Lâm Đồng đẩy mạnh giảm nghèo bền vững vùng DTTS

01/10/2018
(VBSP News) Tỉnh Lâm Đồng nằm ở phía Nam vùng Tây Nguyên, có địa hình khá bằng phẳng, nguồn nước phong phú, thời tiết ôn hòa nhưng có đến 43 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó đồng bào dân tộc K’Ho, Mạ, Tày, Nùng, Chu Ru, Mường, Mông, Khmer, Lô Lô... chiếm trên 24% dân số toàn tỉnh, phần lớn sinh sống tập trung tại các thôn, xã vùng sâu, vùng xa. Theo thống kê, tính đến năm 2008, tỉnh Lâm Đồng còn đến 35 xã, 77 thôn đặc biệt khó khăn thuộc chương trình 135 và huyện Đam Rông nằm trong chương trình 30a về giảm nghèo nhanh, bền vững của Chính phủ. Hầu hết hộ nghèo đều có đời sống thấp kém, thiếu vốn sản xuất, nhất là những gia đình đồng bào DTTS.
image001

NHCSXH huyện Di Linh giao dịch với bà con các dân tộc xã Tam Bố

Trước thực trạng đó, lãnh đạo tỉnh xác định công tác giảm nghèo bền vững trên toàn địa bàn, nhất là tại huyện 30a, ở các thôn xã đặc biệt khó khăn là nhiệm vụ trọng tâm trong chiến lược phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội. Nhiều chính sách, giải pháp của Trung ương, của địa phương được triển khai thực hiện kịp thời, rộng rãi, đạt hiệu quả như chương trình đào tạo kỹ năng, ngành nghề sản xuất, xây dựng nông thôn mới, đặc biệt là tập trung, nâng mức cho vay vốn tín dụng chính sách đối với đồng bào DTTS để góp phần đắc lực việc giảm nghèo nhanh, bền vững ở vùng miền núi dân tộc.

Theo ông Huỳnh Thanh Lân - Giám đốc NHCSXH tỉnh Lâm Đồng: Hiện nay, đồng bào DTTS ở tất cả 147 đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn được thụ hưởng 13 chương trình tín dụng chính sách do NHCSXH tổ chức thực hiện, kể cả 2 chương trình dành riêng cho hộ DTTS đặc biệt khó khăn theo Quyết định 755 và Nghị định 75 của Chính phủ. Ngoài ra, các hộ nghèo là người DTTS từ huyện  30a đến các thôn xã trồng rau chuyên canh Đơn Dương, TP Đà Lạt, Bảo Lộc, vùng cây công nghiệp dâu tằm, cà phê các huyện Bảo Lâm, Di Linh, Đức Trọng… có đăng ký thoát nghèo đều được vay thêm vốn ưu đãi, (10 triệu đồng) thuộc chương trình hộ nghèo tại NHCSXH và được hỗ trợ 100% lãi do UBND tỉnh đài thọ trong thời hạn 2 năm.

Thực tế, qua 10 năm cho vay, tỉnh Lâm Đồng đã có trên 122 nghìn lượt hộ đồng bào DTTS được vay vốn với số tiền gần 900 tỷ đồng để phát triển SXKD, tạo đất sản xuất, chuyển đổi nghề, xuất khẩu lao động… Dư nợ cho vay hộ đồng bào DTTS chiếm 29,8% tổng dư nợ của NHCSXH tỉnh Lâm Đồng và nợ quá hạn rất thấp.

Nguồn vốn vay của đồng bào DTTS không những làm cho tổng dư nợ của NHCSXH tỉnh Lâm Đồng tăng lên gần 3.000 tỷ đồng, mà còn góp phần giảm 11.500 hộ DTTS thoát ngưỡng nghèo, tạo việc làm thường xuyên cho 10.496 lao động, hỗ trợ kịp thời xây dựng 2.762 căn nhà ở kiên cố, 25.000 công trình cung cấp nước sạch và xây nhà vệ sinh hợp tiêu chuẩn.

