Nông dân Minh Hóa sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay
Đến thời điểm này, Quỹ hỗ trợ nông dân các cấp trên địa bàn huyện Minh Hóa đạt hơn 2 tỷ đồng. Từ nguồn vốn này, các cấp Hội Nông dân đã xây dựng nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp, tạo thêm việc làm cho hội viên.
Hội Nông dân huyện Minh Hóa đã phối hợp với NHCSXH thành lập 149 Tổ tiết kiệm và vay vốn với tổng dư nợ trên 150 tỷ đồng, cho hơn 5.000 lượt hộ vay vốn. Các nguồn vốn được quản lý chặt chẽ, sử dụng có hiệu quả, giúp hội viên, nông dân có nguồn lực đầu tư SXKD, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống.
Một trong những hộ nông dân được vay vốn từ NHCSXH huyện Minh Hóa, chị Hồ Thị Thanh ở xã Trọng Hóa cho biết: “Năm 2007, tôi được NHCSXH huyện cho vay 5 triệu đồng để thực hiện mô hình nuôi heo. Với số tiền vay được, ban đầu, tôi mua một con heo giống làm nái và 5 con heo thịt. Những năm sau đó, với những lứa heo thắng lợi, tôi mở rộng quy mô và đa dạng hóa loại hình chăn nuôi bằng việc mua bò giống về nuôi. Hằng năm, tôi luôn duy trì được đàn bò trên 15 con và đàn heo bản từ 20 đến 30 con, mỗi năm trừ chi phí, gia đình có thu nhập trên dưới 70 triệu đồng. Từ một hộ nghèo, bây giờ gia đình tôi đã có của ăn, của để, tất cả là nhờ nguồn vốn vay ưu đãi từ NHCSXH”.
Mỗi năm, toàn huyện Minh Hóa có trên 4.500 hộ nông dân đăng ký thi đua đạt danh hiệu nông dân SXKD giỏi. Tất cả những hộ nông dân nêu trên đều được hỗ trợ ban đầu từ nguồn vốn vay của NHCSXH và Quỹ hỗ trợ nông dân.
Nhờ vậy, đến nay, toàn huyện đã có trên 1.300 hộ đạt danh hiệu nông dân SXKD giỏi các cấp; trong đó, có trên 105 hộ có thu nhập từ 100 triệu đồng đến 1 tỷ đồng/năm, như mô hình nuôi ong của hội viên Đinh Xuân Khách, xã Xuân Hóa; mô hình trang trại tổng hợp của hội viên Đinh Xuân Trung, xã Xuân Hóa; mô hình trồng cây ăn quả của hội viên Đinh Xuân Chiến, thị trấn Quy Đạt… Ngoài ra, cũng nhờ nguồn vốn ưu đãi mà mỗi năm trên địa bàn huyện Minh Hóa có hàng trăm hộ nông dân thoát nghèo.
Chủ tịch Hội Nông dân huyện Minh Hóa, Đinh Thị Kim Quý cho biết, trong thời gian tới, Hội tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nông dân xây dựng các dự án phát triển kinh tế phù hợp, thành lập các tổ hợp tác; tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ hội làm công tác uỷ thác.
Đồng thời, Hội tăng cường công tác kiểm tra, giám sát nhằm phát hiện và ngăn chặn kịp thời những tồn tại, thiếu sót trong quá trình thực hiện uỷ thác, bảo đảm an toàn và phát huy hiệu quả nguồn vốn vay chính sách.
“Để nguồn vốn vay ưu đãi được sử dụng đúng mục đích, đạt hiệu quả cao, chúng tôi tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các ngành, chính quyền địa phương khảo sát địa bàn cho vay, bảo đảm đúng đối tượng, tư vấn phương án sản xuất, kinh doanh, cách quản lý, sử dụng vốn vay.
Đồng thời, Hội phối hợp tập huấn chuyển giao các tiến bộ KHKT về phòng trừ sâu bệnh cho cây trồng, dịch bệnh cho đàn vật nuôi; thường xuyên tổ chức các buổi sinh hoạt trao đổi kinh nghiệm, tham quan những mô hình kinh tế hiệu quả để bà con nông dân, hội viên học hỏi”, bà Quý chia sẻ.
Theo Lâm An Báo Quảng Bình
Các tin bài khác
- » Hoạt động Điểm giao dịch xã từng bước được đổi mới
- » Tập trung nâng cao chất lượng tín dụng chính sách
- » NHCSXH làm việc với Quỹ Phát triển Nông nghiệp Quốc tế (IFAD)
- » Hoạt động của NHCSXH rất đáng để các quốc gia có tỷ lệ hộ nghèo cao học tập
- » Chuyện dâu tằm và vốn chính sách
- » Tổng dư nợ ủy thác vốn vay qua Hội Phụ nữ đạt gần 71.500 tỷ đồng
- » Vụ Xã hội thuộc Ban Kinh tế TW làm việc với NHCSXH
- » Phủ vốn chính sách trên Tây Nguyên
- » Giảm nghèo là nhiệm vụ chung của cả hệ thống chính trị
- » “Hạt giống” tín dụng ươm mầm nông thôn mới