Vốn chính sách với chương trình giảm nghèo vùng biển Tĩnh Gia
Để công tác giảm nghèo đạt hiệu quả, huyện Tĩnh Gia đã chỉ đạo các cơ sở tiến hành rà soát, điều tra, xác định chính xác đối tượng thụ hưởng chính sách của Nhà nước, đảm bảo tính minh bạch, đúng quy định, đồng thời triển khai các giải pháp trực tiếp như huy động đủ nguồn vốn ưu đãi cho số hộ nghèo và hộ có nguy cơ tái nghèo vay, tạo điều kiện để người nghèo, thôn, xã đặc biệt khó khăn tiếp cận thuận lợi tới nguồn vốn tín dụng ưu đãi và sử dụng vốn vay gắn với khuyến nông, khuyến ngư, chuyển giao kỹ thuật, phát triển kinh tế nhằm giảm nghèo nhanh và bền vững.
Chúng tôi có dịp đến Hải Châu, một xã nghèo khó nhất so với 13 xã bãi ngang ven biển huyện Tĩnh Gia, bởi địa hình đồng ruộng sinh lầy, xen kẽ nhiều bãi cát, đồi sỏi đá, xã có 2.600 hộ thì hơn 1/3 là hộ nghèo, thiếu vốn sản xuất vào thời điểm năm 2013.
Vậy mà 3 năm trở lại đây, bộ mặt của cả 12 thôn xóm miền quê sóng biển vỗ quanh năm này đã đổi thay nhiều. Ruộng đất hoang hóa được cải tạo thành ao đầm nuôi tôm thẻ chân trắng, cá vược mang về mùa thu hoạch cao; hầu hết hộ nghèo, hộ cận nghèo, kể cả hộ mới thoát nghèo vay được vốn ưu đãi của Nhà nước kịp thời đầu tư mua đủ con giống, vật tư phát triển nghề nuôi trồng, đánh bắt hải sản.
Chủ tịch UBND xã Hải Châu, Đặng Duy Tân sôi nổi kể chuyện với chúng tôi: Dân biển, làng chài chúng tôi cách đây không xa còn thiếu thốn, bĩ cực lắm, hồi ấy chỉ biết làm thuê, vác mướn thôi, nhưng từ khi được Nhà nước hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu cho các xã đặc biệt khó khăn khu vực bãi ngang, ven biển nhất là NHCSXH đã ưu tiên vốn đầu tư lại còn phối hợp với các tổ chức đoàn thể thôn xã, cho vay hộ nghèo đúng đối tượng, đúng chính sách, trực tiếp tại Điểm giao dịch xã nên ước mơ thoát nghèo của địa phương đã nhanh chóng thành hiện thực. Cán bộ tín dụng ngân hàng cùng cán bộ khuyến nông, khuyến ngư của huyện cũng luôn bám thôn, bám dân hướng dẫn vay vốn chính sách thuận lợi và cách thức sử dụng đồng vốn vay với việc đưa KHKT vào thâm canh phát triển nghề kinh tế biển.
Theo ông Tân, tính đến nay, toàn xã Hải Châu có trên 1.800 lượt hộ dân được vay vốn chính sách với số tiền 28,7 tỷ đồng, chủ yếu đầu tư vào việc nuôi trồng đánh bắt hải sản. Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm 34% đầu năm 2013 xuống còn 19,4% cuối năm 2017. Nhiều gia đình xây dựng mô hình kinh tế trang trại, gia trại tổng hợp đã nâng cao thu nhập, vươn lên làm giàu.
