôn vay vốn hộ nghèo nuôi bò sinh sản và nuôi lợn

Trước tiên phải kể đến giải pháp tập trung tạo nguồn lực và hỗ trợ mọi điều kiện sản xuất đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác. Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2018, NHCSXH tỉnh Vĩnh Long đã hỗ trợ 37 ngàn lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo được vay vốn tín dụng ưu đãi với tổng số tiền gần 300 tỷ đổng, bình quân mỗi hộ vay 20 triệu đồng, nâng tổng doanh số cho vay 16 năm qua lên 5.600 tỷ đồng với 660 ngàn lượt khách hàng.

Nguồn vốn tín dụng chính sách đã góp phần tích cực trong công tác giảm nghèo, giải quyết việc làm, bảo đảm an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới, đồng thời đóng vai trò quan trọng thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, tạo được sự phấn khởi, niềm tin tưởng trong nhân dân đối với Đảng, Nhà nước. Cụ thể các chương trình tín dụng chính sách do NHCSXH tổ chức thực hiện đã giúp cho 56.123 hộ thoát nghèo vượt ngưỡng cận nghèo, giải quyết việc làm ổn định cho gần 213 ngàn lao động khu vực nông thôn, hỗ trợ 58.889 HSSV đi học, sửa chữa xây dựng hơn 6.500 căn nhà ở và 159 ngàn công trình cung cấp nước sạch và xây mới nhà vệ sinh hợp chuẩn. Nhờ sự đầu tư kịp thời, đúng hướng của NHCSXH, nhiều mô hình, dự án làm ăn hiệu quả xuất hiện như những vườn bưởi da xanh ở xã Thanh Bình, huyện Vũng Liêm đạt thu nhập 200 triệu đồng/ha/năm, mô hình nuôi ba ba tại xã Bình Hòa huyện Long Hồ, thu lời 120 triệu đồng/1000m2; khôi phục, mở mang nhiều làng nghề truyền thống đan thảm lục bình, làm bánh tráng và thâm canh ruộng vườn, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi đạt năng suất, chất lượng cao tại các huyện thị xã Bình Minh, Tam Bình, Bình Tân, Măng Thịt… Ngoài ra, nguồn vốn chính sách đã cùng với Chương trình 134, 135 và các nguồn lực khác đã hỗ trợ đắc lực đồng bào DTTS có điều kiện phát triển kinh tế gia đình, giảm nghèo bền vững.

Thời gian qua, NHCSXH tỉnh Vĩnh Long không chỉ tập trung hàng trăm tỷ đồng ưu tiên đầu tư cho các ấp, xã ở các huyện Tam Bình, Trà Ôn, Vũng Liêm có đông đồng bào dân tộc Khmer nghèo sinh sống mà còn nỗ lực hướng dẫn bà con nâng cao nhận thức, kỹ năng áp dụng KHKT vào sản xuất, nhằm tăng năng suất và thu nhập, nâng cao cuộc sống, giảm nghèo bền vững. Do đó, tỷ lệ hộ nghèo vùng DTTS tỉnh Vĩnh Long bình quân giảm từ 3 - 4% an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ổn định khoảng cách chênh lệch với các vùng miền đồng bằng, thành thị thu hẹp dần. Song song với những kết quả về mặt kinh tế, hoạt động của chính sách tín dụng ưu đãi ở tỉnh Vĩnh Long cũng thu được hiệu quả xã hội rõ rệt. Những năm qua, nhất là từ khi đưa Chỉ thị 40 của Ban Bí thư TW Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, cả hệ thống chính trị và các ban, ngành toàn tỉnh Vĩnh Long đã vào cuộc sâu sát, chú trọng hơn trong công tác chỉ đạo, phối hợp chặt trẽ với NHCSXH triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách thông qua việc lồng ghép hoạt động tín dụng với các dự án, chương trình chuyển dịch cơ cấu trồng trọt, chăn nuôi, mở mang ngành nghề nông thôn, phát triển giáo dục, dạy nghề, tạo việc làm và xây dựng nông thôn mới. Từ sự chuyển biến mới đó nên mọi hoạt động cho vay, thu nợ, thu lãi, huy động tiết kiệm của NHCSXH tại 109 Điểm giao dịch xã được duy trì thường xuyên, nâng cao chất lượng. Việc bình xét vay vốn chính sách được tiến hành đân chủ, công khai ở khắp thôn làng, xóm ấp, cụm dân cư thông qua mạng lưới hơn 3.000 Tổ tiết kiệm và vay vốn.

Nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Chính phủ được NHCSXH chuyển tải kịp thời có ý nghĩa quan trọng đối với hộ nghèo, gia đình đồng bào DTTS tỉnh Vĩnh Long, giúp họ chủ động phát triển SXKD, làm kinh tế giỏi, vươn lên thoát nghèo bền vững.

Điển hình về thoát nghèo từ việc sử dụng vốn vay chính sách có ông Thạch Giảm, người dân tộc Khmer ở ấp Đại Nghĩa, xã Tam Bình. Khởi nghiệp từ 5 triệu đồng nuôi bò sinh sản từ vốn vay hộ nghèo năm 2009. Sau 4 năm, ông Giám bán 4 con bò thu lãi hơn 40 triệu đồng để đến năm 2014, ông lại được NHCSXH tạo điều kiện cho vay 50 triệu đồng để cải tạo rẫy truồng, bắp nếp, đậu đũa, rau màu các loại. Không chỉ được vay vốn chính sách thuận lợi, ông còn được hỗ trợ về kỹ thuật trồng trọt, chăm sóc đảm bảo cho cây phát triển tốt, không sâu bệnh và cho thu nhập cao. Ông Giảm cho biết, đặc điểm của rau màu là mất nhiều công chăm sóc nhưng bù lại chi phí thấp, ngắn ngày, nhanh cho thu hoạch. 3 năm nay, thu hoạch từ rau màu trừ chi phí mỗi năm cũng cho gia đình ông thu nhập khoảng 80 triệu đồng/năm. Kinh tế gia đình vậy mà hết khó khăn, có được cuộc sống khá giả.

Nông dân Vĩnh Long vay vốn chính sách đầu tư vườn cây ăn trái

Nông dân Vĩnh Long vay vốn chính sách đầu tư vườn cây ăn trái

Cũng được vay 30 triệu đồng của NHCSXH huyện Trà Ôn, chị Thạch Thị Bông ở ấp Mỹ Thuận, xã Tân Mỹ đã đầu tư nuôi bò sinh sản. Sau hơn 1 năm chăm sóc chu đáo, bò mẹ sinh sản được 2 chú bê con, chị bán lời 15 triệu đồng. Được sự tư vấn, hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi và học hỏi các mô hình sản xuất thành công của Hội PN, chị đã mạnh dạn bán bò và vay tiền vốn chính sách dành cho hộ cận nghèo chuyển sang nuôi tôm thẻ chân trắng. Vụ tôm đầu tiên chị thu hoạch được 1,8 tấn tôm với giá bán 120.000 đồng/kg đạt mức thu nhập hơn 200 triệu đồng, sau khi trừ đi tất cả các chi phí đầu tư ban đầu như đào ao, tiền mua con giống, thuê công đất… chị còn dư hơn 60 triệu đồng. Có tiền, chị tiếp tục đầu tư mua tôm giống, sau hơn 2 tháng, chị thu hoạch và bán được hơn 70 triệu đồng. Qua hai vụ tôm, gia đình chị đã có nguồn thu nhập khá. Chị dự định qua vài mùa tôm nữa, có tiền tích lũy chị sẽ cất ngôi nhà khang trang thay thế cho ngôi nhà tranh dột nát hiện nay.

Có thể nói, nguồn vốn tín dụng chính sách được NHCSXH tỉnh Vĩnh Long triển khai 16 năm qua đã mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần giúp hàng chục nghìn hộ nghèo, gia đình đồng bào DTTS phát triển kinh tế, nâng thu nhập, ổn định đời sống và từng bước vươn lên thoát nghèo. Thời gian tới NHCSXH tỉnh Vĩnh Long nỗ lực đảm bảo 100% hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác có nhu cầu và đủ điều kiện đều được tiếp cận các sản phẩm, dịch vụ do NHCSXH cung cấp; đồng thời tăng trưởng dư nợ bình quân hằng năm tối thiểu 8% (trong đó nguồn vốn ngân sách địa phương chuyển sang hàng năm tăng tối thiểu 20 tỷ đồng để cho vay giải quyết việc làm và xuất khẩu lao động). Bên cạnh đó, tập trung cho vay các chương trình mới, ưu tiên đầu tư cho các đơn vị còn nhiều hộ nghèo, hộ cận nghèo, xây dựng nông thôn mới… phấn đấu đến hết năm 2019 tổng dư nợ đạt trên 2.000 tỷ đồng.

Bài và ảnh Đông Dư - Phan Anh

Các tin bài khác