Đạt được kết quả trên là do NHCSXH tỉnh Lâm Đồng làm tốt việc phối hợp chặt chẽ với các cấp chính quyền, đoàn thể từ tỉnh huyện đến cơ sở thôn, xã, triển khai kịp thời nhiều giải pháp phù hợp như duy trì chất lượng hoạt động ở tất cả 147 Điểm giao dịch xã trên toàn địa bàn, bất kể vùng sâu, vùng xa hay ngày nghỉ, ngày lễ, thực hiện hợp đồng ủy thác cho vay hộ nghèo, gia đình đồng bào DTTS và các đối tượng chính sách với 100% tổ chức, chính trị - xã hội từ tỉnh đến xã, tổ chức sắp xếp mạng lưới 2.500 Tổ tiết kiệm và vay vốn theo địa bàn thôn, tổ dân phố đảm bảo khâu chuyển tải thuận lợi đầy đủ vốn tín dụng chính sách đến đúng đối tượng thụ hưởng… Nhờ vậy, đồng vốn tín dụng chính sách được đa số hộ đồng bào DTTS sử dụng hợp lý, hiệu quả trong SXKD, thoát nghèo bền vững, nâng cao cuộc sống.

Đơn cử ở xã Lộc Tân có đông đồng bào DTTS sinh sống và tỷ lệ hộ nghèo cao. NHCSXH huyện Bảo Lâm đã chuyển tải nhanh chóng nguồn vốn, ưu tiên đầu tư trực tiếp đúng đối tượng, đáp ứng kịp thời yêu cầu thâm canh vườn cà phê, hồ tiêu, mua giống tốt phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm. Tiêu biểu về gia đình chị Ka Tré, dân tộc K’Ho thôn 2, xã Lộc Tân được vay vốn đã khai hoang mở đất trồng 2ha cà phê, 1ha dâu, nuôi 8 long tằm giống mới. Bên cạnh đó, chị còn được chi hội phụ nữ thôn tạo điều kiện tham dự lớp tham quan các mô hình làm kinh tế giỏi nên đã thoát nghèo bền vững.

image002

Đồng bào DTTS ở các huyện của tỉnh Lâm Đồng vay vốn chính sách mở rộng diện tích trồng dâu

Tương tự, gia đình bà K.Kets ở thôn Đà Ròn, xã Đà Ròn, huyện Đơn Dương, nhiều năm liền là hộ nghèo, lại không có ít đất trồng trọt khiến cuộc sống đã khó càng khó hơn. Năm 2014 nhờ tham gia sinh hoạt Tổ tiết kiệm và vay vốn, bà K.Kets vay 30 triệu đồng vốn chính sách nuôi bò sữa. Nhờ nguồn vốn vay kịp thời, sử dụng vốn đúng kế hoạch cùng với sự chăm sóc phòng bệnh gia súc chu đáo, công việc chăn nuôi suôn sẻ, nay gia đình bà sở hữu 7 con bò vắt sữa, thu nhập bình quân 12 triệu đồng/tháng. Dự định trong tháng tới, gia đình bà trả hết nợ vay ngân hàng và lập kế hoạch vay thêm vốn chương trình giải quyết việc làm để phát triển đàn bò theo mô hình kinh tế trang trại.

Chặng đường 16 năm kề vai sát cánh cùng người nghèo và hộ đồng bào DTTS trên cao nguyên, NHCSXH tỉnh Lâm Đồng đã góp phần tích cực thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới. Thời gian tới những người làm tín dụng chính sách nơi đây tiếp tục tập trung huy động mọi nguồn lực tài chính, phấn đấu đáp ứng kịp thời 100% hộ nghèo là đồng bào DTTS có nhu cầu và đủ điều kiện được tiếp cận thuận lợi tới nguồn vốn ưu đãi của Nhà nước và các sản phẩm, dịch vụ do NHCSXH cung cấp.

Bài và ảnh Đông Dư - Phan Anh

Các tin bài khác