Vốn vay ưu đãi giúp giải quyết việc làm cho nhiều lao động

25/08/2018
(VBSP News) Những năm qua, nguồn tín dụng ưu đãi từ chương trình giải quyết việc làm thông qua NHCSXH trên địa bàn huyện Nguyên Bình (Cao Bằng) đang đóng vai trò hỗ trợ đắc lực trong việc giải quyết nhu cầu việc làm cho người lao động tại địa phương, giúp cho nhiều hộ gia đình mở rộng, phát triển các mô hình SXKD, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động phù hợp với cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống. Tuy nhiên, hiện nay, tình trạng nguồn vốn vẫn còn hạn hẹp, chưa đáp ứng được hết nhu cầu của người lao động.
Một cơ sở sản xuất miến dong tại huyện Nguyên Bình được vay vốn từ chương trình tín dụng giải quyết việc làm

Một cơ sở sản xuất miến dong tại huyện Nguyên Bình được vay vốn từ chương trình tín dụng giải quyết việc làm

Gia đình anh Hoàng Văn Tường ở xóm Nà Gọn, thị trấn Nguyên Bình, huyện Nguyên Bình là một trong những hộ được xét cho vay từ nguồn Quỹ quốc gia giải quyết việc làm trong năm 2017. Với số vốn 50 triệu đồng, gia đình anh Tường đã đầu tư mua 3 con trâu sinh sản. Nhờ chăm sóc tốt, trâu mẹ đã sinh sản thêm được 1 nghé con, bán được 25 triệu đồng, đồng thời tạo việc làm cho 2 lao động trong gia đình. Nhờ có vốn vay giải quyết việc làm nên những khó khăn do thiếu vốn đầu tư ban đầu đã được khắc phục, đàn trâu của gia đình sinh trưởng, phát triển tốt. Với đà này, chỉ trong khoảng 2 năm tới là gia đình anh Tường có thể thu hồi vốn, trả nợ và có chút ít tích lũy để tái đầu tư cho sản xuất.

Theo số liệu thống kê, tổng số người trong độ tuổi lao động ở huyện Nguyên Bình là hơn 20.500 người, chiếm 51% dân số. Vì vậy, nhu cầu về việc làm của người dân khá lớn. Để giảm tỷ lệ lao động thất nghiệp, nâng tỷ lệ sử dụng thời gian lao động trong các nhóm ngành nghề, nhất là nông lâm nghiệp, huyện đã chỉ đạo Phòng LĐTB&XH, các xã, thị trấn trong huyện phối hợp chặt chẽ với NHCSXH làm tốt công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân tiếp cận với các nguồn vốn vay ưu đãi phát triển sản xuất, nhất là vốn vay từ Quỹ quốc gia giải quyết việc làm. Vì vậy, khi nguồn vốn vay từ Quỹ quốc gia giải quyết việc làm về với địa phương, nhiều hộ gia đình đã coi đây là cứu cánh trong việc tạo thêm việc làm, nhất là những hộ có sức lao động nhưng thiếu vốn, góp phần tăng thu nhập, cải thiện kinh tế gia đình.

Theo báo cáo của NHCSXH huyện Nguyên Bình, đến nay, tổng dư nợ cho vay giải quyết việc làm trên địa bàn huyện là trên 3,2 tỷ đồng với 85 hộ vay. Trong đó chủ yếu vay phát triển chăn nuôi trâu, bò, lợn và phát triển ngành nghề, mức vay được điều chỉnh tối đa lên 50 triệu đồng/hộ. Xác định nguồn vốn vay giải quyết việc làm là một trong những kênh quan trọng hỗ trợ người dân trên địa bàn huyện tạo ra và duy trì ổn định các công việc, mô hình SXKD, qua đó, góp phần phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, thời gian qua, NHCSXH huyện đã đẩy mạnh thông tin tuyên truyền; chủ động phối hợp với các địa phương tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân tiếp cận nguồn vốn này. Hằng năm, căn cứ vào nhu cầu vốn của các địa phương, NHCSXH huyện sẽ rà soát và phân bổ vốn trên cơ sở ưu tiên những địa phương có nhiều lao động dư thừa và những địa phương sử dụng có hiệu quả nguồn vốn.

Hiệu quả từ chương trình cho vay giải quyết việc làm dù được đánh giá cao, song thực tế vẫn còn nhiều trăn trở. Đó là nguồn vốn cho vay từ Quỹ quốc gia về việc làm còn hạn chế, hằng năm ngân sách Nhà nước bổ sung cho nguồn vốn này rất ít, chủ yếu quay vòng vốn cũ trong khi nhu cầu vay vốn trên thực tế của người dân rất lớn nên chưa đáp ứng được việc vay vốn của đại bộ phận dân cư, nhất là trong giai đoạn chuyển dịch cơ cấu kinh tế mạnh mẽ như hiện nay. Bên cạnh đó, mức cho vay/một hộ gia đình, cơ sở SXKD tuy đã được điều chỉnh song theo nhiều hộ dân phản ánh thì vẫn còn thấp so với thực tế nhu cầu vốn đầu tư của các hộ, nhất là những hộ phát triển các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, phát triển chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa.

Với đặc thù của tỉnh vùng cao, chưa có các cụm công nghiệp, khu công nghiệp “có tầm”, số nhà máy, xí nghiệp thu hút, giải quyết việc làm cho người lao động vô cùng khiêm tốn. Chính vì vậy, vấn đề giúp người lao động tự tạo việc làm luôn được các cấp, các ngành từ tỉnh đến cơ sở đặc biệt quan tâm. Và việc tiếp cận được với vốn vay ưu đãi từ Quỹ quốc gia về việc làm giúp người lao động quay vòng vốn đầu tư mở rộng SXKD đã giải được “bài toán” mấu chốt, góp phần quan trọng để người lao động tạo dựng việc làm, có thu nhập ổn định. Vì vậy, các cấp, ngành và địa phương cần thực hiện các giải pháp đồng bộ, kịp thời tháo gỡ những khó khăn hiện nay để giúp chương trình phát huy được những hiệu quả tích cực hơn nữa, đồng thời giải quyết nhu cầu bức thiết về việc làm của lao động địa phương, nhất là ở các xã vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới.

Theo Diệu Linh - Đàm Kiều Đài PT&TH Cao Bằng

Các tin bài khác