Nông dân Mường Nhé vượt khó làm giàu
Gia đình ông Lầu A Dế chuyển về định cư tại bản Mường Toong 3, xã Mường Toong huyện Mường Nhé từ năm 2008. Nhà cửa tạm bợ, đất đai sản xuất hầu như không có, cuộc sống vô cùng chật vật, khó khăn. Đó là chuyện dễ hiểu đối với những gia đình khi mới di cư từ nơi khác về đây. Nhưng nay, sau mười năm, gia đình ông đã dựng được căn nhà gỗ trị giá hàng trăm triệu đồng với đầy đủ các vật dụng tiện nghi hiện đại; cùng với mô hình trang trại VAC đã được xây dựng quy củ và cho thu nhập đều đặn. Thành quả này có được không chỉ do bản tính chăm chỉ, cần cù mà còn nhờ sự mạnh dạn dám nghĩ, dám làm của người nông dân nhiều năm liền thấm cái khó, cái khổ của nghèo đói. Khi mới lập nghiệp, với diện tích nương ít ỏi một năm làm một vụ lúa may thì chỉ đủ ăn, sau đó ông chuyển sang trồng ngô nhưng thu nhập vẫn bấp bênh. Không chịu bó tay, sau khi đi tìm hiểu, học hỏi, ông Lầu A Dế quyết định đưa giống ngô Thái Lan CP511 vào trồng. Vụ đầu tiên thắng lớn, ông mạnh dạn vay NHCSXH huyện 50 triệu đồng mua thêm các mảnh nương liền kề để mở rộng diện tích trồng ngô. Trên diện tích 4ha nương, gia đình ông chỉ canh tác cây ngô. Nhờ tuân thủ khung lịch gieo trồng, bón phân chăm sóc đầy đủ nên nương ngô của ông đạt năng suất rất cao; trung bình mỗi héc ta đạt trên 6 tấn ngô thành phẩm. Riêng trong vụ ngô năm 2017, gia đình ông thu hoạch được trên 25 tấn ngô khô, xuất bán cho thương lái với giá 5.000 đồng/kg, thu về trên 125 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí sản xuất, gia đình ông thu lãi trên 90 triệu đồng. Có vốn tích lũy ông tiếp tục đầu tư vào mô hình VAC, với một ao nuôi cá thương phẩm trên 1000m2, một ao nuôi cá kết hợp cấy lúa rộng 2000m2. Chỉ với cây trồng truyền thống là cây ngô, nhưng ông Dế đã chứng minh có thể đạt được hiệu quả kinh tế cao nếu mạnh dạn đưa giống mới, năng suất cao, đầu tư phân bón và tích cực áp dụng KHKT tiên tiến vào sản xuất. Mô hình kinh tế của ông Dế cũng được Hội Nông dân xã Mường Toong tích cực tuyên truyền cho đông đảo hội viên đến học hỏi. Hiện nay Hội Nông dân xã Mường Toong có 18 chi hội với hơn 740 hội viên.
Hội Nông dân xã cũng tích cực vận động hội viên mạnh dạn tiếp cận nguồn vốn vay từ NHCSXH để mở rộng phát triển SXKD. Hiện Hội Nông dân xã Mường Toong đang quản lý 7 Tổ tiết kiệm và vay vốn với tổng dư nợ đạt trên 8 tỷ đồng. Từ nguồn vốn vay, nhiều gia đình hội viên đã mua trâu, bò giống, xây dựng mô hình chăn nuôi lợn, dê, gà; đầu tư xây dựng các mô hình trồng cây ăn quả mang lại hiệu quả kinh tế. Thực tế cho thấy, nguồn vốn để khởi nghiệp luôn là khó khăn lớn nhất của nhiều hộ gia đình, một số hộ khác lại gặp khó khăn do không biết bắt đầu từ đâu, trồng cây gì, nuôi con gì cho hiệu quả và phù hợp. Với chức năng tập hợp, đoàn kết và giúp đỡ hội viên phát triển, trong giai đoạn vừa qua Hội Nông dân huyện Mường Nhé đã có nhiều giải pháp, việc làm cụ thể, thiết thực hướng về hội viên. Trong đó rõ nét nhất chính là việc thực hiện ủy thác để các hội viên tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi từ NHCSXH huyện.
