“Hạt giống” tín dụng ươm mầm nông thôn mới

14/09/2018
(VBSP News) Một ngày đầu thu, chúng tôi về thăm xã Tân Hội, huyện Đức Trọng - một trong 11 xã của cả nước đại diện cho vùng Tây Nguyên và Lâm Đồng được Trung ương chọn thí điểm xây dựng mô hình nông thôn mới trong thời kỳ CNH - HĐH giai đoạn 2009 - 2011. Cán đích nông thôn mới kể từ cuối năm 2013 và giữ vững danh hiệu này đến nay, Chủ tịch UBND xã Bùi Văn Tân cho biết, bên cạnh việc tận dụng các nguồn vốn dự án, từ Trung ương, tính đầu tư, xã đã chủ động tận dụng nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội hòa vào các định hướng phát triển kinh tế của mình để giảm nghèo, bù lấp những khoảng trống thiết yếu của đời sống dân sinh cũng là các yếu tố cấu thành xây dựng nông thôn mới bền vững.
Nguồn vốn tín dụng chính sách đang giúp chị Trần Thị Thanh Mai bước qua cái nghèo

Nguồn vốn tín dụng chính sách đang giúp chị Trần Thị Thanh Mai bước qua cái nghèo

Làm Phó Chủ tịch UBND xã từ năm 2009 phụ trách văn xã ông Tân cho biết chặng đường xây dựng nông thôn mới của xã không dễ dàng. Tỷ lệ hộ nghèo năm 2005 khi Lâm Đồng chọn Tân Hội là một trong 11 xã điểm xây dựng nông thôn mới lên tới 10% với hơn 200 hộ và tập trung chủ yếu ở 11 dân tộc thiểu số (chiếm 12% dẫn số toàn xã). Di cư về đây từ 3 miền Bắc, Trung, Nam với văn hóa và tập quán  sản xuất khác nhau, sự tự tin vươn lên đặc biệt là nguồn vốn hỗ trợ bà con phát triên cây tiêu, cà phê ghép theo định hướng của xã trở thành những nút thắt xóa đói giảm nghèo không dễ gỡ.

Để giải quyết bài toán giảm nghèo, thay vì mở rộng hỗ trợ tràn lan, xã thắt chặt việc bình xét hội nghèo để có những chính sách đầu tư trọng điểm cũng như tránh tình trạng bà con trông chờ ỷ lại.

“Năm 2009 tôi làm Phó Chủ tịch xã xuống nhiều hộ dân thấy đi xe ga sang xỉn, chiều say, lười lao động, tôi kiên quyết cho ra hộ nghèo, có kiên quyết như vậy bà con mới không còn chỗ ỷ lại chịu vươn lên”, ông Tân tâm sự. Tuy nhiên, điều đó không đồng nghĩa với việc bỏ mặc họ. Với những hộ mới thoát nghèo, hộ nghèo, đối tượng chính sách hàng tháng, hàng quý Đảng ủy, UBND lại có người xuống họp, xem bà con có nhu cầu gì không, để kịp thời hỗ trợ, đặc biệt là cùng các hội, đoàn thể hướng dẫn bà con tiếp cận nguồn vốn tín dụng NHCSXH phát triển kinh tế.

Ý thức vươn lên làm kinh tế thoát nghèo thêm nhịp đẩy cùng với các định hướng phát triển kinh tế xã và những con đường bê tông liên thôn bắc nhịp cầu kinh tế xuống tận hộ dân xa nhất, nghèo nhất đánh thức những tiềm năng kinh tế đất đai và những nhân lực mà bấy lâu chưa thể cựa mình vì thiếu vốn.

“Tân Hội có nhiều nguồn vốn tín dụng từ Qũy tín dụng nhân dân đến Agribank, nhưng nguồn vốn NHCSXH với lãi suất ưu đãi cho chính sách an sinh xã hội hộ nghèo hộ cận nghèo, hộ đặc biệt khó khăn là nguồn vốn có tính quan trọng nhất quyết định cho giảm nghèo của xã trong những năm qua”, ông Tân tâm sự.

