Huyện Ia Pa đẩy mạnh cho vay ưu đãi góp phần đẩy lùi “tín dụng đen”
Khi mới lập gia đình ra ở riêng không có vốn làm ăn, vợ chồng ông Siu Ch’Bai ở thôn Plei Toan 2, xã Ia KDăm, huyện Ia Pa thường xuyên phải vay mượn của các hộ tư thương trong xã. Lúc ít thì vài triệu đồng khi nhiều lên đến vài, ba chục triệu rồi đến mùa trả bằng nông sản. Vay với lãi suất cao nên làm lụng quanh năm chỉ đủ trả tiền lãi. Rồi đầu năm 2013, gia đình ông được tiếp cận với vay ưu đãi của Nhà nước thông qua NHCSXH. Với số tiền 30 triệu đồng, ông mua bò, phân bón chăm sóc cho cây trồng. Chăm chỉ, biết cách sản xuất, tích góp trong sinh hoạt nên kinh tế gia đình ngày càng khấm khá hơn. Trả tiền vay, ông lại tiếp tục vay thêm 50 triệu đồng để đầu tư phát triển kinh tế. Và vừa qua, gia đình ông đã xây được ngôi nhà mới khang trang.
Ông Siu Ch’Bai cho biết: “Lúc làm ăn thiếu vốn thì mình vay ở ngoài 6 - 7 triệu rồi lúc trả thì trả bằng bắp, bằng lúa tính ra thì không có lời. Bây giờ mình được vay của NHCSXH thì đỡ hơn nhiều. Vay vốn mình mua phân bón, chăn nuôi, bây giờ thì cuộc sống đỡ rồi chứ trước đây vay bên tư thương lãi suất cao quá”.
Theo báo cáo, trong tổng số dư nợ cho vay của NHCSXH huyện Ia Pa là trên 245 tỷ đồng thì dư nợ cho vay trong vùng đồng bào DTTS chiếm hơn 60% với gần 6.000 lượt hộ vay. Đây là nguồn vốn ưu đãi giúp cho rất nhiều hộ dân điều kiện phát triển sản xuất, cải thiện cuộc sống.
Chị Siu H’Nhim ở thôn Ma Rin 2, xã Ama Rơn, huyện Ia Pa cũng cho biết: “Vay vốn ở NHCSXH thì người dân mình làm chuồng bò, mua bò và nuôi một hai năm thì mình bán có khi là trả được cả gốc, cả lãi luôn. Nói chung vay bên Ngân hàng nó lợi hơn vay ở ngoài”.
Qua thống kê của huyện Ia Pa, hiện nay trên địa bàn có 790 người dân là đồng bào DTTS đang vay vốn ngoài hệ thống ngân hàng dưới nhiều hình thức, với tổng giá trị thành tiền gần 19 tỷ đồng. Tuy nhiên, vì nhiều lý do mà người dân không muốn tiết lộ việc vay vốn của gia đình mình, cho nên con số này chắc chắn còn cao hơn nhiều. Chính vì thế mà hiện nay, huyện Ia Pa đã chỉ đạo các ngành, địa phương tiếp tục đẩy mạnh việc hỗ trợ vốn vay ưu đãi nhằm hạn chế tình trạng “tín dụng đen” trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Bà R’Mah H’Ploanh - Chủ tịch UBND xã Ia KDăm, huyện Ia Pa cho biết về thực trạng “tín dụng đen” trên địa bàn: “Chúng tôi đã tiến hành rà soát trên địa bàn và cũng có một vài hộ vay. Tuy nhiên đa phần người dân là họ giấu đi nên cũng làm khó cho xã. Chúng tôi cũng tuyên truyền, vận động bà con mình tiếp cận với vốn vay ưu đãi của NHCSXH để giúp bà con thoát khỏi “tín dụng đen”.
Ông Nguyễn Văn Diệu - Giám đốc NHCSXH huyện Ia Pa cho biết: “Ngân hàng tăng cường công tác phối hợp với chính quyền địa phương và các hội đoàn thể ở cơ sở tuyên truyền, thông tin những chính sách tín dụng của NHCSXH để người dân hiểu; đồng thời cũng rà soát tuyên truyền đến hộ nghèo, cận nghèo nắm được các thông tin để được tiếp cận vay vốn ưu đãi và sử dụng vốn vay đúng mục đích vươn lên thoát nghèo và góp phần đẩy lùi tình trạng “tín dụng đen” bên ngoài’.
Thiết nghĩ, để đẩy lùi tình trạng “tín dụng đen” trong vùng đồng bào DTTS thì bên cạnh giải pháp căn cơ là tạo điều kiện cho người dân tiếp cận với các nguồn vốn tín dụng, nhất là tín dụng ưu đãi thì vấn đề cốt lõi vẫn chính là người dân; cần có những thay đổi từ tư duy, cách thức sản xuất và biết cách tính toán, chi tiêu hợp lý và tích lũy trong gia đình.
Theo Đài PTTH Gia Lai
Các tin bài khác
- » Không lo thiếu tiền, chỉ lo thiếu quyết tâm đi học
- » Có vốn trong tay nông dân bàn cách làm giàu
- » Làn gió “giảm nghèo” đến với Cúc Phương
- » Trao cơ hội “an cư”
- » Làm giàu tư chuyển đổi cây trồng, vật nuôi phù hợp
- » Làm giàu không khó
- » Hiệu quả từ nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm ở Bỉm Sơn
- » Đức Cơ phát huy hiệu quả nguồn vốn ưu đãi
- » Bình Gia nâng cao chất lượng tín dụng chính sách
- » Mang niềm vui đến với học sinh nghèo vùng cao Đắk Nông