Đến thăm trang trại của anh Lê Hữu Thích, trú tại thôn 8 xã Hải Châu, chúng tôi mục sở thị cơ ngơi của anh có 2 dẫy ao rộng ngót 5.000m2 nuôi các loại tôm, cá nước lợ, một vườn cây với 600 cây chanh đào, 500 cây thanh long, thu nhập bình quân trên 400 triệu đồng/năm. Anh Thích tâm sự, 7,8 năm về trước khi học xong cấp 3, nhà nghèo, đông anh em nên không có điều kiện học cao mà phải lặn lội lên thành phố làm thuê kiếm tiền. Cuộc sống của hai vợ chồng cùng hai đứa con nhỏ khi ấy khá chật vật. Được sự động viên của Đoàn Thanh niên địa phương anh vay được vốn chính sách, thầu 7 sào đất hoang ruộng trũng cải tạo thành ao nuôi cá vược, cá bống. Vụ thu hoạch năm ngoái, anh thu nhập tới cả nửa tỷ đồng. Dự kiến năm 2018 này, trang trại chăn nuôi tổng hợp còn cho lời lãi vài ba trăm triệu đồng, giúp anh thực hiện kế hoạch trả hết nợ vay ngân hàng, đồng thời tiếp tục đầu tư mua con giống, vật tư thuê thêm đất, mở rộng cơ sở chăn nuôi cá nước lợ, vịt đẻ trứng, lợn rừng.
Cũng kiên trì chịu khó trong công việc, anh Vũ Ngọc Miền được bà con thôn Khánh Vân, xã Hải Chiều nhắc đến như một tấm gương sử dụng vốn vay chính sách hiệu quả thoát nghèo cho gia đình và tạo thêm việc làm, thu nhập cho bà con dân biển. Được biết, xuất thân từ gia đình nông dân nghèo, anh Miền từng làm rất nhiều nghề từ phu hồ, chạy xe ôm, ướp cá… nhưng vẫn không lo đủ cuộc sống cho gia đình. Năm 2011, về hẳn quê tham gia hội ngành nghề thủ công của xã, được sự tư vấn, hướng dẫn của chính quyền và NHCSXH anh Miền mạnh dạn vay vốn chính sách lập tổ sản xuất chổi chít…Nhờ tính toán sử dụng tiền vốn, vật tư, lao động có kế hoạch đã giúp anh “làm đâu trúng đó” để cơ sở nghề thủ công phát đạt với một cơ ngơi: 2 căn nhà xưởng rộng hơn nghìn mét vuông, các loại nguyên vật liệu đầy đủ cùng 45 lao động tại chỗ hàng tháng làm ra từ 1.800 - 2.500 sản phẩm chổi chít. “Bây giờ thì gia đình không còn nghèo túng nữa; nợ nần cũng trả hết thu nhập của gia đình và bà con lao động tại cơ sở tiểu thủ công nghiệp ngày càng cao, ổn định” anh Miền cho biết.
Có thể nói, hàng trăm mô hình giảm nghèo làm ăn giỏi trên địa bàn các xã đặc biệt khó khăn nói riêng, toàn huyện duyên hải Tĩnh Gia nói chung được nhân rộng, phát triển từ nguồn vốn tín dụng chính sách đã góp phần quan trọng cải thiện điều kiện sinh kế cho người dân; diện mạo khu vực bãi ngang ven biển của huyện đang thực sự thay da đổi thịt, đời sống người dân được cải thiện rõ rệt. Cùng với các cấp ngành trên địa bàn, NHCSXH tiếp tục tập trung huy động nguồn vốn cho vay hộ nghèo, cho vay phát triển sản xuất vùng khó khăn, thực hiện chuyển tải nhanh chóng, trực tiếp mọi nguồn vốn đến đúng đối tượng, góp phần thực hiện thắng lợi chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững giai đoạn 2016-2020 ở tỉnh Thanh Hóa.
Bài và ảnh Mai Phương - Đông Dư
Các tin bài khác
- » Thoát nghèo không còn là giấc mơ
- » Cặp lá yêu thương tròn 3 tuổi và ước mơ đến trường của các em nhỏ xứ Thanh
- » NHCSXH chúc mừng 88 năm thành lập Hội Nông dân Việt Nam
- » Quỹ Quốc gia về việc làm: Động lực thúc đẩy nguồn nhân lực địa phương
- » Đưa vốn tín dụng chính sách đến hộ nghèo
- » Điểm tựa của người nghèo nơi miền Tây xứ Nghệ
- » Chìa khóa thoát nghèo ở Thượng Lộc
- » Ưu đãi tín dụng với đồng bào DTTS
- » Lâm Đồng đẩy mạnh giảm nghèo bền vững vùng DTTS
- » Cơ hội thoát nghèo cho đồng bào DTTS