Vùng khó khăn Thanh Hóa giảm nghèo nhanh từ nguồn vốn chính sách
Từ thực tế trên, Thanh Hóa đã tập trung triển khai các giải pháp chủ yếu, cụ thể như tiếp tục đa dạng các nguồn vốn, thực hiện tốt tín dụng cho người nghèo; phân công các Sở, ngành, đơn vị cấp tỉnh và cấp huyện ưu tiên đầu tư giúp đỡ các huyện 30a, các xã đặc biệt khó khăn; tích cực hướng dẫn đồng bào DTTS cách thức sử dụng vốn vay ưu đãi kết hợp với khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, chuyển giao kỹ thuật, phát triển ngành nghề… Đây là một nét mới đặc thù trong công tác chỉ đạo, điều hành và thực hiện chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững trên địa bàn Thanh Hóa giai đoạn 2016 - 2020.
Với nhiệm vụ cụ thể, cùng các Sở, ban, ngành của địa phương, NHCSXH tỉnh Thanh Hóa đã nỗ lực vào cuộc tập trung huy động nguồn lực tài chính, kịp thời chuyển tải nguồn vốn chính sách về tận vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, nâng mức vay bình quân đạt 15 - 20 triệu đồng/hộ, gắn với hướng dẫn cách thức làm ăn cho hộ nghèo, gia đình đồng bào DTTS phát triển sản xuất, tăng thu nhập. Tính đến 30/9/2018, NHCSXH tỉnh Thanh Hóa đã giải ngân bổ sung hơn 800 tỷ đồng tại 7 huyện 30a và 130 xã đặc biệt khó khăn, nâng tổng dư nợ 19 chương trình tín dụng chính sách đạt 8.290 tỷ đồng với 275 nghìn hộ còn vay vốn chính sách, tăng 7.853 tỷ đồng so với năm 2002.Nguồn vốn tín dụng chính sách trong những năm qua đã góp phần quan trọng thực hiện các chương trình mục tiêu về giảm nghèo nhanh, bền vững, tạo việc làm, xây dựng nông thôn mới. Đặc biệt ở các huyện nghèo, các xã đặc biệt khó khăn, tín dụng chính sách đã kề vai sát cánh với đồng bào DTTS, tác động trực tiếp trong việc giữ gìn đất, giữ biên cương tổ quốc, góp phần đắc lực giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân 2,54%/năm, tăng thu nhập hộ nghèo khoảng 1,74%; đời sống hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, không ngừng được cải thiện cả về sinh kế và khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội. Cụ thể theo kết quả rà soát năm 2017 cho thấy, tổng số hộ nghèo giảm ở 130 xã đặc biệt khó khăn là 6.455 hộ, trong đó 27 xã vùng cao của huyện: Bá Thước, Quan Hoá, Thường Xuân và Lang Chánh giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 10% trở lên; 19 xã ở các huyện miền núi: Ngọc Lặc, Cẩm Thủy, vùng biển Quảng Xương và Tĩnh Gia đạt chỉ tiêu giảm nghèo nhanh, bền vững do tỉnh đề ra, được ra khỏi danh sách vùng 3 - vùng đặc biệt khó khăn.
Thông qua nguồn vốn chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển sản xuất đã xuất hiện nhiều mô hình kinh tế hiệu quả, giúp hàng ngàn hộ nghèo thay đổi cách thức, nhận thức làm ăn. Tiêu biểu từ năm 2015 đến nay, Hội Phụ nữ tại 7 huyện 30a đã triển khai xây dựng 86 mô hình do phụ nữ làm chủ, trong đó có 15 HTX, 8 tổ hợp tác, tổ liên kết, thu hút trên 1000 thành viên tham gia như mô hình sử dụng vốn vay chính sách đầu tư sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn Viet Gap tại xã: Sơn Thủy, Quan Sơn; chăn nuôi bò sinh sản tại xã Giao Thiện, huyện Lang Chánh.
Cùng với công tác xây dựng củng cố hội vững mạnh, Hội Nông dân các xã ở huyện Quan Sơn, Bá Thước đã lồng ghép vốn vay ưu đãi với ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào phát triển kinh tế vườn đồi, vườn rừng, chăn nuôi trâu bò sinh sản. Nhờ nguồn vốn vay, ngành nghề tiểu thủ công truyền thống ở nông thôn được khôi phục, mở rộng như dệt thổ cẩm của người Thái huyện Quan Hoá, mây tre đan xuất khẩu của người Mường ở huyện Cẩm Thủy, Ngọc Lặc… Điển hình là người dân huyện Lang Chánh đã sử dụng nguồn vốn hiệu quả phục vụ phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập giảm nghèo nhanh. Là một huyện vùng cao nằm trong chương trình 30a, Lang Chánh có 10 xã và 1 thị trấn đều thuộc vùng đặc biệt khó khăn, kinh tế chậm phát triển. Bởi vậy, nguồn vốn tín dụng chính sách được xem như trợ lực lớn giúp địa phương và nhân dân thực hiện chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững theo phương pháp tiếp cận đa chiều. Thời gian qua, NHCSXH huyện luôn phối hợp với các cấp chính quyền, đoàn thể địa phương triển khai các giải pháp cụ thể, phù hợp, đó là thực hiện tốt hợp đồng ủy thác cho vay đúng đối tượng, xây dựng kiện toàn mạng lưới 183 Tổ tiết kiệm và vay vốn theo địa bàn thôn, bản, đảm bảo khâu chuyển nhanh, chuyển đủ vốn vay đến từng hộ nghèo, từng gia đình đồng bào DTTS. Bên cạnh đó, NHCSXH huyện đã tham mưu kịp thời với cấp ủy, chính quyền, tăng cường công tác chỉ đạo, hướng dẫn nông dân thực hiện các mô hình trồng ngô đông trên đất 2 lúa, mô hình cải tạo vườn tạp, đồi tạp. Các ban ngành chức năng cùng liên kết với NHCSXH tổ chức tập huấn chuyển giao ứng dụng KHKT vào sản xuất.
