Tân Trào ngày mới

25/08/2018
(VBSP News) Là nơi tổ chức Quốc dân đại hội thành lập nên Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa, lãnh đạo toàn dân đứng lên khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân, mảnh đất xã Tân Trào, huyện Sơn Dương (Tuyên Quang) đã đi vào lịch sử cách mạng nước ta. Tự hào với truyền thống cách mạng, người dân Tân Trào đang chung sức, đồng lòng khai thác tiềm năng, lợi thế để xây dựng quê hương giàu đẹp.
Một gốc khu dân cư thôn Tân Lập, xã Tân Trào

Một gốc khu dân cư thôn Tân Lập, xã Tân Trào

Xã đầu tiên đạt mô hình nông thôn mới

Đặt chân lên những con đường được bê tông hóa, sạch sẽ cùng hít hà bầu không khí trong lành và đứng giữa những đồi chè mênh mông bát ngát mới cảm nhận rõ không khí của một miền quê đang từng ngày đổi mới: xã Tân Trào. Không phải bây giờ, mà từ năm 2014 Tân Trào là xã đầu tiên đạt chuẩn nông thôn mới của tỉnh Tuyên Quang. Nhờ tiếp nhận, sử dụng hiệu quả hỗ trợ của Nhà nước, vốn tín dụng chính sách, cùng với sự huy động nguồn lực tại chỗ, nhất là sự tham gia của nhân dân hạ tầng nông thôn được xây dựng đồng bộ: Hệ thống trường lớp 3 cấp (trung học cơ sở, tiểu học và mầm non) của xã đạt tiêu chí trường chuẩn quốc gia; gần 100% gia đình được sử dụng điện; 8/8 thôn đều có sân thể thao, nhà văn hóa đạt chuẩn; trên 90% gia đình có nhà ở kiên cố; trên 90% số người trong độ tuổi lao động có việc làm thường xuyên; tỷ lệ hộ khá, giàu chiếm hơn 30%; số hộ nghèo giảm chỉ còn gần 4%; thu nhập bình quân từ 8,5 triệu đồng/người/năm 2011, tăng lên 30,3 triệu đồng năm 2017.

Với địa hình đặc thù để phát triển nông, lâm nghiệp người dân xã Tân Trào đã phát triển nhiều mô hình làm kinh tế theo những hướng khác nhau ở mỗi thôn. Nhiều địa phương trồng cây ăn quả như thanh long ở thôn Bòng, mô hình nuôi bò ở thôn Cả, mô hình nuôi gà ở thôn Tân Lập… điển hình về sáng tạo và tận dụng lợi thế trong trồng trọt phải kể đến thôn Vĩnh Tân với mô hình trông chè, lập HTX chế biến tiêu thụ sản phẩm ngay tại địa phương. Trong thôn có 107 hộ và 105ha chè kinh doanh, tuy nhiên trước khi thành lập HTX sản phẩm chè chế biến và tiêu thụ nhỏ lẻ không đem lại hiệu quả cao. Theo ông Phạm Văn Tuyến - Chủ nhiệm HTX, nhờ phát triển kinh tế từ cây chè, hiện nay gần 100% số hộ trong thôn có nhà xây kiên cố, trên 50% số hộ có cuộc sống khá và giàu, bình quân thu nhập đạt 35 - 40 triệu đồng/người/năm, thôn không còn hộ nghèo. Sau khi đạt cúp đồng cuộc thi “Búp chè vàng” tại Festival chè Thái Nguyên lần thứ 2 (2013), giá bán chè búp khô của hợp tác xã từ 100.000 đồng/kg tăng lên 250.000 đồng/kg. “Tương lai không xa chè Vĩnh Tân không chỉ là thương hiệu của xã Tân Trào mà sẽ là thương hiệu củatỉnh Tuyên Quang”, ông Tuyến khẳng định.

Đồng hành cùng với hộ nghèo

Theo ông Ma Anh Tuấn - Trưởng thôn Tân Lập, xã Tân Trào: “Trước Cách mạng Tháng 8 thôn chỉ có 23 hộ dân sống tập trung quanh khu vực cây đa Tân Trào. Đến nay đã có 186 hộ dân, 762 người, gồm dân tộc Tày, Nùng, Dao, Kinh. Lợi thế của thôn là trung tâm diễn ra các sự kiện lịch sử trọng đại của đất nước trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, được Đảng và Nhà nước quan tâm, thôn thường xuyên vận động nhân dân vươn lên phát triển kinh tế và giữ gìn những giá trị lịch sử văn hóa của quê hương. Ngoài các chính sách an sinh xã hội, người dân còn được xã tạo mọi điều kiện thuận lợi tiếp cận với nguồn vốn NHCSXH. Trước đây cả thôn chỉ biết sản xuất nông nghiệp, nhờ có tín dụng chính sách hàng chục hộ làm dịch vụ du lịch, như mở quán ăn, nhà nghỉ… phục vụ du khách đến tham quan. Nhờ vậy, đến nay thôn chỉ còn 8/186 hộ nghèo”.

Bà Viên Thị Hồng - Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Tân Trào cho biết: “Hiện nay tổng dư nợ trên địa bàn xã khoảng gần 20 tỷ đồng. Riêng Hội Phụ nữ nhận ủy thác 4 tỷ đồng với 148 hội viên vay vốn với nhiều chương trình khác nhau. Bà Hoàng Thị Phong ở thôn Bòng là một ví dụ điển hình của xã. Năm 2009, nhờ vay vốn 30 triệu đồng chương trình cho vay hộ gia đình SXKD tại vùng khó khăn của NHCSXH huyện nên bà đã mua giống, phân bón trồng 800 gốc thanh long. Sau 2 năm chăm sóc cây cho quả, thu hoạch có lãi, gia đình quyết định mở rộng diện tích, trồng 2.000 trụ thanh long. Hiện nay, mỗi năm gia đình bà thu 10 tấn quả với giá bán trung bình 25.000 - 30.000 đồng/kg. Với tinh thần chịu khó chăm chỉ tìm kiếm và học hỏi kĩ thuật trồng thanh long, năm 2013 gia đình bà Phong thoát nghèo, xây dựng được nhà kiên cố. Hiện nay, con trai bà cũng du học ở Hàn Quốc. Từ mô hình chuyển đổi cây trồng của bà Phong, thôn Bòng giờ có 2ha thanh long, 2ha táo và na, 2ha mô hình chăn nuôi gia trại. Nhờ đồng vốn vay ưu đãi của NHCSXH huyện, nay toàn thôn chỉ còn 5 hộ nghèo, thu nhập bình quân đạt 36 triệu đồng/người/năm”.

Theo Chủ tịch UBND xã Tân Trào Hoàng Cao Khải: “Xã Tân Trào hôm nay đã trở thành lá cờ đầu của huyện Sơn Dương trong xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế, xã hội. “Mái đình Hồng Thái, cây đa Tân Trào” dấu xưa oai hùng còn đó, mãi mãi là nguồn động lực để Đảng bộ, đồng bào các dân tộc vươn lên xây dựng cuộc sống mới”.

Bài và ảnh Hồ Khánh Thiện

Các tin bài khác