Người Khmer ở Sóc Trăng sinh kế từ nguồn vốn chính sách

25/09/2018
(VBSP News) Từ một vùng ven biển vùng ĐBSCL có số hộ Khmer sinh sống nhiều, chiếm tới 30,8% và tỷ lệ hộ nghèo chiếm gần 50%, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Ngô Hùng cho biết: Trên cơ sở các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và các thông tư, văn bản hướng dẫn của các Bộ, ngành, NHCSXH, UNBD tỉnh đã chỉ đạo các cấp chính quyền, đoàn thể, các ban, ngành địa phương có liên quan xây dựng Đề án thực hiện hiệu quả chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS.
NHCSXH huyện Châu Thành giao dịch với người nghèo tại Điểm giao dịch xã Thiện Mỹ

NHCSXH huyện Châu Thành giao dịch với người nghèo tại Điểm giao dịch xã Thiện Mỹ

Qua hơn 10 năm, từ 2007 đến nay, đồng bào DTTS ở tỉnh Sóc Trăng được thụ hưởng hầu hết các chương trình tín dụng tại NHCSXH, cụ thể có đến 52.554 khách hàng là người Khmer, Hoa đang còn dư nợ, chiếm 33,6% số hộ dư nợ tại 109 xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh với số tiền trên 100 tỷ đồng.

Để đồng vốn đến tận tay bà con DTTS tạo sinh kế giảm nghèo bền vững, NHCSXH tỉnh Sóc Trăng còn tập trung củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động mạng lưới Điểm giao dịch xã và hệ thống Tổ tiết kiệm và vay vốn tại phum, sóc, ấp để vừa chuyển tải nhanh chóng vốn chính sách về tận vùng sâu, vùng xa, vùng bãi ngang ven biển, phục vụ kịp thời mùa vụ sản xuất, vừa tăng cường khả năng tiếp cận đầy đủ dịch vụ tín dụng ngân hàng tới hộ vay là đồng bào DTTS.

Huyện Mỹ Xuyên nằm trong Chương trình 135 của Nhà nước có đông DTTS Khmer sinh sống với tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo cao. Từ thực tế đời sống và điều kiện sản xuất của vùng đặc biệt khó khăn, NHCSXH huyện Mỹ Xuyên đã chú trọng hỗ trợ vốn vay cho bà con nuôi bò, nuôi cá, trồng lúa, thâm canh vườn rau, ruộng hành tím mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt.

Gia đình bà Sơn Thị Ngọc Hạnh ở ấp Đại Nghĩa, xã Đại Tâm, trước đây thuộc diện nghèo khó, thiếu vốn sản xuất, không có đất sản xuất, nhưng nhờ vốn vay từ NHCSXH huyện Mỹ Xuyên đã giúp việc trồng trọt, chăn nuôi phát triển thoát được nghèo, xây cất được gian nhà ở kiên cố, khang trang. “Năm 2014, được Hội Phụ nữ xã tín chấp và NHCSXH huyện giúp đỡ, tôi sử dụng 45 triệu đồng từ nguồn vốn cho hộ nghèo và hộ DTTS đặc biệt khó khăn xây chuồng trại chắc chắn nuôi heo nái và mua bò vỗ béo. Sau 8 tháng, heo mẹ đẻ con đày đàn, con bò béo khỏe xuất bán lời hơn 20 triệu đồng. Dự định trong thời gian tới, gia đình tôi vay thêm tiền ngân hàng để phát triển chăn nuôi gia súc, trồng rau màu theo hướng sản xuất hàng hóa, phấn đấu thoát nghèo bền vững.

Gia đình bà Sơn Thị Ngọc Hạnh vay vốn nuôi bò

Gia đình bà Sơn Thị Ngọc Hạnh vay vốn nuôi bò

Cùng huyện Mỹ Xuyên, ông Sơn Uôi ở ấp Rạch Sên, xã Thạnh Phú vay vốn từ NHCSXH để đầu tư vào 3 công đất (3000m2) và 2 công cây rẫy (2000m2) trồng màu: Khổ qua, dưa leo và các loại rau quả khác. Vốn chăm chỉ lao động và biết áp dụng kỹ thuật trồng trọt, chăm sóc nên các loại rau màu do ông Sên trồng đều đạt năng suất cao, thu nhập ổn định, đạt khoảng trên 50 triệu đồng/năm, không chỉ thoát nghèo bền vững mà còn có tích lũy đáng kể, còn được vinh dự chọn đi báo cáo điển hình tại Hội nghị sơ kết 3 năm phong trào nông dân SXKD giỏi của huyện. Ông chia sẻ: “Những năm gần đây luôn được Hội Nông dân xã cho đi tập huấn chuyển giao KHKT, tôi về áp dụng vào trồng trọt, nên tốn ít chi phí nhưng kết quả cao, gia đình trả hết nợ cho ngân hàng, mua được thêm đất sản xuất”.

Có thể nói, cùng với những chính sách ưu đãi của Đảng, Nhà nước, sự chung tay góp sức của chính quyền địa phương và tinh thần vượt khó vươn lên thoát nghèo của từng hộ gia đình, giờ đây đời sống của đồng bào Khmer trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng đã từng bước nâng cao. Từ đó, đồng bào dân tộc càng phấn khởi, tin tưởng nêu cao tinh thần đoàn kết với cộng đồng, ra sức xây dựng nông thôn mới, xây dựng quê hương giàu đẹp.

16 năm kề vai sát cánh cùng người nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn, NHCSXH tỉnh Sóc Trăng đã góp phần thực hiện các chương trình mục tiêu về giảm nghèo bền vững, tạo việc làm, bảo đảm an sinh xã hội; góp phần hạn chế tình trạng HSSV phải bỏ học giữa chừng do gia đình gặp khó khăn về tài chính, nhiều hộ gia đình được xây dựng và sử dụng các công trình cung cấp NS&VSMTNT, các hộ nghèo có nhà ở ổn định, khang trang hơn; vốn vay ưu đãi đã giúp nhiều hộ nghèo, hộ khó khăn ở nông thôn phát triển SXKD, chăn nuôi, trồng trọt, khôi phục các làng nghề truyền thống, giúp nhiều hộ có điều kiện thoát nghèo để tiếp tục vươn lên trong cuộc sống, góp phần thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, giảm tỷ lệ thất nghiệp, hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Đặc biệt ở khu vực đồng bào DTTS, vùng đặc biệt khó khăn, đồng vốn tín dụng của NHCSXH còn có tác động quan trọng đối với việc bảo đảm an sinh xã hội, giữ vững an ninh, chính trị góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương theo định hướng của Đảng và Nhà nước.

Bài và ảnh Đông Dư - Phan Anh

Các tin bài khác