Chuyện dâu tằm và vốn chính sách

19/09/2018
(VBSP News) Thăng rồi trầm, thịnh rồi suy, lụa Bảo Lộc, Lâm Đồng đều đã trải. Vượt lên tất cả, chính quyền và người dân nơi đây đã và đang đưa những thước lụa truyền thống tuyệt đẹp trở lại với vị thế vốn có của nó, trở thành thành phố tơ lụa của Việt Nam; vượt ra khỏi biên giới đến với những thị trường khó tính nhất. Trong hành trình ấy, có sự đồng lòng của đồng bào Mạ, Mường và những cán bộ NHCSXH.
Cuộc sống của gia đình K’ Ché ở thôn 2, xã Lộc Tân đã sang trang với cây dâu, con tằm và đồng vốn chính sách

Cuộc sống của gia đình K’ Ché ở thôn 2, xã Lộc Tân đã sang trang với cây dâu, con tằm và đồng vốn chính sách

Từ con tằm, cây dâu…

Từ Bảo Lộc - trung tâm lớn nhất tỉnh Lâm Đồng về nghề trồng dâu nuôi tằm, đến xã Lộc Tân, huyện Bảo Lâm - nơi có tới 30% đồng bào Mạ, Mường từ Hòa Bình vào sinh sống, đâu đâu cũng mướt mát màu xanh của cây dâu và tiếng rào rào của những con tằm đang “ăn rỗi”. Nghề trồng dâu nuôi tằm đã thực sự hồi sinh trên mảnh đất bazan này.

Hơn chục năm từ Lạc Sơn, Hòa Bình di cư vào Lộc Tân, vợ chồng Quách Thị Viền, Bùi Văn Tư (sinh năm 1986) đã có 6 năm trồng dâu, nuôi tằm. Kinh nghiệm có, đất đai cũng có nhưng ngặt nỗi, vốn liếng thì không, nên cái nghèo vẫn bám riết lấy họ. Năm 2018, được Hội Nông dân xã Lộc Tân giới thiệu, tiếp cận với nguồn vốn tín dụng chính sách của NHCSXH huyện Bảo Lâm, hai vợ chồng đã vay 42 triệu đồng từ Chương trình Cho vay sản xuất kinh doanh vùng khó khăn và Nước sạch vệ sinh môi trường. “Bởi thế, chúng tôi mới có thêm 5 sào dâu”, chị Quách Thị Viền phấn khởi khoe.

Chị Quách Thị Viền kể cho chúng tôi nghe về tiềm năng của nghề trồng dâu nuôi tằm: Với diện tích dâu trên, mỗi tháng hai vợ chồng nuôi được hai hộp tằm giống; trừ chi phí, cũng thu về cả chục triệu đồng. Nghề này không tốn nhiều công sức, chỉ cần cẩn thận và nắm chắc thời điểm “tằm thức, tằm ngủ” để cho ăn đúng giờ, sẽ cho năng suất kén cao. “Nhờ vậy, chúng tôi mới có thời gian chăm sóc cho 6 sào cà phê và hái chè thuê mỗi khi có người gọi“, Bùi Văn Tư tiếp lời.

Cuộc sống cũng sang trang mới với gia đình K’Ché, ở thôn 2, Lộc Tân, khi nghề trồng dâu nuôi tằm được phục hồi và sự trợ giúp kịp thời từ nguồn vốn NHCSXH huyện Bảo Lâm. Ngoài 50 triệu đồng từ Chương trình hộ gia đình sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn, gia đình K’ Ché còn được vay 62 triệu đồng vốn giải quyết việc làm và nước sạch vệ sinh môi trường. Nhờ đó, mỗi năm, gia đình người K’Ho này thu lãi gần 150 triệu đồng từ cà phê và trồng dâu, nuôi tằm - một khoản tiền mà trong mơ họ cũng chưa bao giờ nghĩ tới.

Một điển hình nữa cho sự tiếp sức của nguồn vốn tín dụng chính sách là vợ chồng anh Nguyễn Quốc Trung và chị Phạm Thị Phượng ở thôn 3, Lộc Tân. Xuất phát điểm cũng là một hộ vô cùng khó khăn. Năm 2013, anh chị được vay 14 triệu đồng từ NHCSXH huyện Bảo Lâm. Nhờ những đồng vốn này, anh chị đã liên tiếp mở rộng diện tích dâu lên 1,5 mẫu. Mỗi năm nguồn dâu đủ cung cấp nguyên liệu nuôi 15 đợt tằm, mỗi đợt 10 hộp; trừ chi phí, anh chị thu về tiền tỷ.

