Bình Gia nâng cao chất lượng tín dụng chính sách

10/09/2018
(VBSP News) Không chỉ nhanh chóng đưa nguồn vốn tín dụng ưu đãi đến với người nghèo và các đối tượng chính sách, thời gian qua, NHCSXH huyện Bình Gia (Lạng Sơn) luôn quan tâm thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng tín dụng.
Người dân ở xã Tô Hiệu vay vốn chăn nuôi bò

Người dân ở xã Tô Hiệu vay vốn chăn nuôi bò

Ông Thân Văn Hiếu - Giám đốc NHCSXH huyện Bình Gia cho biết: “Để nâng cao chất lượng tín dụng, đơn vị đặc biệt chú trọng đến công tác củng cố, kiện toàn các Tổ tiết kiệm và vay vốn, đánh giá nghiêm túc hoạt động của các tổ hằng tháng. Theo đó, các tổ trung bình, yếu kém, hoạt động không đúng quy định, đơn vị sẽ triển khai tập huấn, hướng dẫn hoặc kiện toàn, củng cố, sắp xếp lại… Từ đầu năm 2018 đến nay, số Tổ tiết kiệm và vay vốn giảm 13 tổ so với năm 2017, hiện nay, toàn huyện có 222 tổ hoạt động khá, tốt, không có tổ hoạt động yếu”.

Đối với hoạt động giao dịch tại xã, đơn vị nỗ lực khắc phục khó khăn, duy trì đúng giờ, đúng lịch giao dịch. Việc kiểm tra hòm thư góp ý, niêm yết danh sách các hộ vay, gửi tiền tiết kiệm được thực hiện đầy đủ; những quy định mới về lãi suất, mức vay, chính sách vốn được cập nhật kịp thời. Cuối buổi giao dịch, đơn vị thực hiện giao ban với Ban giảm nghèo, các hội, đoàn thể, Tổ tiết kiệm và vay vốn để giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện các chương trình cho vay ưu đãi.

Để nguồn vốn sử dụng hiệu quả, công tác kiểm tra, giám sát thường xuyên được thực hiện. Hằng tháng, cán bộ phụ trách địa bàn phối hợp chặt chẽ với các tổ chức hội, đoàn thể, Tổ tiết kiệm và vay vốn kiểm tra, giám sát, nhắc nhở kịp thời các hộ sử dụng vốn. Từ đầu năm đến nay, phòng giao dịch đã đối chiếu, phân tích nợ tại 4 xã, 969 hộ vay.

Bên cạnh đó, để nâng cao chất lượng quản lý vốn, NHCSXH huyện luôn chú trọng đào tạo, tập huấn. Từ đầu năm 2018 đến nay, huyện tập huấn xong công tác quản lý vốn cho các Tổ tiết kiệm và vay vốn, hội, đoàn thể và Ban giảm nghèo xã.

Nhờ thực hiện đồng bộ các biện pháp nâng cao chất lượng tín dụng, nguồn vốn cho vay được giải ngân kịp thời, đáp ứng nhu cầu vốn của hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Hiện nay, tổng dư nợ các chương trình trên địa bàn huyện đạt hơn 243 tỷ đồng, với 7.200 lượt hộ vay. Trong đó, một số chương trình vốn có dư nợ cao như cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ gia đình SXKD tại vùng khó khăn…

Các hộ vay đều có trách nhiệm với đồng vốn vay nên sử dụng vốn đúng mục đích, có hiệu quả. Nhờ có vốn vay ưu đãi, nhiều hộ nghèo đã có vốn để đầu tư vào sản xuất, tạo việc làm như chăn nuôi, trồng trọt, dịch vụ buôn bán… giúp đời sống người dân từng bước đổi thay, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện trung bình từ 3 - 5%/năm.

Gia đình ông Hoàng Đức Hùng ở thôn Phai Lay, xã Tô Hiệu là một trong số hàng nghìn hộ đã vươn lên thoát nghèo và xây dựng được mô hình kinh tế hiệu quả từ nguồn vốn của NHCSXH. Ông Hùng cho biết: “Thông qua Hội CCB xã, năm 2012 tôi được vay 10 triệu đồng từ NHCSXH để mua bò cái về nuôi, sau 2 năm đã thu lại được vốn và có lãi, đến nay đã có 5 con bò và bê. Mỗi năm, gia đình xuất bán từ 1 - 2 con bò, với giá khoảng 40 triệu đồng/con, hằng năm gia đình có thu nhập trên 80 triệu đồng. Từ đó, gia đình tôi có vốn để phát triển trồng trọt, kinh tế gia đình ngày càng ổn định, năm 2016, gia đình tôi đã xây được nhà cửa khang trang”.

Một trong những nhiệm vụ quan trọng để nâng cao chất lượng tín dụng là công tác thu nợ quá hạn. Để thực hiện tốt chỉ tiêu, ngay từ đầu năm, NHCSXH huyện đã quán triệt, triển khai nhiều biện pháp nâng cao chất lượng tín dụng, trong đó tập trung củng cố, kiện toàn Tổ tiết kiệm và vay vốn; nâng cao hoạt động giao dịch tại xã và tăng cường kiểm tra, giám sát tình hình sử dụng vốn. Kết quả, tỷ lệ nợ quá hạn chỉ chiếm 0,09% tổng dư nợ.

Theo Kim Huyên Báo Lạng Sơn

Các tin bài khác