Niềm vui trên vùng chè Thái Nguyên

31/08/2018
(VBSP News) Cũng như nhiều vùng đồng bào DTTS khác, trong những năm qua, người dân huyện Đồng Hỷ (Thái Nguyên) sống chủ yếu bằng nghề trồng lúa, trồng chè và chăn nuôi. Trước đây, do phương thức trồng trọt lạc hậu nên năng suất rất thấp, cuộc sống khó khăn. Nhờ chương trình hỗ trợ của Chính phủ đối với vùng đồng bào dân tộc và vùng khó khăn như đã tiếp thêm động lực cho chính quyền và nhân dân trong việc tiếp cận nguồn vốn ưu đãi, giúp đồng bào có điều kiện đầu tư phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo bền vững.

 

Hộ nghèo và các đối tượng chính sách ở các xã, thị trấn của tỉnh Thái Nguyên giao dịch với NHCSXH tại Điểm giao dịch xã

Hộ nghèo và các đối tượng chính sách ở các xã, thị trấn của tỉnh Thái Nguyên giao dịch với NHCSXH tại Điểm giao dịch xã

Mặt khác, chính quyền luôn quan tâm trong việc đẩy mạnh công tác vận động người dân thay đổi phương thức canh tác, trồng trọt theo hướng áp dụng KHKT để phát triển kinh tế hộ gia đình.

Gia đình ông Hoàng Đức Oai, người dân tộc Tày ở xóm Đoàn Kết xã Minh Lập được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi từ năm 2009 qua chương trình hộ nghèo. Với số tiền 15 triệu đồng, ông chọn mua giống tốt để nuôi bò sinh sản, gà thịt. Sau 5 năm miệt mài trong phát triển kinh tế, gia đình ông Oai đã trả hết nợ và tiếp tục được NHCSXH tạo điều kiện vay 50 triệu đồng thực hiện kế hoạch mở rộng sản xuất. Đến nay, trại gia súc, gia cầm của gia đình với đàn bò khỏe khoảng 20 con, 800 gà thịt cho thu nhập trung bình hằng năm, sau khi trừ chi phí, thu hơn 200 triệu đồng, giúp gia đình ông Oai nổi danh về thoát nghèo bền vững khắp vùng chè Thái Nguyên.

Tín dụng chính sách đã giúp đồng bào DTTS ở xã Khe Mo, huyện Đồng Hỷ mở rộng diện tích trồng chè sạch, mạnh dạn đầu tư phát triển sản xuất, góp phần nâng cao đời sống và giảm nghèo bền vững

Tín dụng chính sách đã giúp đồng bào DTTS ở xã Khe Mo, huyện Đồng Hỷ mở rộng diện tích trồng chè sạch, mạnh dạn đầu tư phát triển sản xuất, góp phần nâng cao đời sống và giảm nghèo bền vững

Ngoài gia đình ông Oai ở xã Minh Lập, huyện Đồng Hỷ còn có hàng trăm, hàng nghìn hộ dân khác nhờ nguồn vốn vay ưu đãi đã vươn lên thoát nghèo, đơn cử như gia đình chị Hoàng Thị Thơm ở xã Linh Sơn hiện có 6 con bò, 100 con ba ba; hộ ông Lý Sơn Thủy xã Tân Long xây dựng xưởng cơ khí sửa chữa, sản xuất công cụ, máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp, tạo việc làm thường xuyên, thu nhập ổn định cho 5 lao động; hay như vợ chồng chị Lý Thị Ngọc xã Khe Mo phát triển mô hình trồng chè, trồng rừng, cho thu nhập cả trăm triệu đồng/năm.

Đánh giá về hiệu quả của nguồn vốn tín dụng chính sách đối với bà con nghèo trên vùng chè Đồng Hỷ - Chủ tịch UBND huyện Đồng Hỷ Nguyễn Văn Thủy cho biết: “Việc cho hộ nghèo và gia đình đồng bào DTTS vay vốn tín dụng ưu đãi là một chủ trương, chính sách hợp với lòng dân, được xem là một “luồng gió mới” làm thay đổi diện mạo của vùng đất Đồng Hỷ với nhiều xã thuộc diện khó khăn. Nơi đây còn có vùng chuyên canh chè đặc sản lớn của khu vực miền núi trung du phía Bắc nên nhu cầu vay vốn cho sản xuất, người dân rất nhiều và cấp bách. Chính vì vậy, NHCSXH huyện Đồng Hỷ luôn phối hợp chặt chẽ với chính quyền, đoàn thể các cấp tổ chức cho vay thuận tiện, trực tiếp đến bà con”.

Đến nay, tổng dư nợ vốn vay chính sách đạt gần 380 tỷ đồng với 14.301 khách hàng đang dư nợ. Nguồn vốn ưu đãi đã đến với 100% số xã, thị trấn toàn địa bàn, bất kể vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS đặc biệt khó khăn, đã đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, đạt hiệu quả trong các lĩnh vực SXKD, thâm canh vườn rừng, đồi chè, phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm, mở mang ngành nghề.

Giám đốc NHCSXH huyện Đồng Hỷ, Nguyễn Thị Mười chia sẻ: “Nguồn vốn tín dụng ưu đãi đã trở thành “cú hích”, tạo điều kiện cho địa phương thực hiện thành công kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào DTTS. Qua đó đã tạo nên diện mạo mới trong vùng đồng bào DTTS, là điều kiện giúp địa phương thực hiện công tác giảm nghèo bền vững”.

Bài và ảnh Đông Dư

Các tin bài khác