Ưu đãi tín dụng với đồng bào DTTS
Bệ đỡ cho đồng bào vươn lên
Bế cậu con trai nhỏ vừa được tắm rửa sạch sẽ ra gặp khách đến chơi, chị H Thuyết, dân tộc M’Nông, ở bon Bunjang, xã Trường Xuân, huyện Đắk Song (Đắk Nông) khoe công trình nước sạch và nhà vệ sinh của gia đình mới xây năm nay là nhờ 12 triệu đồng vay ưu đãi từ NHCSXH. Chồng chị H Thuyết, anh Y Hoan Kpơr cho biết thêm gia đình còn được vay 30 triệu đồng từ chương trình dành cho hộ cận nghèo để đầu tư trồng hồ tiêu, cà phê. Cuộc sống của anh chị đã ổn định và nâng cao chất lượng hơn trước.
Cũng nhờ chính sách tín dụng ưu đãi của Nhà nước, gia đình anh Lộc Văn Nin, dân tộc Thái và chị H Hiếu, dân tộc M’Nông, ở thôn Bong Dinh, xã Trường Xuân, đã được vay 40 triệu đồng để đầu tư cho vườn rẫy. Anh Nin kể ngày trước hai vợ chồng không có vốn để đầu tư nên làm đến đâu ăn hết đến đó, nhiều khi ăn trước trả sau. Đến nay thì cuộc sống đã khá hơn rất nhiều, cũng đã có chút vốn để dành. Riêng năm 2017, anh Nin thu hoạch 3 tấn tiêu và 7 tấn cà phê, thu lãi hàng chục triệu đồng.
Đó chỉ là hai trong số 1.330 hộ gia đình ở xã Trường Xuân đang vay vốn tại NHCSXH huyện Đắk Song với tổng dư nợ là 47,5 tỷ đồng. Nguồn vốn tập trung ở các chương trình cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, hộ gia đình sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn, xây công trình nước sạch và vệ sinh… Vốn vay chi phí thấp, thủ tục nhanh gọn, đúng đối tượng đã giúp các hộ đồng bào mạnh dạn đầu tư phát triển kinh tế gia đình. Theo báo cáo của UBND xã Trường Xuân, vốn ưu đãi chỉ tính trong năm 2017 đã giúp 82 hộ nghèo và 130 hộ cận nghèo trong xã vươn lên thoát nghèo bền vững.
Củng cố niềm tin vào Đảng, Nhà nước
Đến ngày 31/8/2018, NHCSXH đang quản lý trên 20 chương trình tín dụng chính sách xã hội theo chỉ định của Chính phủ và một số dự án cho vay, tổng dư nợ đạt 182.988 tỷ đồng, với hơn 8,3 triệu món vay của gần 6,7 triệu khách hàng đang còn dư nợ. Trong đó, gần 1,5 triệu khách hàng là hộ dân tộc thiểu số đang thụ hưởng hầu hết các chương trình tín dụng tại NHCSXH, với tổng dư nợ 45.194 tỷ đồng, chiếm 24,7%/tổng dư nợ của NHCSXH, dư nợ bình quân một hộ dân tộc thiểu số đạt 30,6 triệu đồng/hộ trong khi bình quân chung là 27,3 triệu đồng/hộ. Đồng bào DTTS được tiếp cận nguồn vốn của Chính phủ để thực tập làm ăn, tạo việc làm, từng bước nâng cao trình độ quản lý sản xuất, kinh doanh cũng như trình độ quản lý vốn để dần vươn lên thoát nghèo, làm giàu trên chính quê hương mình, góp phần ngăn chặn tệ cho vay nặng lãi ở vùng nông thôn, vùng DTTS, miền núi… Đặc biệt, thông qua sử dụng vốn tín dụng chính sách xã hội đã tác động đến nhận thức, giúp đồng bào DTTS tự tin, tăng dần vị thế trong xã hội.
