Tín dụng chính sách ở vùng dân tộc tỉnh Kiên Giang
Có được kết quả trên là do Ban chỉ đạo giảm nghèo địa phương đã đề ra các giải pháp thiết thực có hiệu quả nhằm thực hiện các mục tiêu của chương trình trong đó việc tập trung ưu tiên đầu tư vốn tín dụng chính sách là một trong những giải pháp quan trọng hàng đầu giúp đồng bào DTTS phát triển kinh tế gia đình, nâng cao đời sống, giảm nghèo bền vững.
Theo báo cáo của UBND tỉnh Kiên Giang, đến nay dư nợ cho vay hộ đồng bào DTTS trên toàn địa bàn là 332 tỷ đồng, chiếm 11,25% tổng dư nợ, với 21.790 khách hàng là hộ đồng bào DTTS, chủ yếu là dân tộc Khmer.
Dư nợ cho vay hộ đồng bào DTTS hiện tập trung lớn ở các huyện Gò Quao, Châu Thành, Rồng Giềng và trong tất cả 14 chương trình tín dụng chính sách do NHCSXH triển khai thực hiện, trong đó có 2 chương trình tín dụng dành riêng cho đồng bào DTTS đặc biệt khó khăn theo các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Nguồn vốn tín dụng chính sách đã góp phần đắc lực vào việc phát triển kinh tế hộ đồng bào DTTS, giải quyết căn bản những vấn đề thiết yếu trong cuộc sống, nâng cao dần trình độ quản lý SXKD cũng như năng lực sử dụng vốn vay vào mục đích thoát nghèo của người dân vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới; đặc biệt đã tác động đều nhận thức, giúp đồng bào DTTS thêm tự tin, tăng vị thế trong cộng đồng, xã hội. Cụ thể, thông qua việc vay vốn, sử dụng vốn chính sách đã giúp cho trên 865 hộ gia đình dân tộc Khmer nghèo chuộc lại đất để trồng trọt và trên 4.700 hộ gia đình có vốn chủ động chuyển đổi ngành nghề, thâm canh cây trồng, vật nuôi…
Để đồng vốn đến tận tay bà con dân tộc và kịp thời vụ, sinh lợi nhanh, NHCSXH tỉnh Kiên Giang đã phối hợp chặt chẽ với các cấp, các ngành, chính quyền, đoàn thể địa phương tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp, thực hiện linh hoạt công tác huy động nguồn vốn, quản lý điều hành chỉ tiêu kế hoạch tín dụng. Tăng cường giám sát kiểm tra nguồn vốn vay, tiến hành giải ngân nhanh chóng, chính xác đến các đối tượng thụ hưởng; song song đó, thường xuyên lồng ghép các nguồn vốn chính sách các chương trình, dự án về giải quyết việc làm, khuyến nông, khuyến ngư…
Nhờ đó, vốn tín dụng chính sách được đông đảo đồng bào DTTS trên toàn địa bàn, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới sử dụng hợp lý, có hiệu quả để vươn lên thoát nghèo, nâng cao cuộc sống. Ngoài ra, vốn tín dụng chính sách cũng góp phần không nhỏ thay đổi cơ bản nhận thức giúp đồng bào dân tộc nghèo làm quen với việc vay vốn, trả nợ, gửi tiền tiết kiệm ngân hàng, và hạn chế tình trạng cho vay nặng lãi ở khu vực nông thôn.
