Phát huy hiệu quả vốn vay giải quyết việc làm tại huyện Thanh Thủy

25/08/2018
(VBSP News) Trước thực tế nguồn nhân lực trong độ tuổi chiếm tới hơn 55% dân số, dẫn đến nhu cầu việc làm của người dân tăng cao, những năm qua huyện Thanh Thủy (Phú Thọ) đã có nhiều giải pháp giải quyết việc làm cho người dân. Một trong những giải pháp đó chính là quản lý, sử dụng có hiệu quả nguồn vốn cho vay từ Quỹ Quốc gia giải quyết việc làm (GQVL).

 

Mô hình trông trọt chăn nuôi của CCB Lê Đình Hưởng ở khu 4, xã Trung Thinh

Mô hình trông trọt chăn nuôi của CCB Lê Đình Hưởng ở khu 4, xã Trung Thinh

Về xã Trung Thịnh, chúng tôi tìm đến mô hình trang trại tổng hợp của CCB Lê Đình Hưởng ở khu 4 đúng lúc ông đang thu hoạch những trái ổi lê Đài Loan. Niềm nở đón khách ông Hưởng cho biết trang trại đang áp dụng phương thức sản xuất nông nghiệp sạch, an toàn nên sản phẩm làm ra tới đâu thương lái đến tận vườn thu mua tới đó. Thu nhập bình quân đạt 600 - 700 triệu đồng/năm. Để góp phần tạo nên sự thành công của mô hình trang trại tổng hợp này theo ông Lê Đình Hưởng thì ngoài sự mạnh dạn đổi mới tư duy dám nghĩ, dám làm của bản thân ông còn có vai trò rất lớn của nguồn vốn vay GQVL từ NHCSXH đã hỗ trợ gia đình những ngày đầu khởi nghiệp. Từ năm 2010, trong quá trình mở rộng diện tích trang trại từ 2ha lên 4ha để trồng cây ăn trái, ông đã được NHCSXH huyện Thanh Thủy tạo điều kiện cho vay 200 triệu đồng từ nguồn vốn vay GQVL trong thời hạn 3 năm, sau khi hoàn thành tốt việc trả gốc, lãi đến năm 2014 ông được vay tiếp 100 triệu đồng để nâng cấp trang trại, đầu tư phát triển chăn nuôi lợn theo mô hình bán công nghiệp. Tương tự như ông Hưởng, hộ ông Phạm Đình Phú ở khu 3, xã Trung Nghĩa cũng nhờ được vay vốn GQVL của NHCSXH huyện đã mạnh dạn đầu tư nuôi vịt trời kết hợp nuôi thả cá tạo việc làm ổn định cho 3 lao động, mỗi năm cho thu nhập đạt từ 200 - 300 triệu đồng.

Được biết từ sau khi đi vào hoạt động, đến nay NHCSXH huyện Thanh Thủy đã phối hợp với Phòng LĐTB&XH huyện và các xã, thị trấn thẩm định cho vay 162 dự án, 891 hộ gia đình với tổng doanh số cho vay 19,5 tỷ đồng, tạo việc làm cho 1.050 lao động. Vốn vay GQVL đã giúp các hộ dân đầu tư mua được 350 con trâu, bò; 850 con lợn nái; 250 tấn cá giống; trồng được 70ha cây ăn quả và cây công nghiệp… Không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế, nguồn vốn vay GQVL còn làm chuyển biến về nhận thức, tư duy trong phát triển sản xuất của người dân, giúp hàng trăm hộ thoát nghèo vươn lên có đời sống khá, thu nhập ổn định. Nếu như ở thời điểm nhận bàn giao từ Kho bạc Nhà nước huyện, nguồn vốn GQVL mới có dư nợ 2,6 tỷ đồng với 45 dự án thì đến nay nguồn vốn này đã tăng thêm 87,33%, chiếm 20% tổng dư nợ các chương trình tín dụng ưu đãi trên địa bàn huyện.

Trong suốt quá trình quản lý vốn vay có sự phối hợp chặt chẽ của các ngành chức năng, các hội, đoàn thể và cấp ủy, chính quyền địa phương, đặc biệt là qua mạng lưới các Tổ tiết kiệm và vay vốn đã thường xuyên giám sát các thành viên vay vốn đảm bảo sử dụng đúng mục đích, hiệu quả. Việc giải ngân cũng như thu hồi vốn, lãi tại các Điểm giao dịch ở các xã, thị trấn được thực hiện vào một ngày cố định trong tháng đã tạo thuận lợi cho các hộ vay vốn tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại. Định kỳ hằng tháng, hằng quý cán bộ NHCSXH huyện kiểm tra tình hình vốn cho vay, từ đó có phương án đẩy mạnh việc lập dự án, giải ngân cho vay vốn, hạn chế tình trạng ứ đọng vốn, đồng thời tăng cường công tác thu hồi nợ đến hạn, đẩy nhanh quay vòng vốn vay nhằm tạo thêm nhiều cơ hội cho người lao động có nhu cầu vay vốn GQVL. Theo thống kê của NHCSXH huyện Thanh Thủy đến hết tháng 7/2018, tổng dư nợ chương trình cho vay GQVL trên địa bàn huyện đạt hơn 4,8 tỷ đồng với hơn 150 hộ vay để đầu tư phát triển chăn nuôi, trồng trọt, kinh doanh dịch vụ…

Bài và ảnh Mai Phương Báo Phú Thọ

Các tin bài khác