Tín dụng chính sách xã hội cũng góp phần thiết lập được mô hình tổ chức, phương thức quản lý vốn và cách thức tác nghiệp đặc thù, hiệu quả, phù hợp với hộ nghèo, hộ dân tộc thiểu số, tạo được lòng tin của nhân dân, đồng bào DTTS đối với các chính sách của Đảng, Nhà nước và hoạt động của NHCSXH. Chính quyền cơ sở cũng có điều kiện tiếp xúc nhiều hơn với người dân, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, kịp thời giải quyết những vướng mắc, khó khăn của người dân, góp phần củng cố hệ thống chính trị cơ sở, giữ vững ổn định an ninh, trật tự và an toàn xã hội tại địa phương, đặc biệt ở khu vực nông thôn, vùng dân tộc thiểu số, miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới.
Tháo gỡ những vướng mắc
Bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn một số tồn tại, khó khăn như: Một số chương trình tín dụng chính sách theo các Nghị định, Quyết định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có hiệu lực nhưng chưa được bố trí vốn kịp thời, tạo áp lực đối với NHCSXH trước nhu cầu vay vốn của đối tượng thụ hưởng chính sách và chính quyền địa phương như: Chương trình hỗ trợ nhà ở đối với hộ nghèo theo chuẩn nghèo giai đoạn 2011 - 2015 theo Quyết định số 33/2015/QĐ-TTg ngày 10/8/2015 (Chương trình hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở theo Quyết định số 167/2008/QĐ-TTg giai đoạn 2); chương trình cho vay đối với Thanh niên xung phong cơ sở ở miền Nam tham gia kháng chiến giai đoạn 1965-1975 theo Nghị định số 112/2017/NĐ-CP…
Tín dụng chính sách xã hội đối với đồng bào DTTS mới chỉ dừng lại ở một số chương trình tín dụng dành riêng cho đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, chưa có chính sách tín dụng đặc thù dành riêng cho đồng bào DTTS nói chung. Hộ DTTS thụ hưởng các chương trình tín dụng với mức vay tối đa và thời gian vay như hiện nay (50 triệu đồng/hộ, thời gian tối đa 5 năm) chưa tạo tác động chuyển biến đột phá về phát triển kinh tế - xã hội trong khu vực dân tộc thiểu số. Do đó nhiều ý kiến đã đề nghị mở rộng đối tượng hộ DTTS có mức sống trung bình (không giới hạn hộ dân tộc thiểu số nghèo) được vay vốn, với mức vay có thể đến 100 triệu đồng/hộ, với thời gian dài hơn (trên 10 năm) để phù hợp dự án sản xuất, kinh doanh có hiệu quả, tạo động lực chuyển biến mạnh mẽ trong vùng DTTS.
Trong giai đoạn 2016 - 2018, vốn tín dụng chính sách xã hội đã góp phần giúp trên 236.000 hộ đồng bào DTTS thoát nghèo, thu hút và tạo việc làm cho gần 123.000 lao động (trên 2.000 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài); giúp trên 32.000 HSSV có hoàn cảnh khó khăn là con em hộ đồng bào DTTS được vay vốn học tập; xây dựng hơn 784.000 công trình nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn; xây dựng hơn 19.000 căn nhà ở… |
Bài và ảnh Ngọc Tú
Các tin bài khác
- » Lâm Đồng đẩy mạnh giảm nghèo bền vững vùng DTTS
- » Cơ hội thoát nghèo cho đồng bào DTTS
- » Đắk Nông tập trung vốn cho vùng đồng bào DTTS
- » Người Tổ trưởng trách nhiệm và gần dân
- » Đồng hành với phụ nữ phát triển kinh tế
- » Đà Nẵng vinh danh 107 Tổ tiết kiệm và vay vốn có thành tích xuất sắc
- » Đăk Pơ tạo sinh kế bền vững cho đồng bào DTTS
- » Người Khmer ở Sóc Trăng sinh kế từ nguồn vốn chính sách
- » Nông dân Minh Hóa sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay
- » Hoạt động Điểm giao dịch xã từng bước được đổi mới