Tiêu biểu tại huyện biên giới Giang Thành, có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống và tỷ lệ hộ nghèo cao, NHCSXH đã phối hợp với các ngành chức năng, với chính quyền, hội, đoàn thể hợp với các ngành chức năng, với chính quyền, đoàn thể từ huyện đến xã ấp đã tiến hành sắp xếp củng cố mạng lưới Tổ tiết kiệm và vay vốn theo hướng liền canh, liền cư, duy trì nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống Điểm giao dịch xã, các hội, đoàn thể làm nhiệm vụ ủy thác, nên đã chuyển tải đầy đủ, kịp thời nguồn vốn, đáp ứng yêu cầu SXKD của đồng bào DTTS. Đơn cử như gia đình bà Thị Hường ở ấp Tràm Trỗi, xã Vĩnh Điều, huyện Giang Thành được vay vốn chính sách mua bò sinh sản về nuôi. Bằng sự cần cù, chịu khó của mọi người trong gia đình, đàn bò cứ thế tăng lên từng năm. Năm 2017, bà Hường còn được tiếp cận vốn hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, cộng với số tiền tích lũy từ chăn nuôi, trồng trọt, vay thêm họ hàng để xây mới nhà ở. “Nhờ có nguồn vốn của NHCSXH ưu tiên đầu tư vùng dân tộc Khmer mà ngày nay gia đình tôi có cả một đàn bò 12 con, thu nhập bình quân đạt 3 triệu đồng/người/tháng. Cuộc đời hết khổ cực, tươi vui lên rồi”, bà Thị Hường tâm sự.
Khác với gia đình bà Hường, hộ chị Tiên Reng ở ấp Trần Thệ, xã Phú Mỹ nhiều năm liền là hộ nghèo, lại không có đất sản xuất khiến cuộc sống đã khó càng khó hơn. Năm 2012, nhờ tham gia sinh hoạt Tổ tiết kiệm và vay vốn, chị Reng vay NHCSXH 30 triệu đồng nuôi bò vỗ béo và tham gia HTX đan lát để mỗi ngày có thêm thu nhập 100 ngàn đồng. Hiện nhà chị vừa trả một phần vốn vay ngân hàng, vừa tiếp tục mua 4 con bò nuôi vỗ béo. Dự định trong thời gian tới, chị xin vay thêm vốn chính sách để phát triển đàn bò theo môi hình kinh tế gia đình.
Ông Tiên Rí - Trưởng ấp Trần Thệ, xã Phú Mỹ, huyện Giang Thành cho biết: “Hầu hết hộ đồng bào DTTS sử dụng vốn vay vào chăn nuôi bò, nuôi lợn, nuôi cá, trồng lúa, làm nghề đan lát vì đây là thế mạnh của địa phương, phù hợp với điều kiện tự nhiên vùng biên giới. Đến nay, nhìn chung các hộ sử dụng vốn vay đúng mục đích, sinh lời, đạt hiệu quả rõ rệt, giúp bà con tăng thu nhập, tạo việc làm, cải thiện đời sống, tăng cường đoàn kết dân tộc”.
Trong thời gian tới, cùng với việc tập trung các nguồn lực, trong đó chú trọng đến việc ưu tiên đầu tư vốn tín dụng chính sách giúp đồng bào DTTS giảm nghèo bền vững, tỉnh Kiên Giang đẩy mạnh hỗ trợ, hướng dẫn đồng bào cách thức làm kinh tế gia đình, đổi mới tập quán canh tác, ứng dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi, vươn lên làm giàu chính đáng. Đồng thời quan tâm đào tạo nghề cho lao động nông thôn, bố trí đất sản xuất giúp đồng bào DTTS nghèo tháo gỡ khó khăn, chuyển đổi cơ cấu lao động nông nghiệp sang phi nông nghiệp, nâng cao trình độ dân trí, xây dựng nông thôn mới.
Bài và ảnh Đông Dư - Phan Anh
Các tin bài khác
- » Động lực cho những hộ dân vùng khó khăn phát triển sản xuất
- » Phát huy hiệu quả vốn vay giải quyết việc làm tại huyện Thanh Thủy
- » Nông dân Mường Nhé vượt khó làm giàu
- » Tín dụng chính sách góp phần thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển
- » Vốn vay ưu đãi giúp giải quyết việc làm cho nhiều lao động
- » Tân Trào ngày mới
- » Hãy nói với các sinh viên khó khăn rằng “Chính phủ có cho vay tiền đi học”
- » Tiếp tục nâng cao hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách
- » Giảm nghèo từ nguồn vốn vay ưu đãi
- » Đồng hành cùng người nghèo ở huyện Kbang