Những năm qua, hội phối hợp với NHCSXH huyện thành lập được 50 Tổ tiết kiệm và vay vốn cho trên 1.700 lượt hộ vay với tổng dư nợ đạt trên 62 tỷ đồng. Song song với tạo điều kiện cho hội viên vay vốn, Hội Nông dân huyện tích cực phối hợp với các phòng, ban chuyên môn và Trung tâm dạy nghề của huyện mở các lớp tập huấn, đào tạo nghề, tổ chức tham quan các mô hình kinh tế trong và ngoài tỉnh cho hội viên nông dân học hỏi áp dụng vào sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi. Được hỗ trợ về vốn và được chuyển giao KHKT, nhiều hộ gia đình đã chuyển đổi thành công từ sản xuất, chăn nuôi theo tập tục cũ, tự cung tự cấp, nhỏ lẻ sang sản xuất theo hướng hàng hóa. Từ đó có nhiều hộ không những đã thoát nghèo mà còn vươn lên trở thành khá giàu. Đến nay toàn huyện Mường Nhé có gần 120 hội viên SXKD giỏi các cấp. Trong đó có 7 hộ cấp TW, hơn 30 hộ đạt danh hiệu SXKD giỏi cấp tỉnh.
Gia đình hội viên Quàng Văn Phánh ở bản Mường Nhé Mới, xã Mường Nhé lâu nay được biết đến với mô hình nuôi cá thương phẩm quy mô lớn. Trước đây, thay vì chỉ độc canh cây ngô trên nương, ông Phánh mạnh dạn vay vốn NHCSXH đầu tư đào 6 ao nuôi cá, với diện tích gần 1ha. Vừa làm ông vừa học hỏi tích lũy kinh nghiệm. Sau nhiều khó khăn, vất vả và cả những thất bại, mô hình nuôi cá thương phẩm của ông cho thu hoạch đều đặn 2 - 3 tấn cá/năm, thu nhập từ 150 - 200 triệu đồng. Không tự bằng lòng với thành quả đạt được, với tinh thần dám nghĩ, dám làm, ông Phánh còn đầu tư mở rộng phát triển kinh tế gia đình theo nhiều hướng mới.
Hiện nay, tỷ lệ hộ nghèo của hội viên nông dân huyện Mường Nhé còn chiếm gần 70%. Trong khi điều kiện kinh tế - xã hội của huyện còn hết sức khó khăn thì những mô hình phát triển kinh tế của ông Dế, ông Phánh là những điển hình cần được phát huy, nhân rộng trên địa bàn toàn huyện. Để giúp các gia đình hội viên vươn lên giảm nghèo, ngoài nỗ lực của các cấp hội nông dân thì, rất cần sự quan tâm hỗ trợ giống, vốn vay từ NHCSXJ và chuyển giao KHKT của các cấp, các ngành. Từ đó giúp bà con nông dân từng bước giảm nghèo theo hướng bền vững và vươn lên làm giàu chính đáng trên mảnh đất biên cương Tổ quốc.
Theo Chu Linh - Trọng Lâm Đài PT&TH Điện Biên
Các tin bài khác
- » Tín dụng chính sách góp phần thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển
- » Vốn vay ưu đãi giúp giải quyết việc làm cho nhiều lao động
- » Tân Trào ngày mới
- » Hãy nói với các sinh viên khó khăn rằng “Chính phủ có cho vay tiền đi học”
- » Tiếp tục nâng cao hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách
- » Giảm nghèo từ nguồn vốn vay ưu đãi
- » Đồng hành cùng người nghèo ở huyện Kbang
- » Hội CCB Hoàng Su Phì phát huy hiệu quả nguồn vốn vay ủy thác
- » Tín dụng chính sách nuôi dưỡng ước mơ học tập
- » Lễ công bố thành lập Đảng bộ Trung tâm Công nghệ Thông tin