Nhiều hộ thoát nghèo nhờ nguồn vốn vay ưu đãi

31/08/2018
(VBSP News) Nhờ vốn vay từ NHCSXH để đầu tư vào phát triển sản xuất, nhiều hộ nghèo, hộ đồng bào DTTS tại huyện Đắk R’lấp (Đắk Nông) đã có điều kiện vươn lên thoát nghèo, xây dựng cuộc sống ổn định.
Nhiều hộ đồng bào DTTS ở xã Nhân Đạo, huyện Đắk R’lấp được vay vốn từ NHCSXH đầu tư vào sản xuất nông nghiệp

Nhiều hộ đồng bào DTTS ở xã Nhân Đạo, huyện Đắk R’lấp được vay vốn từ NHCSXH đầu tư vào sản xuất nông nghiệp

Gia đình bà H’Luật ở bon Pi Nao, xã Nhân Đạo là một trong những hộ thoát nghèo nhờ vốn vay ưu đãi. Theo bà H’Luật, cách đây hơn 4 năm, gia đình bà thuộc diện nghèo của xã. Nhà đông người, không có vốn làm ăn nên khó khăn chồng chất khó khăn.

Đầu năm 2015, gia đình bà được xem xét, tạo điều kiện cho vay 30 triệu đồng theo nguồn vốn chương trình cho vay hộ nghèo từ NHCSXH huyện chăm sóc hơn hơn 1ha cà phê, hồ tiêu. Để phát huy hiệu quả nguồn vốn vay, gia đình bà tích cực tham gia các lớp tập huấn về kỹ thuật trồng trọt và chăn nuôi do địa phương tổ chức. Khi có kiến thức cơ bản, gia đình bà H’Luật biết chăm sóc vườn cây đúng quy trình kỹ thuật, nhờ đó vườn cà phê, hồ tiêu phát triển tốt, cho năng suất cao. Vụ năm 2017, hơn 1ha cà phê, tiêu của gia đình cho thu hoạch hơn 3,5 tấn, cao gấp 3 lần so với năm 2016. Sau khi trừ các khoản chi phí, gia đình thu về hơn 70 triệu đồng.

Bà H’Luật chia sẻ: “Vốn và khoa học kỹ thuật rất quan trọng với người dân trong quá trình sản xuất nông nghiệp. Gia đình tôi được địa phương tạo điều kiện cho vay vốn, rồi được tham gia các lớp tập huấn nên mới có ngày hôm nay. Tôi mong muốn rằng, sau khi trả hết vốn hộ nghèo, NHCSXH tiếp tục tạo điều kiện cho gia đình được vay vốn theo chương trình ưu đãi khác để mua thêm gà, bò về nuôi, nhằm tăng thêm thu nhập”.

Không chỉ riêng gia đình bà H’Luật, thời gian qua, nhờ nguồn vốn vay ưu đãi, nhiều hộ nghèo, nhất là hộ đồng bào DTTS tại bon Pi Nao đã có điều kiện đầu tư mở rộng sản xuất, chăn nuôi để vươn lên thoát nghèo bền vững.

Ông Y Thanh - Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn bon Pi Nao cho biết: “Trước năm 2013, toàn bon Pi Nao có 96 hộ đồng bào DTTS, trong đó có đến 90% thuộc diện hộ nghèo. Những năm gần đây, do được vay vốn ưu đãi, nhiều hộ đã có điều kiện phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo. Bình quân mỗi năm, trong bon có từ 8 đến 10 hộ thoát nghèo bền vững. Đến nay, toàn bon chỉ còn 20 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ gần 21%”.

Tương tự, nhờ nguồn vốn vay ưu đãi, nhiều hộ gia đình tại xã Đắk Wer đã vươn lên thoát nghèo, xây dựng cuộc sống gia đình ngày càng ổn định. Ông Trần Văn Bột, ở thôn 1, xã Đắk Wer cho biết: “Thông thường, thủ tục vay vốn tại NHCSXH luôn ngắn gọn, đơn giản. Nguồn vốn vay tại NHCSXH được giải ngân nhanh chóng. Nhờ đó, những hộ nghèo như chúng tôi có vốn kịp thời để giải quyết khó khăn trước mắt”.

Theo ông Lê Quang Dũng - Phó Chủ tịch UBND xã Đắk Wer thì toàn xã hiện có hơn 900 hộ dân. Trước đây, đời sống của người dân, đặc biệt là các hộ đồng bào DTTS trên địa bàn gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, những năm gần đây, được sự quan tâm tạo điều kiện thuận lợi của NHCSXH huyện, bà con đã được vay vốn ưu đãi để phát triển sản xuất. Đến nay, có gần 400 lượt hộ được tiếp cận vốn từ NHCSXH huyện, với tổng dư nợ hơn 30 tỷ đồng. Với số vốn ưu đãi được vay, các hộ gia đình đã đầu tư chăm sóc cà phê, hồ tiêu, trồng cây ăn trái và mở rộng chăn nuôi. Để nguồn vốn phát huy hiệu quả, về phía chính quyền địa phương cũng thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao KHKT cho người dân trên địa bàn. Vừa có vốn, lại được tiếp cận thêm thông tin, kỹ thuật về chăm sóc cây trồng, vật nuôi nên số hộ gia đình làm ăn có hiệu quả ngày càng được nâng lên. Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn xã Đắk Wer chỉ còn 5,3%.

Theo ông K’Ngai - Giám đốc NHCSXH huyện Đắk R’lấp, tính đến nay, toàn huyện có gần 9.000 hộ nghèo, gia đình thuộc diện chính sách được vay vốn ưu đãi, với dư nợ hơn 293 tỷ đồng. Để tạo điều kiện cho các gia đình được vay vốn ưu đãi, hằng năm, NHCSXH huyện đã làm tốt công tác tham mưu cho UBND huyện kịp thời phân bổ các nguồn vốn tín dụng đến các xã, thị trấn, bảo đảm nguồn vốn đáp ứng kịp thời nhu cầu của hộ vay. Đội ngũ cán bộ ngân hàng còn thường xuyên phối hợp với các đơn vị ủy thác đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân sử dụng vốn vay đúng mục đích. Do đó, các hộ vay vốn đã đầu tư vào sản xuất có hiệu quả, từng bước nâng cao thu nhập và vươn lên thoát nghèo, góp phần đưa tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện giảm còn 6,5%.

Theo Văn Tâm Báo Đắk Nông

Các tin bài khác