Theo Chủ tịch UBND xã Lộc Tân Nguyễn Văn Tùng, nghề trồng dâu nuôi tằm vốn là nghề truyền thống của bà con trong xã. Thế nhưng đã có lúc, Lộc Tân phải phá bỏ gần hết diện tích dâu vì giá cả bấp bênh, kén sản xuất ra không tiêu thụ được, người dân không sống nổi với nghề. Khoảng vài năm trở lại đây, kén tằm sản xuất đến đâu hết đến đó; giá kén tăng cao và ổn định đã khiến diện tích dâu dần khôi phục, trở thành cây mang lại thu nhập cao cho bà con. Hiện, ngoài 4 nghìn hec-ta cà phê và chè, toàn xã hiện có 175ha dâu. “Riêng 6 tháng đầu năm, bà con trong xã thu hơn chục tỷ đồng từ trồng dâu, nuôi tằm”, ông Tùng cho biết.

… đến thành phố tơ lụa

Cũng nhờ những gương điển hình như vợ chồng Quách Thị Viền, Bùi Văn Tư, K’ Ché hay Nguyễn Quốc Trung và chị Phạm Thị Phượng… mà TP Bảo Lộc giờ đây không chỉ được biết đến là thủ phủ của nông nghiệp công nghệ cao với nhiều loại cây công nghiệp như chè, hoa, trái có giá trị, mà còn được người ta bắt đầu nhắc đến với cái tên “Thành phố tơ lụa”.

Theo Phó Chủ tịch UBND TP Bảo Lộc Lê Trọng Tuấn, nghề trồng dâu nuôi tằm đã qua cơn “bĩ cực” và đang hứa hẹn là loại cây làm giàu của Bảo Lộc nói chung và Lộc Tân nói riêng. Tỉnh cũng đã có chủ trương đưa Bảo Lộc trở thành thành phố tơ lụa của Việt Nam trong vòng 5 năm tới. Ước tính, toàn tỉnh Lâm Đồng hiện có hơn 5.000ha dâu với hàng trăm máy xe tơ dệt lụa hoạt động liên tục ngày đêm, tập trung chủ yếu tại TP Bảo Lộc. Để phục vụ cho mục tiêu trên, các ngành chức năng, trong đó có bà con Lộc Tân đang nỗ lực tạo nên vùng nguyên liệu gắn liền với sản xuất, chế biến tơ lụa.

Đơn cử, Trung tâm Nghiên cứu thực nghiệm nông lâm nghiệp Lâm Đồng đã nghiên cứu thành công 2 giống dâu mới là S7CB và VA201 cho năng suất tăng gấp 3 - 4 lần so với giống cũ, đạt khoảng 25 - 30 tấn/ha. Hiện nay, giống mới này đã nhanh chóng được thâm canh tại các vùng trồng dâu trên toàn tỉnh.

Thương hiệu Tơ lụa Bảo Lộc cũng đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu. Nhiều nhà máy chế biến tơ tằm quy mô lớn được xây dựng hoặc hoạt động trở lại, tạo công ăn việc làm cho hàng nghìn lao động trong lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ. Công nghệ sản xuất chế biến tơ lụa và các sản phẩm dệt may từ tơ lụa của Bảo Lộc được đầu tư cơ bản với dây chuyền sản xuất hiện đại, công suất cao, chiếm 75% năng lực ươm tơ, 70% năng lực xe tơ dệt lụa của cả nước. Công nghiệp ươm tơ dệt lụa đã tạo ra nhiều sản phẩm lụa chất lượng cao, xuất khẩu ra các nước như Nhật, Mỹ, Ấn Độ, Thái Lan, Trung Quốc và khối EU.

Tuy nhiên, điều khiến cả Chủ tịch xã Lộc Tân và Phó Chủ tịch TP Bảo Lộc chưa yên tâm là nguồn trứng tằm giống vẫn phụ thuộc vào Trung Quốc và đi qua đường tiểu ngạch nên không bảo đảm cả về chất lượng cũng như giá cả, nguồn cung… Bên cạnh đó, đầu ra của kén cũng phụ thuộc vào thương lái mà chủ yếu là thương lái Trung Quốc, dù trên địa bàn có nhiều nhà máy. Vì thế, hơn lúc nào hết, 4 nhà (Nhà nước, nhà khoa học, doanh nghiệp và ngân hàng) phải sát cánh với bà con. Trong đó, việc cần làm ngay là các nhà khoa học phải vào cuộc để giúp bà con chủ động về nguồn giống tằm.

8 tháng qua, NHCSXH tỉnh Lâm Đồng hoàn thành 228,2% kế hoạch nhận vốn ủy thác đầu tư tại địa phương, 79,3% kế hoạch tăng trưởng dư nợ; duy trì tỷ lệ nợ quá hạn 0,19%. Với hơn 2.500 Tổ tiết kiệm và vay vốn ở tất cả các thôn, buôn, tổ dân phố; 147 Điểm giao dịch xã, đã chuyển tải trên 745 tỷ đồng của 14 chương trình tín dụng chính sách cho hơn 27.400 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn. Riêng xã Lộc Tân, hiện dư nợ tín dụng đạt 29 tỷ đồng với trên 700 hộ vay. Toàn xã không có nợ quá hạn.

Bài và ảnh Thái Bình

Các tin bài khác