Nhịp cầu an sinh ở miền Tây xứ Nghệ

31/08/2018
(VBSP News) Các chương trình tín dụng chính sách đã tạo cơ hội cho nhiều hộ nghèo tại huyện Anh Sơn (Nghệ An) vươn lên hoà nhập cộng đồng, nhiều hộ đã có của ăn, của để hướng đến sản xuất hàng hóa và làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.
Anh Phan Trọng Sơn chăm sóc vườn cam của gia đình được đầu tư từ vốn vay ưu đãi

Anh Phan Trọng Sơn chăm sóc vườn cam của gia đình được đầu tư từ vốn vay ưu đãi

Nguồn vốn an cư lạc nghiệp

Đền thăm gia đình chị Nguyễn Thị Lĩnh ở thôn 8, xã Phúc Sơn, huyện Anh Sơn thuộc diện hộ nghèo của thôn, năm 2017 gia đình chị đã được NHCSXH huyện cho vay 30 triệu đồng từ chương trình hộ nghèo để chăn nuôi bò sinh sản. Nhờ có nghị lực vươn lên và sử dụng vốn hiệu quả đến nay gia đình chị đã thoát được nghèo, cuộc sống ngày càng khá giá và luôn có tinh thần đóng góp giúp đỡ mọi người tại địa phương. Hay như gia đình anh Phan Trọng Sơn ở thôn 3/2 ở xã Đỉnh Sơn, năm 2016 anh được vay 50 triệu đồng chương trình giải quyết việc làm để đầu tư trồng cam với diện tích 1ha. Nhờ công vun vén chăm sóc cây cam được mùa, với sản lượng khoảng 25 tấn quả. Với giá thị trường hiện nay doanh thu từ vườn cam của gia đình đạt khoảng 750 triệu đồng.

Chị Nguyễn Thị Ngà - Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Đỉnh Sơn cho biết: “Nhờ nguồn vốn vay NHCSXH cùng sự hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật của huyện, không chỉ riêng gia đình anh Sơn mà trong xã còn nhiều hộ vay vốn phát triển cây cam”

Tiếp sức con đường hoàn lương

Đó là trường hợp anh Lưu Văn Toàn ở Bản Vều 3, xã Phúc Sơn người đã có nghị lực để thoát khỏi cái chết trắng để làm ăn, sửa chữa những sai lầm của tuổi trẻ. Năm 2016 anh được Tổ tiết kiệm và vay vốn bình xét cho vay 8 triệu chương trình cho vay DTTS đặc biệt khó khăn, anh sử dụng nguồn vốn đầu tư vào chăn nuôi gia súc. Với quyết tâm làm ăn và chịu khó tìm tòi hướng đi cho cả gia đình, trong năm 2016 anh được các thành viên trong Tổ tiết kiệm và vay vốn bình xét đề nghị NHCSXH cho vay số tiền 30 triệu đồng chương trình hộ nghèo. Đến nay gia đình anh đã ổn định về kinh tế, từng bước vươn lên có của ăn, của để và là một trong những tuyên truyền viên tích cực về phòng chống ma túy và tấm gương phát triển kinh tế tại vùng biên.

Ông Nguyễn Văn Tráng - Chủ tịch UBND xã Phúc Sơn nhận định: “Trong những năm qua các chương trình tín dụng chính sách đã góp phần rất lớn trong việc bảo đảm an sinh xã hội, tạo công ăn việc làm cho lao động tại địa phương. Hiện nay toàn xã có dư nợ trên 33 tỷ đồng với 11 chương trình tín dụng đang triển khai đã góp phần làm đổi thay cuộc sống của xã thuộc vùng khó khăn. Việc phát huy tốt nguồn vốn ưu đãi nhiều hộ nghèo đã quen dần với sản xuất hàng hóa, tài chính tín dụng, ý thức tiết kiệm cùng với đó ngày càng xuất hiện nhiều gương điển hình làm ăn giỏi, vươn lên thoát nghèo, nhiều hộ trở nên khả giả”.

Phó Chủ tịch UBND huyện Anh Sơn, Hoàng Xuân Cường khẳng định: “Nguồn vốn tín dụng chính sách đã và đang có vai trò ngày càng quan trọng trong việc hỗ trợ địa phương hoàn thành mục tiêu giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới. Các chương trình tín dụng đã đáp ứng tốt nhu cầu vốn ưu đãi cho hộ nghèo, hộ cận nghèo vàcác đối tượng chính sách khác, từ đó các đối tượng thụ hưởng vốn vay ưu đãi có cơ hội tự thay đổi cuộc sống và thoát nghèo. Trong thời gian tới, UBND huyện, Ban đại diện HĐQT NHCSXH huyện sẽ chỉ đạo các tổ chức nhận hội, đoàn thể nhận ủy thác và các ban ngành liên quan triển khai và quản lý tốt nguồn vốn ưu đãi, phối hợp có hiệu quả với các cơ quan chuyên môn hướng dẫn kiến thức sản xuất, phát triển ngành nghề để các hộ sử dụng vốn vay đạt hiệu quả cao nhất. Bên cạnh đó UBND huyện sẽ tiếp tục cân đối một phần vốn ngân sách ủy thác qua NHCSXH để cho vay để hộ nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn, góp phần giảm nghèo, giải quyết việc làm, phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương”.

Hiện nay, huyện Anh Sơn đang triển khai 14 chương trình tín dụng ưu đãi, với tổng dư nợ trên 415 tỷ đồng cho 11 ngàn khách hàng vay; nợ quá hạn chỉ chiếm tỷ lệ 0,05% tổng dư nợ.

 

 

Bài và ảnh Trần Khắc Thi

Các tin bài khác