Đăk Pơ tạo sinh kế bền vững cho đồng bào DTTS

01/10/2018
(VBSP News) Cùng với các chương trình, dự án của Chính phủ, nguồn vốn tín dụng chính sách đã giúp đồng bào DTTS huyện Đăk Pơ (Gia Lai) thay đổi nếp nghĩ, cách làm, áp dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất, tạo sinh kế bền vững, giảm nghèo hiệu quả.
image001

Đồng bào ở Đăk Pơ thoát nghèo nhờ sử dụng vốn vay ưu đãi để nuôi bò lai thành đàn

Ưu tiên vốn cho đồng bào DTTS   

Báo cáo tổng kết thực hiện tín dụng chính sách đối với đồng bào DTTS giai đoạn 2007 - 2017 của tỉnh Gia Lai nêu rõ: Đến năm 2017 tỷ lệ hộ nghèo của Gia Lai còn 13,5%; trong đó đa phần là đồng báo DTTS, chiếm tới 86,5% tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh. Hầu hết hộ nghèo DTTS sống ở vùng sâu, vùng xa, trình độ dân trí thấp, chưa có thói quen tích lũy…

Toàn tỉnh là vậy, riêng huyện Đăk Pơ chỉ còn 945 hộ nghèo đồng bào DTTS, chiếm 57,38% hộ nghèo toàn huyện. Ông Nguyễn Trường - Chủ tịch UBND huyện Đăk Pơ cho biết: “Cùng với nguồn vốn hỗ trợ từ các chương trình mục tiêu quốc gia, chúng tôi thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các chính sách giảm nghèo bền vững, các chính sách hỗ trợ sinh kế cho đồng bào DTTS để cải thiện đời sống. Chỉ nói riêng năm 2016, huyện đã hỗ trợ 1,34 tỷ đồng cho 67 hộ đồng bào DTTS thực hiện định canh, định cư và cấp 70 con bò, trên 34 tấn phân bón, 55 tấn muối i ốt cho các hộ đồng bào  DTTS trên địa bàn…”.

Về tín dụng chính sách, ông Nguyễn Xuân Nhân - Phó Giám đốc NHCSXH huyện khẳng định: “Đối với huyện miền núi đặc thù như Đăk Pơ, chúng tôi cam kết ưu tiên vốn cho bà con thuộc 34 làng đồng bào DTTS, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo đầu tư phát triển sản xuất”. Năm 2017, gần 65% số hộ đồng bào DTTS trên địa bàn được tiếp cận vốn vay từ NHCSXH, với dư nợ trên 27 tỷ đồng/165 tỷ đồng tổng dư nợ toàn huyện, với 1.366 hộ vay. Đa phần vốn vay được bà con sử dụng đầu tư vào chăn nuôi bò sinh sản, trồng mía mang lại hiệu quả kinh tế. Nhờ vốn vay, nhiều hộ đã thoát nghèo, góp phần đưa tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện xuống còn 16,76%, tỷ lệ hộ cận nghèo là 6,34%.

Trưởng thôn đi trước

Qua khảo sát, Đăk Pơ hiện có 397 hộ DTTS (chiếm 17,8% tổng số hộ toàn huyện) đủ điều kiện vay vốn nhưng không có nhu cầu vay, vì còn tâm lý ngại vay vốn, sợ rủi ro. Để đảm bảo mục tiêu 100% hộ nghèo, hộ cận nghèo DTTS được vay vốn khi có nhu cầu và đủ điều kiện, Giám đốc NHCSXH huyện Đăk Pơ Nguyễn Thị Thanh Thảo nêu giải pháp: Cần phải lồng ghép các chương trình, dự án đầu tư kết hợp với vốn tín dụng chính sách để định hướng cho bà con; phối hợp với các ngành, hội, đoàn thể thường xuyên mở các lớp tập huấn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi để các hộ mạnh dạn vay vốn làm ăn; tuyên truyền, vận động bằng cách lấy một số gương điển hình, trước hết là các Trưởng thôn, Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn làm ăn hiệu quả để bà con có cơ hội tiếp cận, học hỏi làm theo.

Anh Đinh Văn Cao - Trưởng thôn Đê Chơ Gang, xã Phú An bộc bạch một cách chân tình: “Muốn bà con tin tưởng thì mình phải làm trước. Mình không làm thì nói ai nghe”. Nói là làm, anh Cao mạnh dạn vay vốn 2 chương trình, gồm: hộ gia đình sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn và NS&VSMTNT. Có vốn anh nuôi bò sinh sản, xây dựng công trình vệ sinh cho gia đình. Sau 3 năm anh có đàn bò 6 con. Anh còn tiên phong đầu tư trồng hơn 20ha keo. “Mình phải theo Trưởng thôn thôi, nó làm ưng cái bụng rồi” - già làng nói với con cháu. Theo gương anh Cao, cả thôn đăng ký vay vốn ưu đãi (trừ những hộ già cả, neo đơn). Từ tín dụng chính sách bà con đẩy mạnh chăn nuôi, phát triển đàn bò lên gần 400 con. Bên cạnh cây mía, mì, 41 hộ đăng ký trồng 99ha keo trong năm nay. Thôn Đê Chơ Gang bây giờ được gọi là thôn “2 không”: Không nợ quá hạn phát sinh và không “tín dụng đen”.

“Nguồn vốn tín dụng chính sách là nguồn lực chính giúp bà con làng Đê Chơ Gang nói riêng, xã Phú An nói chung phát triển kinh tế, giảm nghèo hiệu quả, xóa bỏ được tín dụng đen”, Phó Chủ tịch UBND xã Trần Vũ Thanh khẳng định. Tính đến nay, dư nợ  tín dụng chính sách của xã đạt hơn 18,4 tỷ đồng, góp phần đưa tỷ lệ hộ nghèo giảm 0,6% trong năm 2017, hiện chỉ còn 4,1% (57 hộ). Mức thu nhập bình quân của xã hiện đạt 31,2 triệu đồng/người/năm, phấn đấu đến năm 2020 đạt 40 triệu đồng/người/năm. Đăk Pơ có 7 xã, 1 thị trấn đang hướng theo cách làm của Phú An.

Bài và ảnh Hồ Khánh Thiện

Các tin bài khác