Như gia đình chị Trần Thị Thanh Mai, thôn Tân Đà sinh năm 1981, một trong 6 hộ nghèo còn lại của xã, mà nhiều người nói chua xót là “nghèo bền vững” cuộc đời chị chẳng biết đi đâu về đâu nếu không có nguồn vốn chính sách. Một mình nuôi ba đứa con đã vất vả, chị lại phải cáng đáng thêm cả gia đình cha mẹ đẻ với người cha mắc bệnh thần kinh từ khi chị chưa sinh ra, một đứa em bại não đã 35 tuổi và một người mẹ không minh mẫn. Thân chị vừa lo chăm sóc cha mẹ con cái vừa là lao động chính trong nhà, làm thuê làm mướn mà chả đủ ăn. Chỉ vào căn nhà đang ở là tài sản mà ông nội chị cho bố mẹ từ ngày cưới, chị kể vừa mới được công ty xổ số kiến thiết hỗ trợ sang sửa, chứ trước đây đến cái cửa lành cũng chẳng có đừng nói đến đồ đạc. Mua sắm bao nhiêu bố chị cũng đập phá hết…

Thế nhưng hôm nay tương lai của chị đang rạng dần khi nguồn vốn tín dụng chính sách đang nâng đỡ các nhu cầu thiết yếu nhất cho đời sống của chị. 30 triệu đồng vốn vay hộ nghèo từ năm 2014 và thêm một vòng quay mới đã giúp chị ươm lên 4 sào cà phê và thêm nghề nông nhàn nuôi tằm lấy kén. Phần tích lũy được mỗi phần chị mua thêm 2 con bò và quan trọng hơn là cho các con ăn học. Con lớn của chị cũng nhờ nguồn vốn tín dụng HSSV đã theo học năm thứ 3 cao đẳng Công nghệ ô tô Đà Lạt. Đứa con gái sau của chị dù không nằm trong đối tượng được vay vốn chính sách, xong chị cũng có thể lo cho con đi học đầu bếp để có cái nghề mưu sinh…

Ý thức vươn lên mạnh mẽ của người dân nơi đây cũng khiến con đường thoát nghèo mà họ chọn không chỉ là nỗi lo cơm áo, mà các gia đình đều hướng tới việc cho con thoát nghèo bền vững bằng tri thức. Như vợ chồng ông Yaga (dân tộc Chơ Ru) và bà Ka Đốt (dân tộc Kơ Ho). Không phải là điển hình làm giàu từ dòng vốn tín dụng, song ông bà là niềm ngưỡng vọng của người dân lang Gia Bá, xã Tân Hội. Nhà có 6 cô con gái thì 5 cô học đại học, một cô học cao đẳng với nhiều trường danh giá như Đại học Y Tây Nguyên, Đại học Y thành phố Hồ Chí Minh, Học viện Mật mã thành phố Hồ Chí Minh…

Nhà có 8 sào cà phê, một mẫu ruộng, nuôi thêm đàn lợn, những ngày tháng đầu thế kỷ 21, hai vợ chồng bà phải đi làm thuê làm mướn nuôi 6 đứa con ăn mà nhiều lúc còn thiếu đói. Thế nên, cô con gái đầu sinh năm 1983 chỉ có thể vào Đại học Y, khi ông bà được Tổ tiết kiệm và vay vốn thôn và cán bộ Hội Phụ nữ “chỉ lối” tiếp cận nguồn vốn HSSV. 3 triệu đồng ngày đó giúp ông bà có tiền cho con đóng học phí. Song việc cáng đáng thêm tiền ăn cho con đi học khiến nguồn tài chính gia đình càng thêm cạn kiệt.

“Đứa thứ 2 đỗ cao đẳng sư phạm, tôi bảo nó là cha mẹ không có tiền cho con đi học. Nó khóc liền 2 ngày 2 đêm”, bà Ka Đốt kể. Thương con thích đi học, bà lại đến cửa NHCSXH. Thế rồi lần lượt 3 cô sau trừ cô út, vẫn theo đường mòn cũ của các chị bước vào giảng đường đại học với nguồn vốn tín dụng HSSV từ Phòng giao dịch NHCSXH huyện Đức Trọng. Yêu thương nhau và thương cha mẹ cơ cực, các con bà cứ người ra trường trước đỡ đần cha mẹ và các em sau ăn học và trả nợ. Đến nay 5 món vay HSSV của bà đã trả xong 3 món chỉ còn 2 mónvay cho các con đang học và chưa đến hạn với tổng giá trị 75 triệu đồng. Hỏi bà nghèo thế, khổ thế sao cố công cho con đi học, bà cười bảo: “Người Kơ Ho là chế độ mẫu hệ, con gái lấy chồng là phải cho đất, cho ruộng, mình chẳng có thì cho con học cái chữ để tự nuôi thân, thoát khỏi cái nghèo bền vững”.