Đơn cử về gia đình ông Lò Văn Cầm, dân tộc Thái ở thôn Yên Lập, xã biên giới Yên Khương được vay vốn từ NHCSXH huyện vào đầu năm 2015 với số tiền 50 triệu đồng. Với nguồn vốn ưu đãi này, ông Cầm quyết định xây dựng mô hình chăn nuôi tổng hợp và trồng thêm các loại cây keo, mía, ngô, rau màu. Nhờ sự kiên trì chịu khó nay ông đã có một gia trại tổng hợp rộng 4ha bao gồm 2ha cây keo, 1ha cây luồng, đàn bò sinh sản 5 con, đàn gà thịt 80 con, thu nhập bình quân khoảng 100 triệu đồng/năm.
Vợ chồng anh Lò Văn Thống, chị Ngân Thị Ngá cùng trú tại thôn Yên Lập xã Yên Khương, trước đây cũng thuộc diện hộ nghèo, nhưng 4 năm qua nhờ được tiếp cận tới nguồn vốn chính sách, và tham gia tập huấn kỹ thuật kiến thức trồng trot, chăn nuôi nên đã xây dựng chuồng trại kiên cố, khai hoang đất làm mô hình kinh tế gia trại, vươn lên thoát nghèo, đạt danh hiệu nông dân sản xuất giỏi cấp tỉnh.
Phó Chủ tịch Hội CCB xã Yên Khương Ngân Văn Thảnh cho biết, NHCSXH đã luôn quan tâm ưu tiên dành vốn vay cho hộ nghèo và gia đình đồng bào DTTS nghèo ở tất cả 13 thôn, bản thuộc xã Yên Khương. Hiện toàn xã đạt mức tăng dư nợ vốn chính sách gần 30 tỷ đồng, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 33,7% đầu năm 2015 xuống còn 19,8% cuối năm 2017, trong đó nhiều hộ sử dụng vốn vay làm ăn khá giả, xây dựng mô hình kinh tế gia đình, thu nhập mỗi năm tới cả trăm triệu đồng/năm, thoát hẳn nghèo.
Ngoài xã Yên Khương cũng có các hộ gia đình khác trong huyện Lang Chánh vươn lên thoát nghèo bền vững, ổn định đời sống nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách.
Trao đổi với chúng tôi, Chủ tịch UBND huyện Lang Chánh Nguyễn Xuân Hồng khẳng định: Những năm qua, nguồn vốn tín dụng chính sách là động lực chính thúc đẩy việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế và chương trình giảm nghèo nhanh, bền vững của địa phương. Nguồn vốn đã luôn đến đúng đối tượng thụ hưởng, giúp nhiều thôn, bản, nhiều gia đình bớt đi cảnh nghèo khó, túng thiếu. Thời gian tới, huyện tập trung chỉ đạo công tác huy động các nguồn vốn cho vay hộ nghèo, cho vay phát triển sản xuất vùng khó khăn; thực hiện cải tiến quy trình, thủ tục vay để nguồn vốn tín dụng chính sách đến được đúng đối tượng, góp phần đảm bảo an sinh xã hội và đẩy nhanh phong trào xây dựng nông thôn mới.
Bài và ảnh Đông Dư - Mai Phương
Các tin bài khác
- » Thoát nghèo không còn là giấc mơ
- » Vốn chính sách với chương trình giảm nghèo vùng biển Tĩnh Gia
- » Cặp lá yêu thương tròn 3 tuổi và ước mơ đến trường của các em nhỏ xứ Thanh
- » NHCSXH chúc mừng 88 năm thành lập Hội Nông dân Việt Nam
- » Quỹ Quốc gia về việc làm: Động lực thúc đẩy nguồn nhân lực địa phương
- » Đưa vốn tín dụng chính sách đến hộ nghèo
- » Điểm tựa của người nghèo nơi miền Tây xứ Nghệ
- » Chìa khóa thoát nghèo ở Thượng Lộc
- » Ưu đãi tín dụng với đồng bào DTTS
- » Lâm Đồng đẩy mạnh giảm nghèo bền vững vùng DTTS