Có vốn trong tay nông dân bàn cách làm giàu

11/09/2018
(VBSP News) Thực hiện Nghị định 78 của Chính phủ, nguồn vốn ưu đãi của NHCSXH tỉnh Điện Biên ủy thác qua Hội Nông dân tỉnh có ý nghĩa quan trọng giúp hội viên nông dân phát triển sản xuất, tạo việc làm và thoát nghèo bền vững.
Vay được vốn ưu đãi, nông dân xã Sá Tổng, huyện Mường Chà đầu tư vào vườn rừng

Vay được vốn ưu đãi, nông dân xã Sá Tổng, huyện Mường Chà đầu tư vào vườn rừng

 

Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Điện Biên Cao Thị Tuyết Lan cho biết, hội đang quản lý hơn 630 Tổ tiết kiệm và vay vốn với dư nợ ủy thác đạt trên 750 tỷ đồng. Trong đó, trên 21.000 gia đình hội viên đang vay vốn ưu đãi, dư nợ bình quân 35,4 triệu đồng/hộ, nợ quá hạn chỉ chiếm 0,21% trên tổng dư nợ nhận ủy thác của hội. Với 19 chương trình tín dụng chính sách trong giai đoạn 2013 - 2018, đã có gần 23.000 lượt hội viên được vay vốn với doanh số cho vay 670 tỷ đồng. Nguồn vốn ưu đãi đã giúp gần 6.000 lượt hộ gia đình nông dân thoát nghèo, gần 5.000 lượt hội viên được tạo việc làm, trong đó có 177 hội viên đi lao động tại nước ngoài, gần 2.900 gia đình nông dân xây dựng được nhà ở ổn định, gần 2,5 nghìn gia đình xây dựng được công trình cung cấp NS&VSMTNT, gần 1.300 hội viên có con được đi học do vay vốn tín dụng ưu đãi HSSV…

Gia đình anh Quàng Văn Mấng ở xã Tà Lèng, TP. Ðiện Biên Phủ là một điển hình trong phát triển kinh tế nhờ vốn vay của NHCSXH. Canh tác 5.000m2 ruộng, chăn nuôi nhỏ lẻ, năm 2010 thông qua Hội Nông dân xã, gia đình anh Mấng được vay 30 triệu đồng từ NHCSXH. Nhờ nguồn vốn, anh Mấng đã mạnh dạn xây 2 ao cá với diện tích 5.000m2, ngoài ra trồng thêm hàng trăm cây chuối, thanh long và khoảng 2ha keo trên đồi. Mới đây anh cũng nhận trồng hàng trăm gốc giổi xanh và cây mắc ca theo dự án đầu tư cho nhân dân trong xã. Đến nay gia đình anh đã trở thành hộ khá giả của xã Tà Lèng với thu nhập khoảng 100 triệu đồng/năm. Anh Quàng Văn Mấng chia sẻ: “Trước đây, gia đình tôi cũng khó khăn lắm, đời sống chỉ trông chờ vào vài nương lúa. Song nhờ sự kết nối của Hội Nông dân xã đã giúp gia đình tôi được vay vốn chính sách rồi từ đó thoát nghèo”.

Hay như gia đình anh Lò Văn Thu ở bản Tấu, thị trấn Tuần Giáo, huyện Tuần Giáo phát triển kinh tế theo mô hình chăn nuôi. Anh Thu có trên 3.000m2 ao cá. Ngoài nuôi cá giống, anh còn kết hợp nuôi lợn thịt. Hiện nay, gia đình anh có 17 con lợn thịt đang chuẩn bị xuất chuồng. Mỗi năm gia đình anh thu nhập trên 100 triệu đồng. Anh Mấng và anh Thu chỉ là hai trong số rất nhiều hội viên nông dân nhờ vốn vay đầu tư vào SXKD, làm ăn hiệu quả. Ngoài các trường hợp trên, có không ít gia đình hoàn cảnh khó khăn đã vươn lên thoát nghèo từ các mô hình chăn nuôi, như gia đình anh Lò Văn Thái, Lò Văn Khan ở bản Mường Luân 3, xã Mường Luân, huyện Ðiện Biên Ðông; Lò Văn Lập, xã Mường Ðun, huyện Tủa Chùa…

Ðể có được kết quả trên, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Điện Biên cho biết thêm hằng năm, Hội Nông dân tỉnh chủ động xây dựng chương trình kiểm tra, giám sát hoạt động ủy thác; thực hiện đồng bộ các giải pháp củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng, chất lượng ủy thác; thường xuyên tổ chức tập huấn nghiệp vụ ủy thác cho cán bộ hội, Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn. Cùng với đó, phối hợp với chính quyền địa phương làm tốt công tác củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của Tổ tiết kiệm và vay vốn; giải quyết kịp thời nguồn vốn tín dụng chính sách đến đối tượng thụ hưởng…

Theo Quang Long Báo ĐBP

Các tin bài khác