Giờ thì 6 đứa con bà 3 đứa đã ra trường, có việc làm, chỉ còn lại hai cô đang học ở Đà Lạt. Gánh nặng cơm áo vơi dần. Lại thêm nguồn vốn họ cận nghèo vay từ năm 2015 tái canh cà phê và con cái bù phụ, ông bà giờ nhàn nhã trông vườn tược.

Câu chuyện lựa gió tín dụng chính sách xây dựng nông thôn mới của Tân Hội không chỉ làm tốt việc bình xét và giám sát hiệu quả vốn vay mà còn là việc tận dụng, từng chính sách để gỡ khó cho dân cũng như bài toán phát triển nông thôn mới của huyện.

Ông Tân nhớ lại khoảng thời gian 2010 - 2011, khi dịch chân tay miệng ở Tân Hội bùng phát khiến một cháu bé qua đời. Cán bộ xã xuống địa bàn thôn Ba Cảng mới vỡ lẽ vì vệ sinh không sạch sẽ, cả làng bói không ra cái nhà vệ sinh. Cũng bởi vậy, khi có nguồn vốn nước sạch về thay vì bình xét phân bổ, xã tập trung nguồn về thôn giúp bà con xây nhà vệ sinh, ăn ở sạch sẽ. Chương trình nước sạch vệ sinh môi trường của NHCSXH cũng đang là nguồn vốn mà người dân nơi đây sử dụng nhiều nhất để nâng cao chất lượng cuộc sống của mình, cũng như góp phần hoàn thiện các tiêu chí nông thôn mới của xã.

Đặc biệt, để dòng chảy tín dụng chính sách đúng địa chỉ đạt được hiệu quả tối đa, chẳng phải đến Nghị quyết nợ xấu của Quốc hội được phê duyệt năm 2017, ngay từ năm 2010, xã Tân Hội đã thành lập nguyên một hội đồng thu nợ năm 2010 do ông Tân làm Trưởng ban dù ông không nằm trong thành viên của Ban đại diện HĐQT NHCSXH. Ông bảo vì trách nhiệm với dân, với đồng vốn Nhà nước mà mình làm. Chứ nếu nói đến quyền lợi thì phải đến 2016, khi ông làm Chủ tịch xã mới được phụ cấp và cũng chỉ hơn 200 ngàn, chẳng đáng là bao so với những nhọc nhằn công việc và trách nhiệm nặng nề mà ông gánh vác. Càng làm ông lại càng thấm ý nghĩa của Chỉ thị 40 cũng như việc cơ cấu Chủ tịch xã trong Ban đại diện HĐQT.

Tính đến cuối tháng 8/2018, dư nợ tín dụng của NHCSXH trên địa bàn xã đạt hơn 30 tỷ đồng. Dòng chảy tín dụng những năm qua góp phần đưa tỷ lệ hộ nghèo của xã chỉ còn 0,24% và cận nghèo là 0,32% tương ứng với 6 hộ và 8 hộ. Toàn xã đã có 320ha rau vụ Hè thu, 974ha tiêu. Bình quân thu nhập ròng 45 triệu đồng/đầu người…

Tuy nhiên cơ hội “đột phá” của Tân Hội trong phát triển nông thôn mới không dễ dàng. “Định hướng phát triển kinh tế của Đảng ủy xã có nhiều định hướng hay nhưng do giá cả thị trường không thực hiện được. Như định hướng phát triển nông thôn mới trước đây đầu tư cho bà con tiêu và cà phê ghép, nay chỉ còn cà phê ghép thôi tiêu trước 200 nghìn/kg, nay 50 nghìn/kg không ai mua. Thiếu tính liên kết đầu ra nông sản phụ thuộc vào thương lái và thị trường, kinh tế người dân trở nên bấp bênh”, ông Tân tâm sự. Đây cũng là những bài toán quan trọng cần giải ở một cấp thẩm quyền cao hơn xã. Có như vậy, những dòng vốn tín dụng mới có thể phát huy công năng hỗ trợ những người nghèo thoát nghèo bền vững và nguy cơ tái nghèo khó quay trở lại.

Bài và ảnh Minh Ngọc

Các tin bài khác