Làn gió “giảm nghèo” đến với Cúc Phương

11/09/2018
(VBSP News) Là xã vùng cao huyện miền núi Nho Quan (Ninh Bình) được thụ hưởng Chương trình 135 của Chính phủ, Cúc Phương với 84% dân số là người dân tộc Mường, là xã vùng ven của Vườn Quốc gia Cúc Phương có diện tích đất đồi rừng và vườn cây ăn quả khá lớn, cho nên các hộ gia đình hầu hết đều chủ động khai thác điều kiện thuận lợi từ thiên nhiên, nhiều hộ trong xã đã mạnh dạn đầu tư phát triển nghề nuôi hươu lấy nhung, nuôi dê và làm kinh tế trang trại để tạo việc làm, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho đồng bào các dân tộc nơi đây.
Vườn lan của thanh niên Đinh Văn Vương ở thôn Sấm 2, xã Cúc Phương, huyện Nho Quan là một trong những nguồn thu nhập chính cho gia đình

Vườn lan của thanh niên Đinh Văn Vương ở thôn Sấm 2, xã Cúc Phương, huyện Nho Quan là một trong những nguồn thu nhập chính cho gia đình

Theo chân cán bộ tín dụng NHCSXH huyện Nho Quan, chúng tôi đi dọc theo tuyến tỉnh lộ đoạn qua địa bàn xã Cúc Phương, không khó nhận ra những đàn hươu trong chuồng và những đàn dê đang gặm cỏ ngoài bìa rừng rợp bóng mát của Vườn Quốc gia Cúc Phương. Từ nguồn vốn 135 của Chính phủ đã giúp xã Cúc Phương có được cơ sở hạ tầng làm bệ phóng phát triển kinh tế - xã hội; tín dụng chính sách tiếp sức cho bà con dân tộc vươn lên thoát nghèo bền vững. Đến thăm gia đình chị Quách Thị Hạnh, dân tộc Mường ở thôn Sấm 3, xã Cúc Phương thuộc diện hộ nghèo có “thâm niên”. Nguyên nhân cũng vì “2 thiếu”: thiếu vốn và thiếu kiến thức sản xuất. Bà Hạnh chia sẻ: “Trước khi biết đến NHCSXH, cả nhà chỉ biết trông vào đồi, nương trồng vài sào ngô, khoai, sắn… luôn lo lắng từng bữa ăn hằng ngày. Với số vốn vay 20 triệu đồng hộ nghèo, gia đình tôi như bước sang một trang mới. Tôi mạnh dạn đầu tư mua trâu, bò giống về nuôi. Nhờ chăm chỉ, được cán bộ khuyến nông hướng dẫn kỹ thuật trâu, bò mẹ đẻ trâu, bò con, lãi cứ tăng lên qua từng năm. Đến nay, đàn gia súc gia đình tôi đã có 15 con trâu và 13 con bò, bê” Không chỉ dừng ở chăn nuôi, chị còn trồng hơn 2ha keo và mía. Nhờ kết hợp phát triển kinh tế V-C-R, đến nay sau khi trừ hết chi phí thì gia đình chị thu lãi trên 100 triệu đồng/năm, xây dựng được nhà cửa khang trang.Nếu chị Quách Thị Hạnh trở thành hội viên phụ nữ thoát nghèo bền vững, thì Đinh Văn Vương ở thôn Sấm 2 là một trong những thanh niên ở xã Cúc Phương khởi nghiệp thành công. Sau khi tốt nghiệp THPT, do điều kiện gia đình không cho phép nên Vương không được học đại học. Được biết đến NHCSXH, năm 2006 Vương đã bàn với gia đình vay vốn để đầu tư nuôi 30 con dê thương phẩm. Với ý chí và nghị lực của thanh niên không cam phận nghèo, Vương đã mạnh dạn nhận khoanh nuôi, bảo vệ 11ha rừng. Vương chia sẻ: “Nhờ có sự hướng dẫn của cán bộ Đoàn Thanh niên cũng như sự giúp đỡ của cán bộ tín dụng NHCSXH huyện Nho Quan, tôi đã có động lực phát triển thêm nhiều ngành nghề khác nhau. Ngoài việc bảo vệ rừng, tôi còn nuôi thêm hươu lấy nhung và đặc biệt thu phục các đàn ong rừng để lấy mật. Không chỉ dừng ở đây, tôi học thêm kỹ thuật trồng lan rừng. Sau nhiều năm học hành, vườn lan đã trở thành một trong những nguồn thu chính của anh”.Các mô hình kinh tế đa dạng của anh đã giải quyết việc làm cho gia đình cùng 4 - 5 thanh niên trong thôn với mức lương trung bình 4,5 triệu đồng/người/tháng. Mỗi năm, thu nhập bình quân 900 triệu đồng.

Theo Phó Chủ tịch UBND xã Cúc Phương Đinh Thị Văn, xã Cúc Phương là một trong những xã đi đầu trong việc phát triển kinh tế trang trại, gia trại hiệu quả. Năm 2017 và 9 tháng qua, toàn xã có 50 hộ vươn lên thoát nghèo. Hiện nay, tỷ lệ hộ nghèo toàn xã còn 10%, dư nợ NHCSXH huyên trên 28 tỷ đồng.

Bài và ảnh Hồ Khánh Thiện

Các tin bài khác